Chưa đủ điều kiện để áp dụng
Thưa ông, sau khi bản dự thảo được công bố, nhiều người lo ngại hệ thống ngân hàng ở Việt Nam chưa đủ hiện đại và đồng bộ để người dân và các tổ chức giao dịch thuận lợi. Quan điểm của ông về vấn đề như thế nào?
Bản dự thảo này tôi đã từng nghe qua và cảm thấy nó còn nhiều điểm chưa hợp lý. Bởi vì, hiện nay, hệ thống ngân hàng của chúng ta còn nhiều điểm hạn chế chưa giải quyết được. Bên cạnh đó, hệ thống chuyển khoản qua thẻ ATM thời gian qua cũng gặp không ít sự phàn nàn của các khách hàng. Đây là điểm khó khăn đầu tiên.
Đối với việc mua nhà, xe ô tô, kinh doanh bất động sản thì có thể thực hiện giao dịch qua ngân hàng vì lượng tiền trao đổi lớn. Tuy nhiên, tôi được biết, trong dự thảo còn quy định các cá nhân mua xe máy, xe máy điện cũng phải chuyển khoản, giao dịch qua ngân hàng. Đây là điều chưa hợp lý. Bởi vì, hiện nay đâu phải ai cũng có thẻ ATM để có thể chuyển khoản, giao dịch. Bên cạnh đó, ở miền núi, vùng sâu vùng xa, lâu nay, họ mua một chiếc xe máy đều trả tiền trực tiếp với cửa hàng. Nếu dự thảo trên đi vào thực tế, người dân tộc lấy đâu ra thẻ ATM. Cứ cho là ra ngân hàng để chuyển tiền nhưng không phải ở bất cứ nơi đâu cũng có ngân hàng để giao dịch. Đó là những điểm bất hợp lý mà bất cứ ai cũng có thể nhìn ra được.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành.
Theo ông, những khó khăn khi bản dự thảo trên đi vào thực hiện là gì?
Đề xuất này không mới. Bởi trước đây, tôi được biết, bộ Xây dựng đã đề xuất hạn chế, tiến tới chấm dứt việc sử dụng tiền mặt khi giao dịch bất động sản. Bởi họ cho rằng, việc làm này sẽ giảm áp lực tiền mặt và hạn chế rủi ro cho các bên tham gia. Bên cạnh đó, việc không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản sẽ làm minh bạch thị trường. Với ngành bất động sản, khi giao dịch lượng tiền mặt lớn nên việc áp dụng giao dịch qua ngân hàng cũng có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, lần này, bản dự thảo bắt các cá nhân mua xe máy phải chuyển khoản, thanh toán qua ngân hàng là điều rất khó hiểu.
Vẫn biết, với việc ra dự thảo nghị định thanh toán bằng tiền mặt, Nhà nước sẽ kiểm soát tốt hơn thuế mua bán bất động sản, thuế ô tô... Tuy nhiên, đối với hàng triệu người mua xe máy mỗi năm thì việc phải đi ra ngân hàng, thủ tục rườm rà sẽ khiến cả người mua lẫn ngân hàng mất rất nhiều thời gian. Chúng ta cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa cái được và cái mất khi bản dự thảo trên được thông qua.
Với dự thảo trên, ngân hàng sẽ được ấn định lại mức phí dịch vụ tiền mặt. Liệu đây có phải là quy định làm lợi cho ngân hàng không, thưa ông?
Đúng như vậy. Đây là bản dự thảo tạo thêm dịch vụ cho ngân hàng. Những người làm quy định phải tính được rằng, việc làm đó có khả thi và mức thu phí dịch vụ như thế nào cho hợp lý. Việc buộc người dân mua nhà, xe phải qua ngân hàng thì nên có chính sách thu phí nhất định. Bên cạnh đó, VCCI cũng cần nói rõ hơn, việc ra dự thảo nghị định thanh toán bằng tiền mặt dựa trên cơ sở pháp luật nào và giải thích rõ với người dân. Theo tôi, trong vấn đề này, khi quy định một khoản chi phí nào đó cho người dân hoặc thu thuế phải thông qua Quốc hội.
Người dân sẽ gặp không ít khó khăn
Thưa chuyên gia, việc mua bán của các doanh nghiệp, người dân diễn ra hàng ngày hàng giờ, trong khi đó, thứ 7, chủ nhật, ngày lễ Tết các ngân hàng đóng cửa, không giao dịch. Như vậy, nếu dự thảo trên đi vào thực hiện phải chăng sẽ gây phiền hà cho người dân?
Khi quy định buộc người dân, tổ chức thanh toán qua ngân hàng đi vào thực hiện chắc chắn sẽ nảy sinh một số vấn đề rất khó giải quyết. Không chỉ là thứ 7, chủ nhật mà cả ngày lễ, Tết, các ngân hàng sẽ đóng cửa ngừng giao dịch. Đây chính là việc làm gây phiền hà cho người dân. Khi một người dân, một tổ chức cần phải thanh toán, mua bán gấp nhưng họ vẫn phải đợi đến lúc ngân hàng mở cửa mới có thể giao dịch được. Rõ ràng, đó là vấn đề bất hợp lý. Bên cạnh đó, nếu chuyển khoản qua thẻ ATM cũng gặp không ít rắc rối. Hiện nay, ai cũng biết, cứ đến cuối tháng hoặc Tết Nguyên đán, hàng loạt cây ATM trên cả nước lại xảy ra "điệp khúc" tắc nghẽn. Đến khi dự thảo trên đi vào thực hiện, số lượng người sử dụng thẻ ATM có thể tăng gấp 2 - 3 lần thì không hiểu nó sẽ nghẽn đến mức nào. Đây là vấn đề người đưa ra dự thảo trên phải nắm được và có phương án khắc phục, giải quyết. Bất cứ quy định nào cũng phải tôn trọng và tạo ra lợi ích cho người dân.
Với quy định trên, nhiều người hi vọng sẽ hạn chế, chống được nạn rửa tiền, tham nhũng và trốn thuế. Theo ông, đây có phải là "liều thuốc" chữa được những "căn bệnh" trên?
Chống tham nhũng, trốn thuế là một vấn đề yêu cầu sự chung tay của rất nhiều cơ quan chứ dự thảo này không thể giải quyết triệt để được. Bên cạnh đó, không chỉ vì việc hạn chế một vài người rửa tiền, tham nhũng mà có thể đưa ra quy định gây phiền hà cho người dân.
Xin cảm ơn ông
V.Chương - Q.Triều (thực hiện)