Thanh Hóa: Thực hiện “mục tiêu kép” tại các khu kinh tế trọng điểm

Thanh Hóa: Thực hiện “mục tiêu kép” tại các khu kinh tế trọng điểm

Nguyễn Hữu Phương

Nguyễn Hữu Phương

Thứ 6, 30/07/2021 14:00

Thanh Hóa tăng cường kiểm soát dịch và hỗ trợ duy trì sản xuất tại các khu kinh tế trọng điểm được xem là yếu tố tiên quyết đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép".

Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã liên tục bám sát diễn biến và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, nhằm đảm bảo thực hiện tốt “mục tiêu kép”, phòng chống dịch Covid-19 song song với phát triển kinh tế.

Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được xem là khu vực kinh tế trọng điểm, tập trung số lượng người lao động lớn, với hơn 96.000 lao động đang làm việc tại 411 doanh nghiệp, trong đó đặc biệt có 941 lao động nước ngoài được cấp phép lao động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh Covid-19.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 10965 gửi Ban quản lý ((BQL)Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN cùng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Theo đó, để đảm bảo tuyệt đối an toàn trong phòng chống dịch ở khu vực trọng yếu, BQL Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp đã chủ động nâng mức cảnh báo nguy cơ dịch lên một bậc so với bình thường, xác định tinh thần chống dịch như chống giặc, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, trực tiếp giám sát, hướng dẫn các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trên cơ sở đó, BQL đã thành lập Tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 thường trực, với Tổ trưởng là giám đốc ban và 7 thành viên, hoạt động kiêm nhiệm. Sau khi kiện toàn, tổ công tác có nhiệm vụ tuyên truyền về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, xây dựng kế hoạch, thường xuyên kiểm tra đôn đốc hướng dẫn các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện phòng chống dịch Covid-19. Trong đó có việc yêu cầu, khuyến khích tiến hành xét nghiệm tầm soát dịch Covid-19 cho người lao động tại các doanh nghiệp.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng chống dịch Covid-19, công ty TNHH Miza Nghi Sơn, là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giấy, với hàng trăm người lao động tại Khu kinh tế Nghi Sơn, đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để bảo vệ người lao động, cũng như đảm bảo việc sản xuất được thông suốt.

“Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công ty đã thành lập các tổ giám sát Covid-19 với nhân sự là các cán bộ công nhân viên tại công ty kiêm nhiệm, có nhiệm vụ giám sát, phát hiện, nhắc nhở người lao động chấp hành các biện pháp chống dịch như “thông điệp 5k”, đo thân nhiệt, sát khuẩn… trước khi vào công ty. Đồng thời, ban lãnh đạo công ty cũng xây dựng phương án đối phó với tình huống dịch bùng phát tại địa phương theo hướng “3 tại chỗ” đó là làm việc tại chỗ, sinh hoạt tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ để đảm bảo thông suốt trong quá trình sản xuất”, bà Ngô Thị Thúy Minh, đại diện lãnh đạo công ty TNHH Miza Nghi Sơn cho biết.

Kinh tế - Thanh Hóa: Thực hiện “mục tiêu kép” tại các khu kinh tế trọng điểm

Cán bộ, công nhân viên công ty TNHH giấy Miza Nghi Sơn vừa tiến hành sản xuất đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Cũng như phần lớn các doanh nghiệp khác hoạt động trong giai đoạn này, công ty TNHH Miza cũng không tránh khỏi những khó khăn gặp phải. Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp, bà Ngô Thị Thúy Minh cho rằng: “Trong giai đoạn này chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp khác đều ít nhiều gặp khó khăn, dịch Covid-19 đã khiến cho việc xuất hàng và nhập nguyên liệu bị chậm trễ, doanh thu có phần sụt giảm với thời điểm trước. Qua đây cũng mong BQL khu kinh tế Nghi Sơn tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp, là cầu nối giúp doanh nghiệp tiếp cận các gói ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước để doanh nghiệp cùng người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Đồng tình với những nhận xét trên, ông Nguyễn Thắng Hệ, Phó tổng giám đốc công ty Gạch men Vicenza, tại khu công nghiệp Lễ Môn, TP.Thanh Hóa cho rằng các doanh nghiệp đang trải qua một giai đoạn khó khăn hiếm thấy. Khi vừa phải cố gắng duy trì sản xuất vừa đảm bảo chống dịch an toàn.

