Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU-Economist Intelligence Unit) ngày 30/11 công bố báo cáo Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu, cho thấy Singapore và New York cùng xếp ở vị trí thứ nhất trong danh sách các thành phố đắt đỏ nhất thế giới.
Singapore từng giữ vị trí số một trong danh sách từ năm 2014 đến 2019, trước khi bị Paris và Tel Aviv soán ngôi vào năm 2020 và 2021. Trong khi đó, đây là lần đầu tiên New York được xếp vị trí đầu danh sách.
Tel Aviv - thành phố đứng đầu danh sách vào năm ngoái đã tụt xuống thứ 3. Tiếp theo đó lần lượt là các thành phố Hong Kong - Trung Quốc và Los Angeles, Mỹ đồng hạng 4, Zurich và Geneva - Thụy Sĩ, San Francisco - Mỹ, Paris - Pháp và Copenhagen - Đan Mạch. Trong bảng xếp hạng năm nay, thủ đô London của Anh đã giảm vị trí đáng kể, xuống thứ 27 trong danh sách.
So với nhiều nơi khác, những thành phố ở châu Á có xu hướng không bị ảnh hưởng quá lớn bởi tình trạng giá cả tăng cao, với mức tăng chi phí sinh hoạt trung bình là 4,5%.
Hai thành phố của Nhật Bản là Tokyo và Osaka tụt hạng, lần lượt tụt 24 và 33 bậc do lãi suất vẫn ở mức thấp. Thủ đô Damascus của Syria và Tripoli của Libya là những nơi có phí sinh hoạt rẻ nhất thế giới.
EIU, thuộc tập đoàn Economist chuyên cung cấp dịch vụ dự đoán và cố vấn qua nghiên cứu và phân tích, trụ sở London, Anh, thực hiện báo cáo này vào tháng 8 và tháng 9 năm nay, dựa trên mức giá trung bình của hơn 200 sản phẩm và dịch vụ tại 172 thành phố lớn trên toàn cầu. Họ khảo sát một loạt doanh nghiệp, cả cao cấp và bình dân, để biết giá cả đã dao động thế nào trong năm qua.
Theo báo cáo, yếu tố quan trọng nhất dẫn tới giá cả ở Tây Âu tăng mạnh là do giá khí đốt tăng, vốn bị cho là kết quả của cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra. Tại Tây Âu, giá một lít xăng đã tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo Chi phí sinh hoạt toàn cầu của EIU cũng cho thấy, 2 thành phố của Nga là Moscow và St Petersburg đã tăng tới 88 bậc do các lệnh trừng phạt và giá dầu tăng cao đã đẩy chi phí ở hai đô thị lớn này tăng lên.
Thủ đô Kiev của Ukraine không được đưa vào phân tích trong năm nay. Một số thành phố lớn của châu Âu như Stockholm, Lyon và Luxembourg cũng tụt bậc trong danh sách.
Theo báo cáo Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu của EIU, chi phí sinh hoạt tại 172 thành phố lớn trên thế giới tăng trung bình 8,1% trong năm qua, do nhiều yếu tố ảnh hưởng như chiến sự Ukraine hay khó khăn trong chuỗi cung ứng.
“Xung đột Ukraine, lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga và chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng, cùng với tăng lãi suất và thay đổi tỷ giá hối đoái đã dẫn đến cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trên toàn thế giới”, Upasana Dutt, người đứng đầu bộ phận Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu tại EIU, cho biết.
“Có thể nhận thấy tác động của những điều này trong chỉ số của năm nay. Mức tăng giá trung bình trên 172 thành phố là mức tăng mạnh nhất trong 20 năm kể từ khi chúng tôi thu thập dữ liệu”, ông nói thêm.
Minh Hoa (t/h)