Ở thành phố Veles (Macedonia), trong khi đang diễn ra chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ thì có hàng chục, thậm chí hàng trăm thanh thiếu niên lập ra những trang tin tức giả để câu kéo độc giả Mỹ quan tâm về cuộc bầu cử, đặc biệt là những thông tin về ông Donald Trump.
Họ biên tập những tin tức giả về ông Donald Trump để khơi dậy trí tò mò của những người luôn mong muốn tìm đọc về vị tỉ phú bất động sản này. Goran, 19 tuổi, một sinh viên đại học, cũng điều hành một trang tin như thế.
“Người Mỹ thích những câu chuyện của chúng tôi và nhờ đó chúng tôi kiếm được tiền. Ai cần quan tâm tới việc những câu chuyện đó là thật hay giả?”, Goran nói, cố ý để cho người đối diện chú ý tới chiếc đồng hồ hàng hiệu mà mình đang đeo.
Goran cho biết, cậu bắt đầu viết những tin tức sai sự thật từ mùa hè năm ngoái. Với mỗi bài viết, sau khi sao chép nội dung và “xào xáo”, Goran lại đặt một tít mới hấp dẫn hơn, rồi trả tiền cho Facebook để những bài viết tiếp cận được những độc giả đang “đói” thông tin về ông Trump. Từ đó, các độc giả kích chuột vào đọc bài viết và chia sẻ lên mạng xã hội cũng chính là lúc Goran kiếm được tiền quảng cáo từ trang tin giả mạo của mình.
Goran cho biết cậu chỉ làm công việc này trong một tháng nhưng đã thu về được khoảng 1.800 euro (khoảng 43,7 triệu đồng). Những người bạn khác của Goran thậm chí còn nhận được hàng ngàn euro mỗi ngày nhờ tiền quảng cáo.
Khi được hỏi rằng liệu cậu có lo lắng rằng những tin tức sai lệch có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới các cử tri người Mỹ hay không, Goran cười lớn và nói: “Đám thanh niên ở thành phố chúng tôi không quan tâm tới việc người Mỹ đi bầu cử như thế nào. Họ chỉ cần kiếm tiền để mua những thứ quần áo và đồ uống đắt tiền”.
Theo BBC, lương tháng bình quân của một người ở thành phố Veles chỉ là 350 euro, nhưng thời gian gần đây đã xuất hiện rất nhiều những chiếc xế hộp sang trọng và không khó để bắt gặp hình ảnh những thanh niên trẻ với dáng vẻ sành điệu, tay cầm ly cocktail và lắc lư theo tiếng nhạc trong các quán bar.
Bên ngoài các cổng trường học, cứ khoảng 3 đến 6 người lại có một người biết về cách kiếm tiền thông qua các trang tin không chính thống này. Một chàng trai trẻ có gương mặt mệt mỏi nói với BBC rằng mỗi đêm cậu phải làm việc 8 tiếng để sản xuất kiểu tin tức trên và sau đó mới tới trường học.
Dù việc tạo ra các trang tin giống như của Mỹ không phải hành động bất hợp pháp nhưng nó có thể khiến những độc giả bị thông tin đánh lừa, theo BBC.
Ubavka Janevska, một nhà báo điều tra kỳ cựu của Macedonia cho biết cô đã xác định được 7 nhóm chuyên quản lý các trang tin giả mạo và ước tính còn có hàng trăm thanh thiếu niên đang ở độ tuổi đi học cũng tự mình lập ra những trang web tương tự để kiếm tiền.
“Tôi lo lắng về đạo đức của giới trẻ Veles. Họ sẽ chỉ nghĩ tới những điều bịa đặt và kiếm tiền một cách nhanh chóng nhờ vào những thứ dối trá. Vào tháng 12 này, Macedonia cũng tiến hành bầu cử quốc hội, và tôi đã thấy dấu vết của 3 tên miền khác nhau được đăng ký tại Serbia và Croatia đều đăng tải những thông tin không chính xác về đảng đối lập ở Macedonia. Nó hoàn toàn có thể phá hỏng cuộc bầu cử”, nữ nhà báo lo lắng.
Theo CBS News, chỉ cần thực hiện một phép tìm kiếm đơn giản trên mạng internet là sẽ thấy gần 200 trang tin tức giả mạo được đăng ký tại Veles, hầu hết trong số đó đều được tạo ra trong vòng 12 tháng trở lại đây.
Với phương thức đơn giản mà có thể kiếm được tiền nhanh chóng, ngày càng nhiều thanh thiếu niên ở thành phố châu Âu này đang kiếm tiền nhờ sự dối trá mà không hề biết trước những hệ lụy về sau.
Danh Tuyên