Dù đã tìm nhiều cách, áp dụng nhiều biện pháp để phòng chống, đối phó với nạn triều cường, tuy nhiên, với những gì diễn ra trong nhiều tháng vừa qua, các cơ quan chức năng tại TP.HCM đã gần như "lực bất tòng tâm".
Người dân đang tự chống chọi với triều cường bằng các biện pháp tạm bợ
Giải thích vấn đề này, đại diện UBND TP.HCM cho biết: "Để phòng chống và ngăn chặn triều cường, đầu tháng 3/2012, UBND TP. đã ra quyết định xây dựng thêm 59 công trình phòng chống sạt lở, tiêu thoát nước. Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND TP.HCM cũng liên tục đốc thúc, phối hợp với các cơ quan chức năng, các ban ngành liên quan khác tăng cường công tác rà soát, kiểm tra để kịp thời phát hiện, khắc phục những điểm trọng yếu tại các bờ đê, kè, sẵn sàng đối phó với lũ lụt, triều cường. Tuy nhiên, trước thực trạng biến đổi của khí hậu, trời mưa liên tục, lượng nước ở các sông tăng lên đột ngột khiến cho các công trình thủy lợi bị quá tải, không thể điều tiết được.
Trên thực tế, các cơ quan chức năng đã hoàn toàn bất lực trước vấn nạn triều cường trên địa bàn TP.HCM. Ông Phan Hoàng Trí, phó giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa (thuộc sở GTVT TP.HCM) chia sẻ: "Những năm gần đây, số vụ vi phạm, lấn chiếm và xây dựng công trình trên hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch ngày càng tăng. Bên cạnh đó, sự lỏng lẻo trong công tác quản lý đã tạo điều kiện cho người dân lấn chiếm hàng loạt đất ven sông để xây dựng nhà ở. Chính vì những điều này đã tác động rất xấu đến các công trình phòng hộ thủy lợi. Bởi vậy, khi mưa nhiều, lượng nước ở các sông lên cao, các vụ sạt lở, vỡ đê liên tục xảy ra cũng không có gì lạ".
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM: Trong 59 công trình phòng, chống triều cường, sạt lở được UBND TP. chỉ đạo thực hiện, đến nay còn đến 35 công trình chưa hoàn thành. Trong khi đó, nhiều biện pháp khắc phục sạt lở vẫn đang nằm trên giấy. Mặc dù bị cấm, bị xử phạt, nhưng do công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra lỏng lẻo cho nên rất nhiều khu vực cấm tại các bờ đê, kênh, rạch đang bị người dân khai thác, lấn chiếm.
Thống kê của sở GTVT TP.HCM cho thấy: Từ đầu năm 2012 đến nay có 65 trường hợp vi phạm, lấn chiếm công trình thủy lợi, nâng tổng số vi phạm còn tồn đọng lên khoảng 170 vụ. Trong đó có 50 trường hợp lấn chiếm, 120 vụ xây dựng trái phép trên hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch.
Bên cạnh đó, tại địa bàn TP.HCM, có hơn 40 vị trí bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở. Mặc dù vậy, nhưng đến nay chỉ có khoảng 10 vị trí đang được lập hồ sơ để tiến hành xây dựng, gia cố.
Trong khi các cơ quan chức năng đang loay hoay tìm phương án, kế sách đối phó với triều cường, người dân phải tự mình xoay xở bằng các biện pháp tạm thời, dùng những vật liệu đơn giản như cọc tre, tràm, bao tải cát để che chắn và ngăn nước.
Mạc Vân