Các nhà chức trách Ukraine thông tin, các cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào thành phố Lviv đã diễn ra vào sáng sớm hôm nay, ngày 18/4. Các vụ nổ cũng đã làm rung chuyển các thành phố khác ở Ukraine trong bối cảnh các lực lượng Nga tiếp tục các cuộc bắn phá sau khi tuyên bố kiểm soát gần như hoàn toàn thành phố cảng Mariupol chiến lược ở miền Nam.
Sau khi rút quân khỏi miền Bắc, quân đội Nga đã tái tập trung để chuyển bị cho cuộc tấn công trên bộ vào Donbass ở miền Đông, đồng thời tiến hành các cuộc tấn công tầm xa vào các mục tiêu ở những nơi khác, bao gồm cả Thủ đô Kiev.
Thị trưởng Lviv Andriy Sadoviy cho biết, thành phố miền Tây này đã hứng 5 cuộc tấn công tên lửa vào sáng sớm ngày 18/4. Chưa có thông tin về thương vong hay thiệt hại ở đây.
Tại Kiev, một phóng viên của Reuters đã nghe thấy một loạt tiếng nổ gần sông Dnipro. Chính quyền địa phương vẫn chưa cung cấp bất kỳ thông tin chính thức nào về nguyên nhân gây ra các tiếng nổ này.
Theo hãng truyền thông Suspilne, 2 người đã bị thương trong các cuộc tấn công ở thành phố Dnipropetrovsk ở miền Nam.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 17/4 cho biết, 18 người đã thiệt mạng và hơn 100 người khác đã bị thương trong các cuộc pháo kích trong 4 ngày qua ở thành phố Kharkiv, miền Đông Bắc Ukraine.
Mariupol có thể là “lằn ranh đỏ” trong đàm phán giữa Ukraine và Nga
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, không có bất kỳ liên lạc ngoại giao nào gần đây giữa Nga và Ukraine ở cấp Bộ, trong khi tình hình ở cảng Mariupol được ông mô tả là "thảm khốc" và có thể là một "lằn ranh đỏ" trong lộ trình đàm phán giữa 2 bên.
"Mariupol có thể là một lằn ranh đỏ", Ngoại trưởng Ukraine cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CBS News hôm 17/4.
Một khoảng thời gian khá khá đã trôi qua sau khi “tối hậu thư” của Nga hết hạn.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga yêu cầu các binh sĩ Ukraine còn lại tại nhà máy luyện kim Azovstal ở Mariupol hạ vũ khí trước 6h sáng giờ Moscow ngày 17/4 và sơ tán trước 13h chiều cùng ngày. (Giờ Moscow sau giờ Hà Nội 4 tiếng)
Vài giờ sau khi các mốc thời gian trên trôi qua, vẫn không có dấu hiệu thỏa hiệp nào từ các tay súng Ukraine ẩn náu trong khuôn viên Azovstal, một trong những nhà máy luyện kim lớn nhất châu Âu.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã xác nhận rằng các binh sĩ ở Mariupol vẫn đang chiến đấu bất chấp “tối hậu thư” của Nga.
“Thành phố vẫn chưa thất thủ. Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng và chiến thắng trong cuộc chiến này”, ông Shmyhal nói với đài ABC hôm 17/4.
Ông tuyên bố, Ukraine sẵn sàng chấm dứt xung đột thông qua ngoại giao nếu có thể, "nhưng chúng tôi không có ý định đầu hàng".
Trở lại vấn đề đàm phán giữa Ukraine và Nga, ông Kuleba cho biết trong cuộc phỏng vấn: "Chúng tôi thực sự không có bất kỳ liên hệ nào với các nhà ngoại giao Nga trong những tuần gần đây ở cấp Bộ Ngoại giao".
Hai bên tiếp tục tham vấn ở cấp chuyên gia nhưng không có cuộc đàm phán cấp cao nào, Ngoại trưởng Ukraine bổ sung.
Ông Kuleba dự đoán rằng giao tranh ác liệt ở miền Đông Ukraine sẽ tăng lên trong những tuần tới.
Khi được hỏi về triển vọng chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Ukraine, ông Kuleba cho biết, Ukraine sẽ rất vui được chào đón Tổng thống Mỹ và chuyến thăm của ông Biden sẽ gửi "một thông điệp ủng hộ".
Tuy nhiên, Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki hôm 15/4 đã xác nhận không có kế hoạch sắp xếp một chuyến công du cho Tổng thống Mỹ đến Ukraine, nơi cuộc xung đột vũ trang với Nga đã kéo dài gần 2 tháng.
Quan chức Ukraine: Giao tranh sẽ kết thúc sau 2-3 tuần nữa
Ông Fyodor Venislavsky, một thành viên của Ủy ban An ninh Quốc gia, Quốc phòng và Tình báo Ukraine, cho rằng “giai đoạn nóng bỏng” của cuộc xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc sau 2-3 tuần nữa.
