Ngay sau khi bộ Tài chính “điểm mặt” và kiến nghị thanh tra, tạm dừng 60 dự án chuyển đổi “đất vàng”, hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc không buộc người mua nhà phải chịu trách nhiệm tài chính (nếu có) cũng như vẫn cho phép các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai dự án.
Liên quan đến đề xuất của bộ Tài chính, nhiều khách hàng thuộc các dự án tỏ ra hoang mang, lo lắng. Trao đổi với PV, LS. Phạm Văn Phất - Trưởng văn phòng Luật sư An Phát Phạm đặt vấn đề, tại sao khi các dự án đang triển khai xây dựng, thậm chí có dự án đã giao nhà, khách hàng đã vào ở mới thanh tra? Thậm chí, nhiều dự án bị đề xuất tạm dừng đã chuyển nhượng cho nhiều đời, đến nay chủ cũ đã không còn liên quan đến việc đóng tiền sử dụng đất, chuyển đổi chức năng khu đất nữa.
“Nếu bị thanh tra, bị tạm dừng sẽ phát sinh nhiều rắc rối, có thể dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện giữa chủ khu đất cũ và chủ khu đất mới, khiếu nại giữa chủ đầu tư và khách hàng”, LS. Phất nói.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định, đang có một lỗ hổng quá lớn trong việc quản lý nguồn đất công giao cho các doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Điều này khiến các đơn vị vô tư phù phép đất công gây thất thoát nghiêm trọng. Việc thanh tra các dự án là vô cùng cần thiết. Với giá trị đất tại TP.HCM, mỗi dự án thất thoát cả trăm, nghìn tỷ đồng là điều dễ hiểu.
Cũng theo ông Đực, quy định Nhà nước giao đất cho doanh nghiệp là để quản lý sử dụng chứ không giao quyền sở hữu. Trong khi đó, doanh nghiệp tự ý bán hoặc cho thuê đất là trái nguyên tắc. Nhà nước phải tổ chức đấu giá khi doanh nghiệp Nhà nước phá sản, hoặc có nhu cầu di dời. Khi lỏng lẻo trong khâu quản lý đất công, hàng loạt doanh nghiệp bên ngoài sẵn sàng nhảy vào kiếm lợi hàng nghìn tỷ đồng.
“Theo tôi, việc bộ Tài chính kiến nghị thanh tra, dừng dự án là có cơ sở, không loại trừ những miếng đất vàng được doanh nghiệp bán với giá rẻ gây thất thoát. Thanh tra có quyền hồi tố các dự án đã thành hình và cần làm rõ mức giá bán như vậy có hợp lý không, ai đã duyệt bán”, ông Đực thẳng thắn chia sẻ.
Liên quan đến kiến nghị của bộ Tài chính, chủ đầu tư một dự án trên địa bàn Hà Nội cũng cho biết, thông tin thanh tra, tạm dừng các dự án bất động sản vừa qua đã làm cho cả thị trường náo loạn, đặc biệt là những người đã mua nhà lo lắng. Ngay bản thân công ty ông, mặc dù không có tên dự án nào trong danh sách nhưng cũng bị khách hàng “hỏi thăm”. Cũng theo chủ doanh nghiệp này, việc kiến nghị thanh tra, tạm dừng 60 dự án chuyển đổi “đất vàng” sẽ làm “đóng băng” thị trường bất động sản.
Lý giải về quan ngại này, ông Đực nói: “Chắc chắn kiến nghị của bộ Tài chính có tác động đến thị trường bất động sản, trước hết là 60 dự án được “chỉ mặt, đặt tên”. Sẽ có nhiều khách hàng lo lắng khi đã mua dự án này và những người mới sẽ e ngại. Không loại trừ thị trường bất động sản sẽ “đóng băng” bởi ai dám đảm bảo chỉ dừng lại ở 60 dự án này. Một năm vừa qua, thị trường bất động sản cũng chững và kiến nghị vừa qua của bộ Tài chính chính là “đòn chí tử” vào những dự án cao cấp, dự án “đất vàng””.
N.Giang