Thẻ vàng thủy sản là thẻ phạt của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với quốc gia không tuân thủ quy định IUU (khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý).
Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo thẻ vàng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý (IUU) đối với thủy sản khai thác của Việt Nam và đưa ra 9 nhóm khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện để gỡ thẻ.
Từ khi bị Ủy ban Châu Âu EC phạt thẻ vàng thủy sản thì việc xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam vào thị trường EU trở nên khó khăn hơn vì hàng hóa nhập vào sẽ bị kiểm tra thời gian dài làm tăng cao chi phí, giảm tính cạnh tranh.
Đến tháng 11/2019, EC rút xuống còn 4 khuyến nghị đối với thủy sản Việt Nam. Dự kiến vào cuối tháng 5, đầu tháng 6/2024, đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ sang thanh tra lần thứ 5 về công tác chống khai thác thủy sản IUU của Việt Nam.
Thông tin từ Chi cục Thủy sản, sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có 102km bờ biển, tốc độ tăng trưởng từ khai thác chế biến thủy sản đứng thứ 11 cả nước. Năm 2023, sản lượng khai thác hải sản ở Thanh Hóa khoảng 140.500 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt xấp xỉ 73.500 tấn.
Đến ngày 15/4/2024, tỉnh Thanh Hóa có 6.057 tàu, trong đó hoạt động ven bờ 4.246 tàu, vùng lộng 716 tàu, vùng khơi 1.095 tàu với hơn 25.000 lao động hoạt động tham gia khai thác hải sản trên biển và hàng chục ngàn lao động tham gia chế biến thủy hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Hiện tất cả tàu cá ở Thanh Hóa đã đăng ký được cập nhật đầy đủ vào Vnfishbase (cơ sở dữ liệu trực tuyến và đồng bộ cho quản lý thông tin về đăng ký, đăng kiểm tàu cá…).
Toàn tỉnh Thanh Hóa có 8 cảng cá, trong đó 3 cảng cá thuộc loại II và 5 cảng cá loại III. Địa phương này có 4 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, 25 cơ sở đóng sửa tàu thuyền và 28 doanh nghiệp chuyên chế biến, kinh doanh xuất khẩu thủy sản.
Thanh Hóa đang còn 70 tàu cá “ba không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác), 339 tàu hết hạn đăng kiểm, 41 tàu chưa cấp giấy phép khai thác thủy sản, 46 tàu chưa cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 110 tàu chưa bật thiết bị giám sát hành trình trên 6 tháng.
Ông Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, để gỡ “thẻ vàng” cho hải sản, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chính sách hỗ trợ duy trì thiết bị giám sát hành trình cho chủ tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa, hầm bảo quản sản phẩm.
Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tập trung 5 giải pháp hỗ trợ ngư dân gỡ “thẻ vàng” IUU cụ thể:
Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân, hướng dẫn về Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành và quy định về chống khai thác IUU đến ngư dân, chủ tàu, tổ chức liên quan hoạt động khai thác hải sản.
Phối hợp với UBND cấp xã, làm việc với từng chủ tàu, thuyền trưởng, đại diện chủ tàu chưa đủ thủ tục giấy tờ, xác định nguyên nhân, có phương án tháo gỡ vướng mắc thủ tục giấy tờ.
Gặp gỡ các chủ các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để nhắc nhở, hướng dẫn chủ tàu hoàn thiện các hồ sơ cấp đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên theo quy định trước khi ra khơi.
Phối hợp với các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình tháo gỡ khó khăn cho chủ tàu cá gặp sự cố về thiết bị để đảm bảo thông suốt tín hiệu vị trí tàu từ khi ra khơi đến khi về cảng.
Ngoài ra, Thanh Hóa sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng, phương tiện thực hiện tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản trên biển, cửa lạch, bãi ngang, cảng cá; kiên quyết không cho các tàu không đủ thủ tục giấy tờ, trang thiết bị theo quy định đi biển; đồng thời xử lý nghiêm tàu cá vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.
Bốn tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra 108 tàu cá, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản 38 trường hợp với tổng số tiền 513 triệu đồng.