Khu bảo tồn Thừa Thiên Huế sẽ kết nối với Khu bảo tồn sao la Quảng Nam, vườn quốc gia Bạch Mã và khu bảo tồn quốc gia Xê Sáp của Lào, tạo thành một hành lang bảo tồn liên tục và thống nhất.
Khu Bảo tồn Sao la có tổng diện tích hơn 15,5 ngàn ha. Bao gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 11,8 ngàn ha, phân khu phục hồi sinh thái hơn 3,5 ngàn ha và phân khu hành chính, dịch vụ có diện tích gần 125 ha. Ngoài ra, còn có vùng đệm rộng lớn với tổng diện tích hơn 16 ngàn ha, thuộc địa bàn 5 xã lân cận thuộc huyện A Lưới, huyện Nam Đông và thị xã Hương Thủy, có chức năng quan hệ chặt chẽ với khu bảo tồn.
Ông Lê Ngọc Tuấn, giám đốc khu bảo tồn sao la Thừa Thiên-Huế, cho biết việc mở rộng diện tích sẽ giúp khu bảo tồn đủ điều kiện để thành lập hạt kiểm lâm trực thuộc - một lực lượng hữu hiệu giúp Khu bảo tồn tăng cường sức mạnh, tính pháp lý trong thực thi pháp luật bảo vệ rừng, chủ động trong việc xử lý các hành vi vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng.
Loài sao la. Ảnh: WWF.
Khu bảo tồn sao la có nhiệm vụ bảo tồn quần thể sao la và 2 loại thú móng guốc là Mang lớn và Mang Trường sơn, đồng thời bảo tồn các loài động, thực vật đặc hữu và quý hiếm khác, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên nguyên sinh đất thấp còn sót lại ở khu vực Trung Trường Sơn với chức năng phòng hộ đầu nguồn sông Hương và sông Bồ, bảo tồn tính đa dạng sinh học, bảo tồn các loài, nguồn gen và các sinh cảnh, cảnh quan của các khu rừng; nâng cao ý thức của dân, thúc đẩy sự hợp tác giữa cộng đồng địa phương với Nhà nước và các tổ chức quốc tế trong bảo vệ rừng.
Bà Lê Thủy Anh, quản lý sinh cảnh Trung Trường Sơn của WWF-Việt Nam cho biết: “Không có nhiều nơi trên thế giới có độ đa dạng sinh học như tại khu vực Trung Trường Sơn, vì thế từ những năm mới hoạt động tại Việt Nam (kể từ năm1985), WWF đã coi nơi đây là một trong những nơi cần được ưu tiên bảo vệ hàng đầu”.
Sao La là loài động vật được Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và Sách đỏ Việt Nam xác định là loài có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao. Sao La được xem là linh vật của Trường Sơn, chỉ sinh sống tại dãy núi Trường Sơn thuộc khu vực thuộc 6 tỉnh Việt Nam và 4 tỉnh ở Lào. Sao La được phát hiện bởi một nhóm các nhà khoa học thuộc Bộ Lâm nghiệp Việt Nam và WWF vào năm 1992. Trên toàn thế giới ước tính chỉ còn không quá 250 con sao La và trên thực tế có thể thấp hơn nhiều.
WWF đã cùng Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Ban quản lý Khu bảo tồn sao la triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường bảo vệ rừng và các loài, đặc biệt là sao la thông qua nhiều dự án khác nhau. Các dự án này tập trung vào tuần tra và thực thi pháp luật, xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ công tác bảo vệ rừng, xây dựng các chiến lược, kế hoạch quản lý, đánh giá kinh tế xã hội, đánh giá nhu cầu bảo tồn. Nhiều nghiên cứu về đa dạng sinh học và các công cụ giám sát đánh giá đa dạng sinh học của Khu bảo tồn cũng như khu vực được thực hiện trong ba năm qua.
“Chúng tôi vô cùng vui mừng khi Ủy ban Nhân dân tỉnh đã công nhận tầm quan trọng của khu vực và thể hiện sự quyết tâm bảo vệ sự đa dạng sinh học nơi đây cũng như loài sao la quý hiếm. WWF sẽ tiếp tục sát cánh cùng Khu bảo tồn trong tương lai vì sự nghiệp bảo tồn cho khu vực", bà ThỦy Anh khẳng định.
Duyên Trần (tổng hợp)