Cách đây 5 năm, vào ngày 27/6/2011, tại kỳ họp thứ 35 được tổ chức tại Paris (Cộng hoà Pháp), Uỷ ban Di sản thế giới (UNESCO) đã chính thức công nhận Thành nhà Hồ, trở thành Di sản văn hoá thế giới. 5 năm qua, lĩnh vực nghiên cứu, bảo tồn di sản đã có những bước tiến vượt bậc.
Đáng chú ý nhất là những phát hiện và nghiên cứu, về kỹ thuật xây dựng tường thành đá lớn. Đây là một trong những vấn đề, đã được giới nghiên cứu nêu ra, vào nhiều thập kỷ của thế kỷ 20, mà vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Chỉ trong 5 năm qua, các nhà khoa học trong nước và ngoài nước, đã tìm ra hàng loạt câu trả lời cho vấn đề trên, như: Nguồn gốc đá xây thành; các công trường khai thác và chế tác, tu chỉnh đá xây thành; cách thức khai thác và công cụ chế tác đá xây thành...
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ cho biết, một tháng sau ngày di sản được công nhận (tháng 7/2011), đơn vị đã phát hiện và nghiên cứu, công trường khai thác đá cổ An Tôn.
Qua kết quả khai quật, các nhà khoa học khẳng định, núi An Tôn, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), chính là công trường khai thác nguyên liệu đá, xây dựng kinh thành Tây Đô. Đây là đáp án cho câu hỏi khuyến nghị trước đó, của UNESCO và các chuyên gia quốc tế, đối với Việt Nam, về việc nghiên cứu nguồn đá nào, đã cung cấp xây dựng Thành nhà Hồ?
Tiếp sau công trường An Tôn, hàng loạt các công trường khai thác đá cổ khác, đã được phát hiện, như núi Xuân Đài, núi Nhà Rồng, núi Tiến Sĩ, thuộc xã Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc).
Cũng theo ông Trọng, trong 2 năm (2015 – 2016), di tích Hào thành phía Nam và Hào thành phía Bắc, được khai quật, nghiên cứu với diện tích 5.000m2.
Di vật thu được trong địa tầng khai quật, như các loại đục sắt, các khối đá đang trong quá trình hoàn thiện, các mảnh dăm cổ, đã minh chứng cho sự tồn tại một đại công trường tập kết, chế tác, tu chỉnh đá dưới chân tường thành, với diện tích ước khoảng 180.000m2.
Bên cạnh đó, vào tháng 5/2016, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã cùng với chuyên gia nghiên cứu, bảo tồn quốc tế, ông Vũ Nam Sơn (Quốc tịch Thụy Sĩ), khảo sát phát hiện được 24 dấu tích kỹ thuật (các rãnh đục), còn lưu trên các phiến đá xây tường thành, với kích thước khác nhau. Đó là những dấu tích của kỹ thuật khai thác và chế tác đá thời Hồ, còn lưu dấu trên chính những khối đá lớn, của tường thành.
Ngoài ra, những phát hiện nghiên cứu mới như: Kỹ thuật gia cố móng, nền xây tường thành; vấn đề sử dụng chất kết dính trong xây dựng tường thành đá lớn; dấu tích các thời đại trong việc tu sửa bức tường thành đá… cũng đem lại nhiều nhận thức mới, trong 5 năm qua.
Như vậy, những thành quả của công tác nghiên cứu khoa học trong 5 năm qua, đã phần nào minh chứng và lý giải cho câu hỏi lớn, trong lịch sử là tại sao Hồ Quý Ly và các cộng sự có thể xây dựng kinh thành Tây Đô, trong thời gian 3 tháng.
Nhân dịp kỷ niệm 5 năm được công nhận Di sản văn hóa thế giới, trong 2 ngày (15-16/12), Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ sẽ tổ chức các hoạt động như: Trưng bày, triển lãm ảnh với chủ đề “Những khai quật từ lòng đất”; Liên hoan nghệ thuật vùng di sản.
Cũng trong dịp này, Khu di sản Thành nhà Hồ sẽ mở cửa miễn phí vé tham quan, phục vụ khách trong và ngoài nước, vào 2 ngày 15,16/12.
Thiên Vân