Sau nhiều lần “siết” chuyện dạy thêm, học thêm bất thành; mới đây, Bộ GD& ĐT một lần nữa “xuống chiếu” kiên quyết đưa việc này vào khuôn khổ. Trao đổi với báo chí, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục & Đào tạo) cho biết, quy định lần này nêu rõ, giáo viên không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình và học sinh học thêm. Không tổ chức lớp dạy thêm học thêm theo các lớp chính khóa. Học sinh trong cùng một lớp dạy phải có học lực tương đương.
Đồng thời, học sinh có nguyện vọng học thêm phải có đơn tự nguyện. Hiệu trưởng tiếp nhận và tổ chức phân nhóm lớp theo học lực và bố trí giáo viên đúng chuyên môn. Giáo viên có nguyện vọng dạy thêm cũng phải có đơn đăng ký.
Dạy thêm, học thêm (ảnh minh họa)
Ngay sau khi thông điệp này được phát đi đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía người trong cuộc. Không mấy bất ngờ vì cho rằng, quy định này chỉ là cụ thể hóa những ý tưởng trước đây của Bộ GD&ĐT, chị M.H, giáo viên trường Tiểu học Thành Công B (Hà Nội) chia sẻ: “Không kể những giáo viên đắt hàng dạy thêm nhờ uy tín cá nhân, đa phần giáo viên kiếm bộn tiền vì những lý do tế nhị. Do đó, mới có nghịch lý, giáo viên các cấp học càng thấp càng kiếm được nhiều tiền nhờ dạy thêm. Giáo viên tiểu học có khi còn “kiếm” hơn cấp 2, 3 nhiều”.
Chị H cho biết, không phải ngẫu nhiên mà giáo viên dạy các môn Văn, Toán tại thành phố được xã hội đánh giá thuộc diện “nhà giàu”. Với những trường tiếng tăm thì “mùa thu hoạch” đến quanh năm. Với những trường “thường thường bậc trung” thì “mùa thu hoạch” chỉ đến vào mùa thi.
Dưới góc độ quản lý, ông Đỗ Quang Hợp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cát Linh cho rằng, vấn đề dạy thêm của giáo viên luôn được nhà trường quán triệt sâu sắc. Từ đầu năm học, các giáo viên đều cam kết không tổ chức dạy thêm học thêm. Trường cũng không nhận được đề nghị mở lớp dạy thêm của giáo viên nào. Tuy nhiên, ông Hợp thừa nhận, có thể quản lý việc dạy thêm của giáo viên ở trường, còn nếu giáo viên tổ chức ở nhà thì rất khó. “Để ngăn chặn việc dạy thêm, học thêm, nếu thấy con mình không cần thiết, các bậc phụ huynh không nên cho học thêm. Mặt khác, thầy cô giáo phải nghiêm túc, có tâm”, ông Hợp nói.
Trao đổi với Người đưa tin, GS. TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: “Bộ đưa ra quy định này không phải để ngăn cấm việc dạy thêm, học thêm mà chủ yếu nhằm hạn chế những tiêu cực xung quanh vấn đề này. Việc dạy phụ đạo để nâng cao, củng cố kiến thức cho học sinh do nhà trường tổ chức là một việc tốt, chẳng ai ngăn cấm. Tuy nhiên, nó phải diễn ra trong khuôn khổ, có sự quản lý của ban giám hiệu… Những hành vi trục lợi cho bản thân; dạy không hết kiến thức ở trên lớp, để dành lại cho dạy thêm ở nhà; phân biệt đối xử giữa đi học và không… sẽ được loại trừ tận gốc”.
Theo GS Quân, việc dạy thêm, học thêm tràn lan không chỉ gây bức xúc trong xã hội mà còn khiến cho học sinh trở nên lười biếng, thiếu tự tin vào bản thân, phụ thuộc vào thầy cô và thui chột khả năng tự học. Do đó, bên cạnh quy chế về dạy thêm, học thêm, Bộ GD&ĐT cũng nên phát động rộng rãi việc tự học cho học sinh, sinh viên. Đó là cách học tích cực nhất.
Khó tránh cơ chế xin- cho
TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng: “Việc dạy thêm, học thêm hiện nay là một nhu cầu có thật. Cha mẹ muốn con mình giỏi, học sinh muốn học thêm để nâng cao kiến thức. Vì thế, không thể cấm tuyệt đối dạy thêm. Tuy nhiên, không ít nhà trường, giáo viên đã lợi dụng điều này để ép học sinh học thêm. Đó là thực trạng cần chấn chỉnh”.
Theo TS Lâm, hiện nay, Bộ vẫn cho phép giáo viên được giữ con hộ. Giữa giữ với dạy thêm không khác nhau là mấy. Nếu muốn phục vụ nhu cầu trông con và dạy các môn phụ như kỹ năng sống… vào cuối tuần thì phải do trường đứng ra tổ chức. “Quy định lần này khá chặt chẽ nhưng vẫn khó tránh khỏi cơ chế xin cho. Trong ngành với nhau rất dễ “ giơ cao đánh khẽ”. Thậm chí, trường hợp, giáo viên “ép” học sinh và phụ huynh phải làm đơn xin phép hiệu trưởng học thêm, sẽ giải quyết ra sao?. Cấm “tổ chức” dạy thêm ở ngoài, nhưng lại cho “tham gia” dạy thì có khác gì nhau?”, TS Lâm đặt câu hỏi.
Quy định lần này cũng không cho phép giáo viên trường công lập trở thành các “ông bầu” về dạy thêm như trước đây. Giáo viên không được phép dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan. |
Anh Văn