“Dao sắc không gọt được chuôi"
Ông Đặng Công Huẩn, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có thông báo kết luận thanh tra chuyên đề về công tác quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo tại bộ GD&ĐT, bộ Công Thương và một số UBND các tỉnh thành.
Tại bộ Công Thương, TTCP đánh giá Bộ này chưa tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đồng thời hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo cán bộ, phát triển nguồn nhân lực, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, thực hiện đúng, đầy đủ quy định pháp luật về công khai.
“Một số đơn vị trực thuộc bộ trong công tác cán bộ có trường hợp bổ nhiệm người không thuộc diện quy hoạch, bổ nhiệm người thiếu tiêu chuẩn chức danh, thực hiện công khai không đúng quy định”, thông báo của TTCP chỉ rõ.
Tại bộ GD&ĐT, TTCP chỉ rõ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều bất cập, cơ cấu không hợp lý, trình độ không đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Bộ chưa hoàn thành việc quy hoạch mạng lưới các trường cao đẳng, đại học, trong đó có mạng lưới trường sư phạm.
"Việc tham mưu cho Chính phủ và ban hành bổ sung chính sách về lương, chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp khác theo tính chất, kết quả, chất lượng công việc phù hợp với vùng miền; chế độ ưu đãi với giáo viên, giảng viên, nhà giáo làm công tác quản lý giáo dục còn chậm", báo cáo của TTCP nêu.
Kết luận thanh tra này cũng nêu rõ công tác xây dựng và rà soát, điều chỉnh tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật trong giáo dục đào tạo của Bộ quá chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Trong những khuyết điểm của Bộ này, phải kể đến việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục chưa bám sát thực tế phát triển kinh tế xã hội, phát triển dân số tự nhiên. Vì thế mạng lưới này tuy tăng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, còn thiếu, chưa đủ tiêu chuẩn.
Vấn đề biên chế sự nghiệp lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại địa phương cũng là điểm tồn tại của ngành. Bộ giao chỉ tiêu biên chế chưa đúng và đủ theo quy định về định mức số lượng người làm việc đối với từng cấp học; chưa thực hiện đầy đủ, thường xuyên công tác thanh, kiểm tra việc giao biên chế sự nghiệp giáo dục để kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu địa phương thực hiện đúng. Về thực hiện chế độ chính sách với nhà giáo, Thanh tra Chính phủ cho rằng bộ GD&ĐT đã chậm trễ, thiếu sót.
Sau 5 năm thực hiện luật Viên chức, