Trước đó, vào khoảng 11h ngày 27/11, khi lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ tại chốt giao thông trên tuyến quốc lộ 1 đoạn nối với đường Biên Hòa, TP.Phủ Lý thì phát hiện 1 thanh niên điều khiển chiếc xe máy lưu thông hướng Hà Nam - Hà Nội, đi sai làn đường.
Lúc này, 2 chiến sĩ CSGT đã ra hiệu lệnh dừng xe để xử lý vi phạm. Tuy nhiên, sau khi xin không được, người thanh niên - được xác định là Nguyễn Văn Hiệp, SN 1983 (ngụ xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), đã có thái độ chửi bới, xúc phạm 2 CSGT đang làm nhiệm vụ.
Chưa dừng lại ở đó, khi được yêu cầu ký vào biên bản xử phạt, nam thanh niên đã ném chiếc chìa khóa vào mặt 2 chiến sĩ CSGT rồi dắt xe máy của mình đi một đoạn, sau đó châm lửa đốt xe.
Hiện đội CSGT đã báo cáo sự việc tới Công an TP Phủ Lý để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Xung quanh sự việc này, Luật sư Nguyễn Bá Ngà – công ty Luật Việt Phương (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) có buổi trao đổi với PV Báo Người Đưa Tin và đưa ra quan điểm như sau: Ban đầu, hành vi của nam thanh niên trên chỉ bị xử lý trách nhiệm hành chính do vi phạm luật giao thông là đi sai làn đường. Vậy nhưng, với liên tiếp chuỗi hành vi như chống đối chiến sĩ CSGT trong khi đang làm nhiệm vụ, không chịu ký tên vào biên bản xử phạt, ném chìa khóa vào mặt một đồng chí cảnh sát và bất ngờ hơn là đối tượng này còn tự ý châm lửa đốt xe máy của mình thì với một loạt các hành vi vi phạm như vậy có thể bị quy kết vào tội chống người thi hành công vụ được quy định tại điều 257 BLHS. Theo đó:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm”.
Để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về loại tội phạm này, luật sư Ngà cũng đã phân tích một cách cụ thể về dấu hiệu pháp lý của loại tội phạm này.
Thứ nhất, về khách thể của tội phạm đã xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ và thông qua đó xâm phạm đến hoạt động của nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công. Đối tượng tác động cụ thể trong tình huống này chính là hai chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ.
Thứ hai, về mặt khách quan của tội phạm: đối tượng phạm tội có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Vũ lực dùng trong trường hợp này không thuộc trường hợp nói tại Điều 93, 104 Bộ luật hình sự.
Cụ thể nam thanh niên tên Nguyễn Văn Hiệp đã không ký tên vào biên bản xử phạt, ném chìa khóa vào mặt một đồng chí cảnh sát và còn tự ý châm lửa đốt xe máy của mình. Tất cả các hành vi nói trên người phạm tội thực hiện đối với người thi hành công vụ là để ngăn cản người thi hành công vụ thực hiện công vụ của mình hoặc buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật.
Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có một trong những hành vi nêu trên để ngăn cản người thi hành công vụ thực hiện công vụ của mình hoặc buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật. Việc người thi hành công vụ có nghe theo yêu cầu của người phạm tội hay không không có ý nghĩa định tội.
Luật sư Ngà cũng nói rõ thêm: hành vi chống người thi hành công vụ nếu gây thương tích hoặc làm chết cán bộ thi hành công vụ thì người phạm tội còn có thể bị truy cứu TNHS về các tội phạm tại Chương XII Bộ luật hình sự (tội cố ý gây thương tích, tội giết người…).
Thứ ba, về mặt chủ quan: lỗi của nam thanh niên trong tình huống này được xác định là lỗi cố ý trực tiếp. Tức là người phạm tội buộc phải biết mình đang cản trở người thi hành công vụ hoặc cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện.
Cuối cùng, chủ thể của tội phạm này theo luật quy định là bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định. Nam thanh niên Nguyễn Văn Hiệp xác định là có đủ năng lực trách nhiệm hình sự do vậy phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của mình.
Bên cạnh đó, trong trường hợp nam thanh niên trong tình huống trên sử dụng phương tiện không phải thuộc sở hữu của mình (do đi mượn, đi thuê,...) thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 như sau: "Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. ...".
“Hành vi của nam thanh niên trong tình huống trên là nguy hiểm cho xã hội, thể hiện sự thiếu tôn trọng pháp luật, gây mất trật tự trị an và ảnh hưởng tới các hoạt động quản lý bình thường khác của các cơ quan nhà nước, nên cần thiết cũng phải có biện pháp lý tương xứng với tính chất, mức độ hành vi vi phạm của đối tượng này”. Luật sư Ngà nói.
Yến Nhi