Bắt buộc phải thanh toán qua thẻ
Theo nội dung dự thảo nghị định được đưa ra lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và người dân, cơ quan, tổ chức sẽ không được dùng tiền mặt thanh toán cho giao dịch mua, bán, chuyển nhượng chứng khoán, ô tô (bất kể giá trị giao dịch). Cá nhân giao dịch bất động sản, xe máy, xe điện vượt hạn mức thì cũng không được dùng tiền mặt để thanh toán.
Dự thảo này cũng nêu rõ, các tổ chức không được dùng tiền mặt giao dịch bất động sản, chứng khoán, tàu bay, tàu thủy, ô tô (bất kể giá trị giao dịch). Ngoài ra, khi các tổ chức thanh toán cho tổ chức, cá nhân khác số tiền vượt hạn mức thì không được dùng tiền mặt.
Liệu chúng ta đã đủ điều kiện để thanh toán qua thẻ?.
Dự thảo nghị định này đang thu hút được sự quan tâm của dư luận, của các chuyên gia kinh tế. Nhiều người bày tỏ băn khoăn, lo lắng bởi từ trước đến nay, việc thanh toán bằng tiền mặt diễn ra hàng ngày, ở mọi lúc mọi nơi, đồng thời người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt. Bên cạnh đó, hình thức thanh toán bằng thẻ còn nhiều điểm hạn chế, chưa thực sự phù hợp với điều kiện kinh tế thực tế của người dân, đặc biệt là vùng sâu vùng xa và những người có thu nhập thấp.
Trong khi đó, hiện chúng ta vẫn chưa hình thành được một hệ thống mua bán thanh toán bằng các phương tiện ngoài tiền mặt như thẻ ATM, chuyển khoản... một cách đồng bộ. Đó là chưa kể đến, hàng năm cứ mỗi dịp tết đến, khi nhu cầu mua bán của người dân tăng cao thì thẻ ATM lại giở chứng, gây khó khăn cho việc thanh toán.
TS.Cao Sĩ Kiêm, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước) bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương của dự thảo nghị định. Bởi lẽ, khi thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ khiến thị trường giảm các yếu tố tiêu cực. Tuy nhiên, TS. Kiêm cũng tỏ ra băn khoăn đến tính khả khi của nghị định và lo ngại sẽ phản tác dụng khi các điều kiện để thực hiện nghị định vẫn chưa đủ, chưa đảm bảo, chưa đồng bộ.
"Theo tôi, có một vấn đề mà từ lâu nay chúng ta mắc phải mỗi khi đưa ra một quy định đó là điều kiện để thực hiện cái quy định đó chưa đủ, chưa đảm bảo, chưa đồng bộ. Chính vì vậy, khả năng thực thi khó và phản tác dụng. Tôi lấy ví dụ, trong quy định quản lý thức ăn đường phố vừa qua của bộ Y tế. Rõ ràng, ý tưởng thì rất hay nhưng điều kiện của chúng ta chưa đáp ứng được để thực hiện ý tưởng đó. Khi mọi quy định được đưa ra, điều chúng ta phải đặt lên hàng đầu đó là có phù hợp với cơ sở vật chất trong nước hay không. Bên cạnh đó, nếu đưa ra, quyết tâm làm thì phải thực hiện bằng được. Không nên cứ áp dụng một thời gian, thấy khó là bỏ dở dang", TS.Cao Sĩ Kiêm băn khoăn.
TS.Cao Sĩ Kiêm.
Cần có lộ trình thích hợp
Đó là quan điểm của khá nhiều chuyên gia kinh tế khi trao đổi với PV về vấn đề này. TS. Lê Đăng Doanh (nguyên viện trưởng viện quản lý kinh tế Trung ương) nhận định, về mặt nguyên tắc cũng như xu hướng thì việc thanh toán qua thẻ để kiểm soát thu nhập, công khai minh bạch tài chính và để có giải trình là việc rất cần thiết trong bất kỳ xã hội nào. Xu thế phát triển của chúng ta cũng vậy.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới người ta đang thực hiện thanh toán qua thẻ. Như ở Thụy Điển, nếu người dân chi trên 50 đô la thì phải thanh toán qua thẻ tín dụng chứ không được dùng tiền mặt. Bao giờ người ta cũng có biên lai, chứng từ đầy đủ. Mỗi biên lai đều được đưa lên mạng để công khai, minh bạch về bất kỳ cá nhân nào.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lo ngại rằng, nếu trong điều kiện hiện tại chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu của việc thanh toán qua thẻ, chuyển khoản mà vẫn áp dụng thì sẽ làm khó người dân. Trong bối cảnh như thế lại càng dễ sinh ra tiêu cực, đối phó và tìm cách lách luật. Vì thế, TS. Doanh kiến nghị, đối với những vùng như vậy chúng ta nên xem xét, mật độ ngân hàng ở nước ngoài thì quá dày đặc, trong khi mật độ ngân hàng ở nông thôn còn quá thưa thớt. Mật độ của hệ thống thẻ, thanh toán qua thẻ cũng chưa bao quát hết. Mặt khác, việc chi trả tiền lương vẫn chưa chi trả hết qua thẻ, mà vẫn thường trả bằng tiền mặt.
