Mới đây, mạng xã hội đăng tải thông tin về người đàn ông được cho là "ăn mày mặt đen" bị Công an xã Xuân Ái (Văn Yên, Yên Bái) tạm giữ khiến dư luận xôn xao. Bài viết đăng tải hình ảnh hai người đàn ông, trong đó, một người mặc áo đen đội mũ bảo hiểm, tay cầm đĩa đi xin tiền và người còn lại có mái tóc vàng, nước da đen.
Hay như ngay trong sáng nay (9/12), Công an huyện Thanh Hà (Hải Dương) cũng đang tiếp tục xác minh, củng cố hồ sơ để xem xét xử lý nhóm thanh niên đóng giả người đàn ông mặt đen bí ẩn đứng trước cổng Trường Mầm non Hồng Lạc, thuộc địa bàn xã Hồng Lạc (huyện Thanh Hà).
Nhóm thanh niên này gồm Đặng Như C. (19 tuổi) và Nguyễn Trọng X. (17 tuổi, cùng trú tại xã Hồng Lạc).
Theo hồ sơ ban đầu, vào sáng 5/12 vừa qua, C. xúi giục X. đóng giả làm người đàn ông mặt đen bí ẩn đứng… ăn xin trước cổng Trường Mầm non Hồng Lạc. Sau đó, C. chụp ảnh đăng lên Facebook cá nhân có tên là “Bin Bảnh” để thu hút sự tương tác.
Hình ảnh này đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng trong thời điểm dư luận đang xôn xao về người ăn xin "quái dị" xuất hiện nhiều ở Hà Nội. Ngược lại, những thông tin về nhóm người mặt đen xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng xã hội sẽ gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân.
Trả lời PV Báo Người Đưa Tin, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết: Những hành vi cố tình tung tin đồn thất thiệt, đưa hình ảnh xấu lên mạng xã hội chỉ nhằm mục đích "câu like" là hành vi đáng lên án.
Khi hiệu ứng càng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, tức là càng có nhiều lượt thích, bình luận, chia sẻ bài viết thì đối tượng càng tăng sự phấn khích. Tuy nhiên, đây là hành vi gây ra những hệ lụy rất lớn đối với xã hội.
“Hiện nay, một bộ phận giới trẻ có xu hướng bắt chước rất nhanh. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục thì những thông tin sai lệch sẽ bùng phát nhanh chóng, hậu quả để lại là khôn lường”, luật sư Bình lo ngại.
Cũng theo luật sư Bình, những người tung tin lên mạng xã hội, dù biết chắc chắn thông tin này không có thật, nhưng vẫn cố tình đăng tải, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội, an ninh quốc gia. Tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi, có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Trường hợp không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người đưa tin lên mạng xã hội thì có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông với mức án từ 6 tháng đến 7 năm tù nếu hành vi xâm phạm gây hậu quả nghiêm trọng.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trong trường hợp hành vi tung tin đồn thất thiệt lên các trang mạng xã hội chưa đủ dấu hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người tung tin đồn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 174/2013/NĐ CP khi bị phát hiện. Mức tiền phạt dao động từ 10 triệu đồng trở lên.
“Mạng xã hội là mạng ảo nhưng hậu quả lại là thật. Bởi vậy, khi tham gia mạng xã hội, mỗi cá nhân phải có trách nhiệm với cộng đồng và tự chịu trách nhiệm về thông tin mình đăng tải. Đừng vì ham like, ham view hoặc vì lợi ích nhỏ mà có thể vướng vòng lao lý”, luật sư Bình khuyến cáo.