Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến trở thành nơi quy tụ văn hóa tâm linh, là điểm nhấn trong quảng bá nét đẹp về kiến trúc, văn hóa truyền thống của Phố Hiến xưa và thành phố Hưng Yên hôm nay.
Đầu năm, thành tâm về thăm Hưng Yên, chúng ta không thể không ghé thăm chuỗi quần thể du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng của Phố Hiến. Nhắc đến Phố Hiến, chúng ta liên tưởng ngay đến câu “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến” câu ca dân gian đó phần nào đã nói lên một thời hưng thịnh của đô thị - thương cảng nổi tiếng của nước ta ở thế kỷ XVI - XVII.
Phố Hiến xưa, nay nằm trên phần đất từ thôn Đằng Châu (phường Lam Sơn) tới thôn Nễ Châu (xã Hồng Nam) của TP. Hưng Yên. Dù trải qua nhiều biến cố lịch sử và thay đổi của tự nhiên, nhưng Phố Hiến vẫn bảo tồn, giữ gìn được hàng trăm di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 17 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia như: Đền Mây ở Xích Đằng (thờ Tướng quân Phạm Phòng Át), Văn miếu Xích Đằng, Kim Chung tự, Thiên Ứng tự, Đông Đô Hội quán…
Ngoài ra, còn có các chùa lớn như: Chùa Chuông, chùa Hiến, chùa Nễ Châu, cùng nhiều công trình kiến trúc tôn giáo như: Đền Trần, đền Mẫu, đền Thiên Hậu, Võ Miếu... Hàng năm, nhiều lễ hội gắn liền với các di tích được duy trì, tái hiện hình ảnh mấy trăm năm trước của Phố Hiến thu hút hàng vạn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu.
Tiếp xúc và trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hòa- Trưởng Ban quản lý khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến cho biết: “UBND tỉnh ra quyết định 2156 giao cho UBND Thành phố thành lập Ban quản lý di tích lịch sử đặc biệt phố Hiến. Chủ trương, dự kiến đến hết tháng 6/2018 các khu di tích nằm trong các chuỗi quần thể du lịch văn hóa tâm linh của Phố Hiến sẽ trực tiếp do Ban quản lý và điều hành”.
Thăm chuỗi văn hóa tâm linh Phố Hiến, phải kể đến Đền Mẫu. Đền Mẫu thờ bà Quý Phi họ Dương, người đã tuẫn tiết để giữ lòng chung thuỷ với vua và trung thành với tổ quốc. Theo “Đại Nam nhất thống chí” và “Thần tích” thì bà là vợ vua Tống Đế Bính (Trung Quốc). Năm 1279, quân Nguyên Mông xâm lược nước Tống, trước sức mạnh của giặc, vua Tống cùng hoàng tộc xuống thuyền chạy về phương Nam tránh nạn. Tướng nhà Nguyên Mông là Trương Hoằng Phạm cho quân đuổi theo đến Nhai Sơn thì bắt được, vua Tống và một số phi tần không chịu khuất phục đã nhảy xuống biển tự tận. Dân chài cửa Càn Hải vùng Châu Hoan (Nghệ An) thấy bốn xác người phụ nữ, y phục như hậu phi, cung phi trôi trên mặt biển. Họ vớt được 3 xác đem chôn cất, còn xác thứ 4 trôi ngược dòng lên phía Bắc. Truyền rằng xác phụ nữ trôi ngược dòng đó ít ngày sau dạt vào cửa sông vùng Phố Hiến, được dân cư ở đây vớt lên, mai táng chu đáo và lập miếu thờ.
Hằng năm, lễ hội Đền Mẫu diễn ra từ ngày 10 đến 15 tháng 3 âm lịch. Lễ hội xưa được tổ chức rất linh đình. Ngày nay, lễ hội được tổ chức đơn giản hơn. Đền Mẫu - một công trình kiến trúc thuần Việt, một di tích lịch sử văn hoá gần gũi với nhân dân. Đền thờ Quý Phi họ Dương (người Trung Hoa), đây là điểm khác biệt hiếm thấy trong các ngôi đền cổ của người Việt, thể hiện tình đoàn kết hữu nghị của nhân dân 2 nước Việt - Trung.
