Vừa qua, dư luận xôn xao trước thông tin Nhật Bản ra lệnh thu hồi 18000 chai tương ớt Chin - su thuộc công ty Masan Việt Nam vì chứa chất cấm axit benzoic, vi phạm luật an toàn vệ sinh thực phẩm tại nước này. Nhiều người nhất là các bà nội chợ, khi được hỏi về axit benzoic vẫn không biết đây là chất gì vì không có ghi trong thành phần của sản phẩm.
Cô Nguyễn Thị Bình (Hà Nội) cho biết: "Tôi hay đi siêu thị để mua thực phẩm cho gia đình, tuy nhiên đọc thành phần của nhiều sản phẩm tôi vẫn không hiểu gì vì toàn là tiếng Anh, mà có hiểu cũng không biết nó có hại cho sức khỏe hay không".
Chị Lê Mỹ Lan (Hà Đông - Hà Nội) chia sẻ: "Mình cũng đọc tin tức báo chí, nhưng khi kiểm tra thành phần trên chai tương ớt Chin - su mình không thấy có ghi chất câm axit benzoic như báo đài đưa tin, mình cũng hoang mang lắm, hay nhà sản xuất không ghi vào, mà chất đấy là chất gì?".
Cũng theo quan sát của PV Báo Người Đưa Tin, theo hiểu biết thông thường thì hầu hết các thành phần ghi trên sản phẩm không rõ ràng, khiến người dân không phân biệt được, đâu là chất an toàn, đâu là chất có hại, gây dị ứng.
Ví dụ, thành phần tương ớt Chin - su của Masan bao gồm: nước, đường, ớt 85g/kg, muối, tinh bột biến tính (1422), tỏi, khoai lang, cà chua cô đặc, chất điều chỉnh axit (270,260,330), dextroza, maltodextrin, chất điều vị (621,635), gia vị hỗn hợp, chất ổn định (415), chất bảo quản (211,202) chất tạo ngọt tổng hợp (950,951), hương tổng hợp, màu thực phẩm (110,124), chất chống oxy hóa (223,221,300), bột wasabi.
Một số chất như: Chất điều chỉnh axit, chất ổn định, chất chống oxy hóa..., đây là những chất gì, nó có tác dụng như thế nào, ra sao? Nhà sản xuất không giải thích rõ khiến người dân hết sức hoang mang, nó có gây hại hay không?
Để tìm hiều cụ thể hơn PV Báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia viện Công nghệ Sinh học - Nguyễn Duy Thịnh được biết: Thông thường nhà sản xuất sẽ không thể ghi rõ tất cả thành phần trên nhãn hàng được, như thế sẽ chiếm diện tích trên nhãn rất nhiều. Mà nhà sản xuất chỉ kí hiệu thông số INZ (viết tắt cho từ International Numbering System: hệ thống chỉ số đánh số cho mỗi chất phụ gia do CAC - Uỷ ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế, xây dựng). Việc ghi thông số là đúng với quy định của Nhà nước và Pháp luật. Có một số chất ghi bằng tiếng Anh đó là tên khoa học nên không dịch sang tiếng việt, cũng như axit benzoic, nó gọi chung là nhóm chất bảo quản.
"Nếu người tiêu dùng muốn biết được những chất có trong thành phần đó có đảm bảo an toàn hay không, thì người tiêu dùng có thể tra trên mạng xã hội, hoặc gọi cho chuyên gia để có được hiểu biết chính xác nhất về những thành phần có trong sản phẩm mình có nhu cầu sử dụng", ông Thịnh nói thêm.