Tử vong vì chơi game?
Ngày 18/12, có thông tin một nam thanh niên tử vong trong quán game tại ngõ 36 phố Giang Văn Minh (Ba Đình, Hà Nội). Theo thông tin ban đầu, khoảng 10h cùng ngày, người chơi tại quán game không thấy nam thanh niên này cử động.
Sau khi tới gần kiểm tra, mọi người trong quán game mới tá hỏa phát hiện, nam thanh niên này đã tử vong. Được biết, người này có quê quán tại Hà Giang, xuống Hà Nội làm thuê. Nguyên nhân ban đầu được công an phường Kim Mã xác nhận nạn nhân tử vong do đột tử.
Thông tin này đã gây hoang mang cho nhiều phụ huynh, đặc biệt là những phụ huynh có con đang trong tuổi mới lớn. Chị Hoàng Thanh Vân (Hà Đông) không giấu nổi sự lo lắng: “Mặc dù kết quả khám nghiệm tử thi vẫn còn phải đợi lực lượng chức năng làm rõ. Nhưng khi đọc được tin này tôi cũng lo vì tôi có 2 con trai. Cháu nào cũng thích chơi game”.
Cả 2 con đều đang trong lứa tuổi dậy thì, tâm sinh lý thay đổi, không thể đánh mắng nên buộc chị Vân và chồng phải dùng nhiều phương pháp khác nhau để dạy bảo con. “Tôi cũng dặn con một ngày không chơi game quá 3 tiếng. Lúc nào có bố mẹ ở nhà thì cháu vẫn tuân thủ, còn lúc bố mẹ đi vắng thì không biết có nghe lời không”, chị Vân trăn trở.
Cùng cảnh ngộ với gia đình chị Vân, chị Quỳnh Trang (Cầu Giấy) cũng đã đọc được thông tin này từ sáng sớm. “Trẻ con bây giờ tiếp xúc với công nghệ hiện đại từ sớm cũng là một nỗi lo cho những người làm cha làm mẹ như tôi. Cấm cản thì không được vì con cũng cần học qua mạng, mà cứ giám sát con cả ngày thì mình cũng không làm được gì”, chị Trang nói.
Trước kia, việc con dành hàng giờ bên chiếc điện thoại với chị Trang là điều bình thường. Chỉ đến khi đứa con cả của chị có dấu hiệu bị cận thị, chị Trang mới tức tốc đưa con đi khám mắt và thực sự hiểu việc này gây hại cho con nhiều thế nào. “Từ ngày con bị cận thị vì chơi game, dùng điện thoại quá nhiều tôi mới lên mạng tìm hiểu. Có những trường hợp thương tâm hơn là các bạn nhỏ bị trầm cảm, tâm thần hay tử tự vì nghiện game”, chị Trang nói.
Để cắt đứt sự chú ý của con đến những trò chơi trên mạng, chị Trang đã đăng ký cho con theo học vài lớp năng khiếu và kỹ năng mềm để con có thời gian hoạt động ngoài trời và giao tiếp với các bạn. “Tôi nghĩ, xã hội thay đổi thì tư duy của những người làm cha làm mẹ cũng phải khác đi. Không thể nào phó mặc con mình cho những thiết bị vô tri vô cảm như thế này được nữa”, chị Trang nói.
Hậu quả khôn lường vì nghiện game
Trước những bất cập của vấn đề này, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc phỏng vấn với bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, PGĐ bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương.
Chia sẻ với PV, bà Hồng Thu cho biết, với những người nghiện game lâu ngày sẽ xuất hiện 3 biểu hiện chính: “Đầu tiên, người đó sẽ có xu hướng bắt chước các hành vi trong game, đặc biệt là các game bạo lực, gây ra hậu quả không mong muốn”.
Tiếp đến, theo lời bà Thu, nếu nghiện game quá lâu, người chơi sẽ bỏ bê mọi thứ, từ tiền bạc, thời gian và cả các mối quan hệ xã hội xung quanh mà chỉ tập trung vào game.
Cuối cùng, biểu hiện nguy hiểm nhất được bà Thu nhắc đến chính là dấu hiệu bệnh lý. “Người chơi sẽ có dấu hiệu cáu kỉnh, bồn chồn không tập trung làm việc. Thông thường nhất sẽ rơi vào tình trạng lo âu, trầm cảm. Đặc biệt là những người rơi vào trạng thái trầm uất, tự sát và cả giết người”, bà Thu nhận định.
Lý giải về việc nghiện game quá lâu dẫn đến việc trí não chậm phát triển, bà Thu khẳng định việc này hoàn toàn có thể xảy ra. Nói thêm về vấn đề này, bác sĩ Hồng Thu cho biết: “Ngoài ảnh hưởng đến trí não, nhân cách của người đó cũng có thể biến đổi trầm trọng. Cả khả năng học hành, kỹ năng giao tiếp sẽ giảm sút”.
Nói về việc có những cha mẹ thường phó mặc con mình cho các trò chơi trên điện thoại mà không quan tâm đến con, bác sĩ Hồng Thu cảnh báo, đây là việc làm rất nguy hiểm: “Chơi game là trò chơi lợi bất cập hại, nhiều người cứ thấy các trò chơi được quảng cáo có tính lợi ích trên mạng mà cho con chơi thì đó là sai lầm. Đó chỉ là những lợi ích ảo, không có chiều sâu và không tự nhiên”.
Vì vậy, bà Thu cảnh báo rằng các bậc cha mẹ cần tỉnh táo trong việc lựa chọn cách giải trí cho con mình. “Tôi nghĩ bố mẹ nên quy ước với con mình, tốt nhất là hạn chế hoặc không chơi game. Ở ngoài kia không thiếu những trò chơi vận động, gần gũi với thiên nhiên”, bà Thu nói thêm.
Thông tin thêm, bác sĩ Hồng Thu cho biết, việc chữa trị cho những trường hợp gặp nghiện game quả thực rất khó. “Nghiện game là một tai họa lớn chứ không chỉ đơn giản là một vấn đề nhỏ. Điều trị không chỉ trong 1-2 ngày mà có thể là điều trị vĩnh viễn, cả đời để đảm bảo người bệnh không tái phát bệnh”, bà Thu nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm, bác sĩ cũng nói về việc có nhiều trẻ không thể phát triển trí tuệ hay không thể tiếp tục quá trình học tập vì đã nghiện game. “Dù đã được điều trị tâm lý và uống thuốc đầy đủ nhưng có những trẻ vẫn không thể quay trở lại trường. Đó thật sự là những điều vô cùng xót xa”, bà Thu nói.
Cuối cùng, bác sĩ Hồng Thu cũng nhấn mạnh, ở thời đại này, thật khó để yêu cầu một ai đó không sử dụng điện thoại hay các thiết bị công nghệ. “Tuy nhiên việc hình thành nên những quy ước nhất định sẽ giảm thiểu được những trường hợp đáng tiếc xảy ra”.
Lê Trà