Tiếp theo, nằm trong chuỗi quần thể du lịch văn hóa tâm linh của phố Hiến là Đền Bà Chúa Kho tức (Thương Tỉnh Linh Từ) là một trong những di tích thuộc quần thể di tích cổ Phố Hiến, được xếp hạng là di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia năm 2014. Đền nằm ở khu phố Điện Biên III, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên.
Căn cứ vào tư liệu còn lưu giữ thì ngôi đền được xây dựng từ thời Lê tại khu nhà Thành và có quy mô rộng lớn. Trải qua những biến cố của lịch sử, đền Bà Chúa Kho được di chuyển ra vị trí hiện tại vào cuối thế kỷ XIX. Đền là nơi thờ bà Lê Bạch Nương hay còn gọi là Bà Chúa Kho, thời Lê Hy Tông Vĩnh Trị Thông Bảo (1976- 1681). Xuất thân Hoàng tộc, bà Lê Bạch Nương là một mỹ nhân trung quân ái quốc, có nhan sắc, giỏi văn chương, tinh thông võ nghệ. Vào thời đó, nước nhà bị xâm lăng, bà xin phép Hoàng tộc được tham gia vào việc nước và được phân công phụ trách kho ngân khố tại Vĩnh Ty Đồn (thuộc TP. Hưng Yên ngày nay).
Khi quân giặc phương Bắc xâm lược nước ta, bà đã cùng quân sỹ quyết tử với kẻ thù bảo vệ kho ngân, quyết không để rơi vào tay giặc. Song do thế giặc mạnh, quân ta không chống đỡ được nên bà đã tuẫn tiết và lấy máu mình vẩy khắp vựa bạc làm cho quân giặc khiếp vía kinh hồn. Bà đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời chưa đến 30.
Hàng năm cứ đến ngày mùng 01 tháng 03 âm lịch, nhân dân lại tổ chức lễ hội đền Bà Chúa Kho. Theo dân gian truyền miệng thì những người đi lễ đầu năm đến đền Bà Chúa Kho để vay tiền làm ăn kinh doanh trong năm mới để có được một năm kiếm thật nhiều tiền và kinh doanh thuận lợi. Đi lễ Bà Chúa Kho đã trở thành một thói quen hàng năm với nhiều người, đặc biệt là giới kinh doanh.
Tiếp đến là Đền Trần, Đền Trần nằm trên đường Bãi Sậy - phường Quang Trung – TP. Hưng Yên ngày nay là trung tâm của Phố Hiến xưa. Tương truyền mảnh đất này trước đây là nơi đóng quân của Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn, thấy rằng đây là nơi hội tụ của 3 dòng sông: sông Hồng, sông Châu Giang và sông Luộc, đoạn trước cửa đền có tên gọi là Phú Lương (tên cổ của sông Hồng) nên hàng năm, lễ hội đền Trần được tổ chức vào ngày 20/8 và ngày 8/3 âm lịch, để tưởng nhớ tới ngày mất của ông và ngày chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông.
Đền Trần là di tích tưởng niệm Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn, một anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hoá của nhân loại. Đền Trần có ý nghĩa rất lớn với Phố Hiến nói riêng và tỉnh Hưng Yên nói chung. Vì vậy đền sẽ được đầu tư quy hoạch trở thành điểm du lịch văn hoá với mục đích giáo dục thế hệ trẻ hôm nay về truyền thống yêu nước nồng nàn của nhân dân ta từ xa xưa.
Có thể nói, chuỗi quần thể du lịch văn hóa tâm linh phố Hiến xưa và TP. Hưng Yên ngày nay. Hàng năm đã thu hút đông đảo nhân dân và khách du lịch thập phương đến dâng hương chiêm bái. Với ý nghĩa lịch sử to lớn và những tiềm năng sẵn có, chuỗi quần thể du lịch văn hóa tâm linh của phố Hiến xưa và TP. Hưng Yên ngày nay đã đang trở thành một điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn cho mỗi du khách khi về thăm Phố Hiến - Hưng Yên.
Xuân Khiển