“Tôi vừa là quản lý đồng thời cũng là trưởng ban chống dịch của công ty, quản lý cả ngàn cán bộ công nhân viên, vì vậy tôi ý thức rất rõ những khó khăn kinh tế phía trước mà công ty đang phải đối mặt, cũng như đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch. Vì vậy, tôi quán triệt anh em thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch ngay tại cửa vào công ty, kiểm soát chặt chẽ người ra vào, nhất là ở các bộ phận sản xuất, yêu cầu người lạ ra vào phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19”.

Kinh tế - Thanh Hóa: Thực hiện “mục tiêu kép” tại các khu kinh tế trọng điểm  (Hình 2).

Tất cả người ra vào công ty Gạch men Vicenza Thanh Hóa luôn phải chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Chống dịch đã khó, việc duy trì sản xuất phát triển kinh tế trong giai đoạn này còn khó khăn gấp bội. Chia sẻ về thực trạng và các giải pháp trong thời gian tới của công ty, ông Hệ cho biết: “Dịch bệnh xảy ra đã khiến một số thị trường truyền thống của doanh nghiệp như ở khu vực phía Nam bị đình trệ, việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn khiến tình hình kinh doanh giảm sút. Mặc dù vậy, công ty vẫn cố gắng duy trì sản xuất, trả lương đầy đủ cho người lao động. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để công ty thực hiện đổi mới, cải tiến một số quy trình sản xuất theo hướng hiện đại, phù hợp với xu hướng song song với việc tìm kiếm, mở rộng sang các thị trường mới. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện hơn nữa để doanh nghiệp có thể tiếp cận được các gói vay ưu đãi, với lãi suất thấp, để doanh nghiệp duy trì sản xuất vượt qua giai đoạn này.”     

Trao đổi với PV Người Đưa Tin pháp luật, ông Nguyễn Tất Thành, Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp và người lao động, thành viên thường trực ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát, BQL đã có nhiều biện pháp cụ thể, thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng các phương án trong công tác phòng chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ thủ tục để được hỗ trợ về các chính sách thuế, trả lương ngừng việc đối với người lao động, chậm nộp bảo hiểm xã hội, đóng kinh phí công đoàn theo Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời, BQL tích cực tham mưu với các cấp lãnh đạo tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các gói vay ưu đãi của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch duy trì sản xuất, ưu tiên trong công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu kinh tế và các khu công nghiệp trên địa bàn, nhanh chóng tiếp nhận để và có hướng giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp”.

Trong thời gian qua, toàn tỉnh Thanh Hóa nói chung, khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trên địa bàn đã, đang thực hiện tốt "mục tiêu kép" trên địa bàn.

Theo đó, dịch Covid-19 đang được kiểm soát, hiện chỉ ghi nhận một số ca bệnh là người dân di chuyển về từ vùng khác và đang ở trong các khu cách ly, chưa có ca lây nhiễm ngoài cộng đồng dù khu vực này tập trung số lượng lớn người lao động và có nhiều các chuyên gia nước ngoài đang sinh sống và làm việc rất phức tạp trong kiểm soát dịch Covid-19.

Trong báo cáo sơ bộ 6 tháng đầu năm 2021, Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn vẫn ghi nhận giá trị sản xuất đạt 91.593 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước 8.231 tỷ đồng chiếm 51,8% thu ngân sách toàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó đáng chú ý có kim ngạch xuất khẩu đạt 1.400 triệu USD, tăng 47,8% so với cùng kỳ, giải quyết việc làm cho 96.924 lao động, tăng 9,3%, góp phần vào thành tích đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh có chỉ số tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn cao nhất trong số các tỉnh Bắc Trung Bộ, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Như vậy, có thể thấy dù gặp không ít khó khăn, nhưng với quyết tâm cao thực hiện “mục tiêu kép”, Thanh Hóa vẫn đang chống dịch hiệu quả, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất trên địa bàn. Từ đó duy trì ổn định trong phát triển kinh tế - xã hội và đời sống, sinh hoạt của người lao động và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, góp phần vào thực hiện mục tiêu chung của cả nước.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Việt Phương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.