Thanh lý 1.105 xe công, giá trung bình 46,2 triệu/chiếc

Thanh lý 1.105 xe công, giá trung bình 46,2 triệu/chiếc

Đỗ Thị Huệ

Đỗ Thị Huệ

Thứ 4, 08/03/2017 20:59

Theo cục Quản lý công sản, thời gian vừa qua các địa phương đã thực hiện thanh lý 1.105 xe ô tô công trong cả nước, thu về 35,15 tỷ đồng. Trung bình mỗi xe thanh lý giá 46,2 triệu đồng.

Chia sẻ thông tin từ buổi họp báo bộ Tài chính về xe công được tổ chức ngày 8/3, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay trong cả nước đã có tới 63 tỉnh thành và 46 bộ ngành thực hiện báo cáo số lượng xe công về Bộ. Theo đó, 100% bộ ngành đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về việc quản lý xe công.

Tính đến 31/12/2016, cả nước có tới 34.241 xe công, trong đó có 864 xe phục vụ chức danh, 17.047 xe phục vụ công tác chung và 16.330 xe chuyên dùng.

Thực hiện theo Quyết định 32 của Chính Phủ, hiện trong cả nước có khoảng 2041 xe được các bộ ngành, địa phương xác định là dư thừa, phải thực hiện thanh lý. Các địa phương đã thực hiện thanh lý 1105 chiếc. Trong số này, đã có báo cáo số tiền thu được của 761 xe là 35,15 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi chiếc xe thanh lý có giá bán 46,2 triệu đồng/xe.

Theo ông Trần Đức Thắng, quy định của pháp luật từ trước đến nay, khi tài sản công, cụ thể là xe ô tô đến thời hạn phải thanh lý, khi thực hiện bán thì phải tuân theo quy định pháp luật, có nơi nộp vào ngân sách, có nơi thì nộp vào quỹ phát triển sự nghiệp. Việc công khai thông tin đấu giá cũng phải được công khai, minh bạch, phải theo tuần tự các bước như đăng ở bao nhiêu báo, bao nhiêu ngày…

“Ngay sau khi thông tin bán đấu giá về 264 xe công gây xôn xao dư luận năm ngoái, chúng tôi cũng đã có văn bản báo cáo gửi các bộ ngành địa phương, yêu cầu chấn chỉnh bán tài sản nói chung và thanh lý xe ô tô nói riêng. Quy định của pháp luật có đủ rồi, các địa phương, bộ ngành nếu làm sai thì phải tự chịu trách nhiệm. Với tư cách là cơ quan quản lý của Nhà nước, chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát về việc thanh lý tài sản công này”, ông Trần Đức Thắng cho biết.

Cũng theo thông tin từ cục Quản lý công sản, trong năm 2016, trong cả nước đã thực hiện mua sắm khoảng 820 xe công, trong đó có khoảng 600 xe chuyên dùng. Trong năm 2017, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện mua sắm theo quy định. Theo đó, trong năm 2017 sẽ không thực hiện mua sắm tập trung xe ô tô công trong cả nước. Sau khi thực hiện rà soát xong, nếu không có vấn đề phát sinh, đến năm 2018 sẽ thực hiện mua sắm tập trung xe ô tô cấp quốc gia.

Đặc biệt, thời gian vừa qua, có một số bộ ngành, địa phương thực hiện khoán xe công và đã đạt được những kết quả nhất định như TP.Hà Nội, bộ Tài chính, bộ Ngoại giao. Thời gian sắp tới, một số đơn vị khác cũng đang xây dựng, chuẩn bị thực hiện chế độ khoán xe công như Văn phòng Chính phủ, bộ Giao thông vận tải. Mục tiêu phấn đấu tới năm 2020, cả nước sẽ giảm được từ 20-30% số xe công phục vụ công tác chung trong cả nước. Hiện bộ Tài chính cũng đang đưa ra dự thảo về xe công để lấy ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương. Nếu dự thảo được thông qua, “siết” chặt được tình hình xe công thì trong thời gian tới, số xe công trong cả nước có thể giảm từ 42-62%.

Xã hội - Thanh lý 1.105 xe công, giá trung bình 46,2 triệu/chiếc

 Khoán xe công "nóng" tại buổi họp báo của bộ Tài chính.

Liên quan đến vấn đề này, cũng có nhiều câu hỏi chất vấn dành cho lãnh đạo cục Quản lý công sản. Về ý kiến khoán xe với các chức danh từ thứ trưởng và tương đương trở lên không chỉ riêng quãng đường đưa đón từ nhà tới nơi làm việc mà còn có thể với cả quãng đường công tác, ông Trần Đức Thắng cho biết, hiện nay chúng ta vẫn đang khuyến khích việc tự nguyện trước hết với việc đưa đón từ nhà đến nơi làm việc. Với những chức danh như thứ trưởng và tương đương, không phải lúc nào cũng bắt buộc khoán xe công tác được vì sẽ ảnh hưởng đến công tác của những chức danh này.

