Dự thảo nghị định của bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa được công bố việc thành lập một ủy ban quản lý, giám sát tài sản vốn nhà nước tại doanh nghiệp để thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước.
Đây được hiểu như một cơ quan cấp bộ mới, một “siêu” ủy ban sẽ quản lý các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thay các Bộ ngành trước đây. Điều này khiến dư luận lo ngại về tính khả thi và hiệu quả của ủy ban này.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng dự thảo "siêu" ủy ban không khả thi (ảnh Vũ Phương).
Trả lời PV báo điện tử Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội về dự thảo nghị định “siêu” ủy ban này, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) cho rằng: “Việc quản lý vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay là cần thiết.
Bởi, Quốc hội đã thông qua luật quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp Nhà nước. Hơn nữa, nguồn thu ngân sách trong thời gian vừa qua liên tục gặp khó khăn và bội chi ngân sách ngày càng cao gây áp lực nợ công sát mức trần.
Hơn nữa, trong thời gian vừa qua một số tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp Nhà nước chưa phát huy được hiệu quả trong hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh và gây bức xúc trong dư luận. Do đó cần thiết phải tái lập việc quản lý và sử dụng vốn Nhà nước như thế nào cho hiệu quả.
Chính vì xuất phát từ mục tiêu trên nên có đề án thành lập một “siêu” ủy ban để quản lý nguồn vốn Nhà nước”.
Về tính khả thi của dự thảo này, ông Trần Hoàng Ngân tỏ ra lo ngại: “Xem xét trên nhiều khía cạnh một cách cẩn thận, cái mục tiêu để quản lý vốn làm sao nâng cao hiệu quả sử dụng thì chưa thấy. Và nếu chúng ta thành lập thêm một ủy ban mang tính chất Nhà nước sẽ xảy ra sự nhập nhằng giữa đơn vị quản lý cấp bộ với một đơn vị khác cũng thuộc nhà nước với cái tên “siêu” ủy ban.