Theo thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Háo vừa ký quyết định số 3856/QD-UBND ngày 26/9/2024, công bố tình huống khẩn cấp sự cố hư hỏng cống Nổ Thôn tại K26+711 tuyến đê tả sông Mã, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Theo văn bản cho biết, do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc và Trung Trung Bộ kết hợp với không khí lạnh tăng cường, nên từ ngày 21/9/2024 đến ngày 23/9/2024 khu vực tỉnh Thanh Hóa đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông.
Lượng mưa đo được tại các Trạm Khí tượng thủy văn cơ bản phổ biến từ 100- 150mm, một số nơi đo được lượng mưa lớn nhất như: Trạm Thủy văn Kim Tân 214mm, Trạm Thủy văn Hồi Xuân 164mm. Vì vậy, các sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra một đợt lũ. Trong đó, mực nước trên sông Mã tại Trạm Lý Nhân đo được lúc 17h ngày 23/9/2024 là 11,08m (trên mức Báo động 2 là 0,08m).
Do chịu ảnh hưởng của mưa lớn và lũ trên sông Mã, ở vị trí cống Nổ Thôn tại K26+711 tuyến đê tả sông Mã, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc đã xảy ra sự cố lùng mang tường cánh hạ lưu cống (phía sông). Sự cố đã tạo ra một lỗ sâu có đường kính khoảng 70 cm, chiều sâu khoảng 2 m, khi nước sông Mã dâng cao, nước từ vị trí bị lồng mang đã thấm qua và chảy ngược vào thượng lưu cống ra phía đồng; đây là vị trí công trình đã có diễn biến hư hỏng từ những năm trước. Đồng thời, năm 2024 UBND huyện Vĩnh Lộc cũng đã xây dựng phương án trọng điểm phòng, chống lụt bão cấp huyện.
Căn cứ tình hình thực tế, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tình hình mưa, lũ diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, sự cố lùng mang tường cánh hạ lưu cống Nổ Thôn có nguy cơ rất cao gây mất an toàn, mất ổn định cho tuyến đê tả sông Mã đoạn qua khu vực này, uy hiếp đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Vì vậy, quyết định trên yêu cầu các biện pháp cần áp dụng ngay để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Cụ thể, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND huyện Vĩnh Lộc thực hiện các biện pháp cảnh báo, cắm biển báo sự cố công trình, phân luồng giao thông, ngăn cấm xe cơ giới chạy trên đê qua khu vực xảy ra sự cố. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến của sự cố công trình và báo cáo kịp thời khi có tình huống nguy hiểm xảy ra; đồng thời thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động các biện pháp ứng phó.
Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu huyện Vĩnh Lộc khẩn trương triển khai trên thực tế phương án bảo vệ trọng điểm phòng, chống lụt bão công trình đã được xây dựng, phê duyệt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tuyến đê tả sông Mã, đặc biệt là sẵn sàng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân, cơ quan, công sở bị ảnh hưởng khi có tình huống xảy ra.
Theo văn bản trên, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa cùng các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Vĩnh Lộc trong việc theo dõi diễn biến sự cố, hướng dẫn tổ chức xử lý các tình huống phát sinh (nếu có) ngay từ giờ đầu theo phương châm "4 tại chỗ", hạn chế sự cố phát triển thêm. Đồng thời, thường xuyên cập nhật, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh tình hình diễn biến và tiến độ khắc phục xử lý sự cố.
Về biện pháp lâu dài, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí để xử lý sự cố hư hỏng cống Nổ Thôn, đảm bảo ổn định lâu dài, theo đúng quy định của pháp luật.
Theo thông tin Người Đưa Tin đã đưa, trước đó, ngày 24/9, lực lượng chức năng huyện Vĩnh Lộc phát hiện sự cố rò rỉ nước tại khu vực chân đê sông Mã đoạn qua địa bàn xã Vĩnh An.
Sau khi phát hiện sự cố, Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Lộc đã chỉ đạo xã Vĩnh An cùng lực lượng bộ đội, công an triển khai phương án "4 tại chỗ," huy động các lực lượng chức năng và nhân dân tích cực khắc phục. Đồng thời, huyện lập tức báo cáo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh để có phương án chỉ đạo.
Nhận được tin, trong đêm 23/9, đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa cùng các đồng chí: Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thiếu tướng Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh; lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn phòng Tỉnh ủy và lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc đã trực tiếp có mặt tại hiện trường, chỉ đạo và huy động tối đa mọi lực lượng, phương tiện để hộ đê, xử lý khắc phục sự cố.
Theo đó, các đơn vị huy động khoảng 500 người là dân quân tự vệ, quân sự, công an và người dân xuyên đêm dùng bao cát, chèn đá hộc để xử lý khẩn cấp trên tuyến đê. Đến khoảng 7h sáng 24/9, điểm đê trên đã cơ bản được xử lý, nước không còn thấm vào trong đê.