“Ví dụ như chủ tịch tỉnh đi công tác từ Nghệ An, Thanh Hóa ra Hà Nội, nếu thực hiện thuê xe thì không phải lúc nào cũng thuận lợi. Chỉ có thể khuyến khích các đồng chí thuê xe dịch vụ, còn không vẫn phải bố trí xe công tác. Hiện, việc khoán xe công vẫn còn tiếp tục phải thăm dò các ý kiến từ nhiều luồng khác nhau trên nguyên tắc cao nhất là không ảnh hưởng đến công tác của lãnh đạo”, ông Thắng cho biết.

Với câu hỏi cho rằng, đề xuất khoán xe công với mức trung bình 6,5 triệu đồng/tháng/chức danh là cao, bộ Tài chính phân tích đây là từ kiểm chứng thực tiễn quá trình khoán xe công tại Bộ vừa qua (cao nhất là 10 triệu, thấp thì hơn 2 triệu). Bộ cũng tìm hiểu, bí mật theo dõi đế ước tính con số bình quân. Riêng mức đề xuất khoán 16.000 đồng/km, bộ Tài chính cho biết thêm, hiện giá taxi thấp chỉ có 7.000 - 8.000 đồng/km, cao thì 12.000 đồng. Tuy nhiên, nếu tính theo tiêu chuẩn xe đang sử dụng thì lại phải cân nhắc.

Hiện nay có mức trang bị xe 1,1 tỷ đồng, 920 triệu đồng theo tiêu chuẩn xe của thứ trưởng và 720 triệu đồng mua xe công tác chung. Tính trung bình, Bộ cũng đưa ra phương án khoán 16.000 đồng là hợp lý.

“Nhìn vào thì tưởng là thoáng nhưng so với chi phí 320 triệu đồng trước đây thì số tiền đã giảm được một nửa. Như vậy, nhà nước và người nhận khoán đều được hưởng lợi. Phương án đưa ra phải phù hợp. Đặc biệt, khi đã đưa vào quyết định của Thủ tướng thì sức sống của quy định phải có thời gian. Nếu quy định khoán theo giá dầu hiện tại, nhưng năm sau, năm sau nữa giá dầu tăng lên thì chẳng lẽ lại sửa lại quyết định ”, ông Trần Đức Thắng cho biết.

Trả lời về câu hỏi nếu thực hiện khoán xe công trong cả nước sẽ tiết kiệm cho ngân sách được bao nhiêu tiền mỗi năm, lãnh đạo cục Quản lý công sản trả lời, hiện nay chi phí ước tính 1 năm cho một xe công khoảng 320 triệu đồng, vì vậy nếu khoán đại trà sẽ giảm được chi phí lớn cho ngân sách cả nước.

“Hiện nay, chúng ta mới chỉ thực hiện từng công đoạn, riêng đưa đón từ nhà đến cơ quan của lãnh đạo là đã giảm được một phần chi phí. Nếu khoán được khoản đi công tác nữa thì lúc đó sẽ không phải trang bị xe nữa. Ví dụ như ở cục Quản lý công sản, có 5 chức danh được phục vụ xe đưa đi công tác. Theo tiêu chuẩn, hiện Cục có 2 xe phục vụ công tác chung nhưng nếu cả 5 chức danh này đi công tác, thực hiện khoán theo đơn giá taxi thì sẽ không cần đến 2 xe này nữa. Về số liệu cụ thể, có thể giảm được bao nhiêu tiền tính trong cả nước, chúng tôi sẽ có tính toán cụ thể rồi báo cáo Thủ tướng”, ông Trần Đức Thắng nói thêm.

Lãnh đạo cục Quản lý công sản cũng chia sẻ câu chuyện khoán xe công của bộ Tài chính thời gian qua. Theo đó, việc khó nhất không phải là giảm xe mà là giải quyết yếu tố con người. Việc thanh lý xe dôi dư sẽ liên quan đến biên chế, hợp đồng lao động của lái xe. Vì vậy, làm thế nào để không ảnh hưởng tới cuộc sống của người lao động, bố trí công việc khác làm sao cho phù hợp cũng được cân nhắc rất kỹ. Cùng với giảm đầu xe, sau một thời gian thực hiện sẽ từng bước giảm được biên chế công chức, viên chức, hợp đồng 6 tháng.

Bộ Tài chính mới đây cũng đã có chỉ đạo rõ không nhận thêm lái xe. Nếu lái xe nào đến tuổi nghỉ hưu thì sẽ không bổ sung thêm. Tới đây, bộ Tài chính cũng là đơn vị đầu tiên thực hiện quản lý xe tập trung. Tất cả xe từ Tổng bộ, cục, vụ, văn phòng (32 xe) sẽ được quy về đoàn xe để quản lý. Tính theo định mức mới như dự thảo của Bộ thì số lượng xe sẽ giảm xuống còn khoảng 20 xe. Sau đó, Bộ sẽ từng bước giảm dần xe tối đa.

Đỗ Huệ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.