Chiều ngày 23/10, tại Yên Bái, đoàn Thanh tra của Thanh tra Chính phủ đã tiến hành công bố kết luận thanh tra về việc quản lý đất đai, cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép của UBND tỉnh Yên Bái với thửa đất tại tổ 42 và tổ 52 phường Minh Tân, TP.Yên Bái của gia đình bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái); việc chấp hành pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập liên quan khu đất nói trên.
Tại văn bản này, Thanh tra Chính phủ đã công bố 11 kết luận và 7 kiến nghị về những sai phạm của ông Phạm Sỹ Quý, bà Hoàng Thị Huệ cũng như những cá nhân, tập thể liên quan của Yên Bái.
Trong đó có nội dung liên quan đến việc kê khai tài sản của ông Phạm Sỹ Quý.
Trong kết luận nêu: Theo quy định luật Phòng chống tham nhũng hiện hành thì “Người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai tài sản, mọi biến động về tài sản thuộc sở hữu của mình và tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên”.
Tuy nhiên, qua thanh tra cho thấy, trong 3 năm liền 2014, 2015, 2016, ông Phạm Sỹ Quý đều vi phạm về việc kê khai tài sản, cụ thể là kê khai không trung thực.
Năm 2014, ông Quý kê khai thiếu 1.200m2 đất ở, hơn 59.000m2 đất nông nghiệp mà bà Huệ đứng tên, không kê khai khoản vay ngân hàng 3,8 tỷ đồng.
Năm 2015, ông Quý không kê khai hơn 13.000m2 đất ở, hơn 41.000m2 đất nông nghiệp do bà Huệ đứng tên, không kê khai 6,3 tỷ đồng vay ngân hàng và 1,9 tỷ đồng bố mẹ cho.
Năm 2016, kê khai thiếu gần 4.900m2 đất ở, hơn 27.000m2 đất nông nghiệp do bà Huệ đứng tên, không kê khai 9,1 tỷ đồng vay ngân hàng và 60 cây vàng nợ bạn bè.
Luật sư Lê Văn Thiệp (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc kê khai không trung thực trên của ông Quý đã vi phạm vào điều lệ Đảng và các quy định về kê khai tài sản cũng như tư cách lãnh đạo (vì ông này là Giám đốc Sở sẽ kiêm Bí thư Đảng ủy sở TN&MT Yên Bái).
Về mặt Đảng phải kỷ luật, mức kỷ luật tùy vào quyết định của cơ quan có thẩm quyền là ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban chấp hành Đảng bộ Yên Bái.
Ông Quý còn là cán bộ công chức, về mặt chính quyền sẽ phải chịu kỷ luật về hành vi thiếu trung thực trong kê khai tài sản.
Khoản 2, Điều 7, Nghị định 78/2013 về minh bạch tài sản, thu nhập thể hiện rõ, cán bộ, công chức từ Phó trưởng phòng của Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị phải có nghĩa vụ kê khai tài sản.
Điểm a, Điều 29 về Xử lý kỷ luật đối với người kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực thể hiện:
Người kê khai tài sản, thu nhập, người giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật như sau: Đối với cán bộ áp dụng một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.
“Theo cá nhân tôi thì việc xử lý cán bộ, công chức, Đảng viên phải được thực hiện nghiêm túc, đúng điều lệ Đảng và quy định của pháp luật, có như vậy mới có thể củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng cũng như tính nghiêm minh của pháp luật” – luật sư Thiệp nhấn mạnh.
Xuân Hòa