Nếu như thực hiện một cách đầy đủ các điều kiện trên thì chúng ta thực hiện việc thanh toán qua thẻ là hợp lý. Còn nếu chưa tạo đầy đủ tiền đề mà thực hiện việc thanh toán qua thẻ thì sẽ gây khó khăn cho nhiều người, và khi đó sẽ sinh ra việc lách luật. Về cơ bản, nên khuyến khích thanh toán qua thẻ chứ không nên áp đặt.
Liên quan đến vấn đề này, TS. kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, nên vạch ra những lộ trình với những điều kiện tiền đề nào. Ví dụ, khi đã trả lương qua thẻ, qua tài khoản đồng thời hệ thống ngân hàng đảm bảo được điều kiện thì mới áp dụng thanh toán qua thẻ.
"Theo tôi có thể thực hiện thí điểm tại các thành phố lớn, sau đó thực hiện nhân rộng việc đó ra các địa phương khác, không nên vội vàng, áp đặt. Về lâu về dài thì việc sử dụng các hình thức thanh toán qua thẻ là xu thế tất yếu, tuy nhiên trong điều kiện hiện tại của chúng ta chưa cho phép áp dụng một cách quá cưỡng bức. Bởi lẽ điều kiện của ngân hàng của ta chưa cho phép điều đó", TS.Nguyễn Minh Phong khẳng định.
Xung quanh câu chuyện thanh toán qua thẻ, có ý kiến cho rằng như thế sẽ tạo ra lợi nhuận "siêu khủng" cho ngân hàng. Tuy nhiên, TS.Cao Sĩ Kiêm lại cho rằng, chính sách không thanh toán bằng tiền mặt không chỉ làm lợi cho ngân hàng mà nó sẽ làm lợi cho nền kinh tế. Hơn nữa, quy định này sẽ hạn chế được tình trạng tham nhũng. Nếu chúng ta cứ để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng tiền mặt để giao dịch sẽ rất khó phát hiện tham nhũng, thất thoát. Đây không phải là một quy định xa lạ. "Tuy nhiên, cần nhấn mạnh thêm một lần nữa là những điều kiện, yếu tố họ chuẩn bị cho quy định này rất tốt. Họ có hệ thống ngân hàng phát triển đồng bộ, rất thuận tiện cho người dân giao dịch.
Trong khi đó, Việt Nam chưa có những điều kiện như vậy. Có những vấn đề phải khắc phục như thanh toán không đủ tiền mặt, yếu tố tiện ích cho người dân, chất lượng dịch vụ ở ngân hàng thương mại cần nâng cao hơn nữa", TS.Kiêm nhấn mạnh.
Phân tích khía cạnh lợi nhuận của ngân hàng trong việc này, TS.Lê Đăng Doanh cùng chung nhận định, ngân hàng sẽ thu được nhiều lợi nhuận nếu người dân thanh toán qua thẻ. Ông Doanh cho rằng, ở nước ngoài chi phí đó là rất thấp, vì hầu hết người dân đều thanh toán qua thẻ. Do đó, chuyên gia này kiến nghị ngân hàng nên thu mức phí nhất định và số phí đó sẽ thấp. Bởi vì nếu thu phí cao sẽ rất vô lý và làm lợi nhiều quá cho ngân hàng.
Cần tính đến những đặc thù cụ thể TS.Lê Đăng Doanh băn khoăn: "Điều đặt ra ở nước ta hiện nay đã đủ điều kiện, tiền đề để làm những việc đó hay chưa? Chúng ta phải tạo điều kiện xây dựng tiền đề cho đầy đủ đã rồi hãy làm. Tôi nghĩ chúng ta nên đặt ra lộ trình, các bước cụ thể cho việc đó. Ví dụ có những vùng sâu vùng xa nơi tôi đi công tác, thầy cô giáo phải đi mấy ngày đường mới đến được điểm giao dịch của ngân hàng để gửi tiền, rút tiền. Vì thế cho nên thầy giáo cô giáo đành chịu, không thể gửi tiền tiết kiệm được, vì nếu nhỡ lúc ốm đau cần đến tiền họ phải đi mấy ngày đường rút tiền thì không thể được. Do đó, họ phải giữ tiền mặt. Ở nước ta hiện nay số lượng người dân có thẻ tín dụng chưa nhiều". |
Hà Khê - Vương Chân