Kể từ khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra “thành Đại La ở nơi trung tâm trời đất” đến nay đã một nghìn năm.
Trong suốt chiều dài lịch sử đó, lớp lớp cư dân ở mọi miền quê về cư tụ sinh sống ở mảnh đất này, chung sức sáng tạo nên một nền văn hóa mang đậm bản sắc của vùng đô hội. Thủ đô Hà Nội được biết tới với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng. Con người và văn hóa Hà Nội đã nghìn năm tích tụ, nghìn năm tỏa sáng. Phẩm chất thanh lịch của người Hà Nội được nhiều người biết đến và đi vào câu ca dao xưa. “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” “Người thanh tiếng nói cũng thanh Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu” Thanh lịch là một lối sống ứng xử mang giá trị văn hóa.
Ảnh minh họa
Thế nào là “Thanh lịch”? Hai tiếng “Thanh lịch” bao hàm nghĩa rộng của cả một phong cách sống cao đẹp, từ trong nhà ra ngoài xã hội, từ cách ăn, mặc, ở, đi đứng, bên cách giao tiếp ứng xử giữa người với người, với tinh thần tự trọng mình và tôn trọng mọi người trong cộng đồng. “Thanh” là cách suy nghĩ biết trọng điều thanh cao trong tư tưởng, tình cảm, tâm hồn, cao thượng mà vẫn gần gũi, bình dị, không ích kỷ, nhỏ nhen tầm thường. Thanh liêm đối với của cải xã hội và của người khác. Thanh đạm, thanh bạch trong cuộc sống đời thường. Thanh nhã trong thái độ, cử chỉ, hành vi, nói năng.
“Lịch” là sự lịch lãm, có nghĩa là xem nhiều, quan sát nhiều. Lịch duyệt là người hiểu biết rộng. Lịch thiệp là đã từng đi nhiều, thành thạo trong giao tiếp. Lịch sự là thể hiện cách ứng xử văn hóa, văn minh, thân thiện. Muốn có “Thanh” thì con người phải rèn luyện. Còn “Lịch” là do sự từng trải, biết sàng lọc tích lũy kinh nghiệm trường đời mà có. Cho nên, “Thanh lịch” phải đi liền mới đầy đủ và trọn vẹn ý nghĩa. Bởi vì trong thực tế cuộc sống, có người chỉ “Thanh” mà không “Lịch”, có người chỉ “Lịch” mà không “Thanh”.
Vậy, ứng xử nào của người Hà Nội được xem là thanh lịch? “Thanh lịch” của người Hà Nội trước hết thể hiện ở tiếng nói gắn với thái độ, cử chỉ. Người Hà Nội xưa ăn nói nhỏ nhẹ, lịch sự, kín kẽ, tế nhị, không to tiếng. Tiếng nói Hà Nội là tiêu biểu cho tiếng nói Việt Nam, nó không chỉ thể hiện ở tính chuẩn xác cao, phát âm mẫu mực, mà còn ở chỗ biết sử dụng một cách linh hoạt, lưu loát, nhã nhặn, tế nhị. Tóm lại là cách nói có duyên, hấp dẫn người nghe. Tiếng nói Hà Nội luôn có những từ nền nã, biết nhún mình, khiêm nhường, tôn trọng người. Lời đẹp ý hay mà không khách sáo, giả tạo.
Mềm mỏng mà không yếu hèn, tài hoa mà không khoe khoang, khoác lác, hiểu rộng mà không ngạo mạn kiêu kỳ, kiên quyết mà không nôn nóng bực bội, giản dị mà không luộm thuộm cẩu thả, kính trọng mà không nịnh bợ cúi luồn. Người được coi là thanh lịch là những người sành ăn, mặc, biết “ăn ngon, mặc đẹp”. Với sự tài hoa, người Hà Nội đã góp phần làm phong phú văn hóa ẩm thực của Việt Nam với những hương vị khó quên của món cốm Làng Vòng, chả cá Lã Vọng, bánh cuốn Thanh Trì, bánh tôm Hồ Tây và đặc biệt là món phở Hà Nội.
Những món ăn quen thuộc này, dưới bàn tay khéo léo của họ đã trở thành nghệ thuật ẩm thực được nhiều người thán phục. Trong cuốn “Phố phường Hà Nội xưa”, nhà nghiên cứu Hoàng Đạo Thúy đã nhận định: “Người Hà Nội chuộng lối sống khoan hòa, giản dị”. Họ không chấp nhận sự thô thiển, xô bồ, hay lai căng trong lời nói cũng như cách ứng xử mọi mặt của cuộc sống. Người Hà Nội sống nhân nghĩa với bạn bè, coi trọng tôn ti, lễ nghĩa, hiếu thuận với ông bà cha mẹ, hào hoa, khiêm nhường…
Với lối sống gần gũi, chan hòa, tinh tế, họ giành được nhiều tình cảm của người dân trên mọi miền Tổ quốc. Từ lâu, “Thanh lịch” đã trở thành nét đặc trưng trong tính cách của người Hà Nội được nhiều người biết đến. Phẩm chất đó đã góp phần làm nên nền văn hiến đất Hà Thành, tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam cả hôm nay và mai sau. Với nhịp sống sôi động hiện nay, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, đặc biệt là việc mở rộng địa giới Hà Nội ra một số tỉnh lân cận và dòng người nhập cư đổ về Hà Nội ngày càng đông, khiến dân số Hà Nội trong những năm gần đây tăng vọt. Hiện nay, dân số Thủ đô đã tăng gấp 10 lần so với năm 1954.
Thành phố nhỏ bé trở nên quá tải, lối sống, đạo đức, văn hóa ứng xử có sự pha tạp. Đồng thời, nền kinh tế thị trường với những tác động tiêu cực của nó cũng góp phần ảnh hưởng tới sự thanh lịch của người Hà Nội. Những biểu hiện thiếu văn hóa trong cuộc sống thường ngày làm nhức nhối những ai yêu Hà Nội. Mong sao các cấp, các ngành, gia đình và xã hội hãy biết trân trọng, gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa trong đó có phẩm chất thanh lịch của người Hà Nội. Để Hà Nội xứng đáng không chỉ là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước, Thành phố vì hòa bình, mà còn là “Thủ đô của phẩm giá con người” như lời bạn bè quốc tế đã từng nói về Hà Nội.
Theo VietNamNet