Cuộc xung đột sẽ hoàn toàn kết thúc sau 2-3 tháng, ông Venislavsky cho biết trên truyền hình.
Ông Venislavsky cho biết, đánh giá của ông dựa trên một số yếu tố, bao gồm cả việc các lực lượng vũ trang Ukraine đã cho thấy cách họ làm để đẩy lùi phe đối địch ra khỏi lãnh thổ Ukraine và việc các đối tác phương Tây đã biết Ukraine cần loại vũ khí nào nhất và đang bàn giao các loại vũ khí đó.
Nga cảnh báo NATO về hoạt động quân sự ở Bắc Cực
Nga lo lắng về hoạt động gia tăng của các lực lượng NATO ở Bắc Cực và nhận thấy nguy cơ xảy ra "các sự cố ngoài ý muốn" trong khu vực, hãng thông tấn TASS dẫn lời Đại sứ Nga Nikolai Korchunov, Chủ tịch Ủy ban Các quan chức Cấp cao Bắc Cực, cho biết hôm 17/4.
Hồi tháng 3, Phần Lan và Thụy Điển, 2 quốc gia đang xem xét gia nhập liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn dắt, đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự kết hợp của NATO.
Các cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ lâu, nhưng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine được phát động hôm 24/2 đã gia tăng thêm cường độ cho các cuộc tập trận.
"Sự gia tăng hoạt động của NATO ở Bắc Cực gần đây là một nguyên nhân gây lo ngại. Một cuộc tập trận quân sự quy mô lớn khác của liên minh gần đây đã được tổ chức ở miền bắc Na Uy. Theo quan điểm của chúng tôi, điều này không đóng góp vào an ninh của khu vực", ông Korchunov tuyên bố.
Theo ông Korchunov, hoạt động như vậy làm tăng nguy cơ xảy ra "các sự cố ngoài ý muốn", ngoài rủi ro về an ninh, còn có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho hệ sinh thái Bắc Cực.
Vị quan chức Nga không cho biết rõ loại sự cố nào ông đang muốn đề cập đến ở đây.
Trước đó, hôm 14/4, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, ông Dmitry Medvedev, một trong những đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã lên tiếng cảnh báo NATO rằng, nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, thì Nga sẽ phải tăng cường khả năng phòng thủ của mình trong khu vực, bao gồm cả việc triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh trong một khu vực của châu Âu.
Ukraine hoàn thành bảng câu hỏi về tư cách thành viên EU
Ukraine cho biết, họ đã hoàn thành bảng câu hỏi, vốn được coi là bước khởi đầu quan trọng để quyết định về tư cách thành viên EU của Kiev.
Bảng câu hỏi đã được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trao tận tay cho Tổng thống Zelensky trong chuyến thăm của bà tới Kiev vào ngày 8/4.
Một phụ tá của Tổng thống Ukraine nói với đài truyền hình công cộng của nước này rằng, Ủy ban châu Âu sẽ cần đưa ra khuyến nghị về việc Ukraine tuân thủ các tiêu chí thành viên cần thiết.
“Chúng tôi hy vọng khuyến nghị… là tích cực, và khi đó sẽ đến phần việc của các nước thành viên EU”, ông Ihor Zhovkva, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết.
Ông Zhovkva cho biết thêm rằng, Ukraine dự kiến sẽ được đưa vào danh sách các quốc gia ứng cử viên gia nhập EU vào tháng 6, khi Hội đồng châu Âu họp.
“Tiếp theo, các cuộc đàm phán gia nhập sẽ được khởi động. Và một khi các cuộc đàm phán này diễn ra, điều đó nghĩa là chúng tôi có thể thảo luận về tư cách thành viên đầy đủ của Ukraine trong EU”, ông Zhovkva cho biết.
Ukraine cần 1.000 tỷ USD để bù đắp tổn thất
Ông Oleh Ustenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine, hôm 17/4 cho biết nước này sẽ cần một 1.000 tỷ USD để bù đắp tổn thất từ cuộc xung đột vũ trang với Nga.
Phát biểu trên truyền hình quốc gia, ông Ustenko cũng cho biết, Ukraine đã yêu cầu các quốc gia G7 về khoản hỗ trợ tài chính trị giá 50 tỷ USD và đang xem xét phát hành trái phiếu chiết khấu không lãi suất (zero-coupon bonds) để giúp quốc gia Đông Âu bù đắp thâm hụt ngân sách liên quan đến cuộc xung đột trong 6 tháng tới, Reuters đưa tin.
Ông Ustenko cho biết, các lựa chọn này đang được thảo luận tích cực.
Minh Đức (Theo Reuters, Al Jazeera, CNBC)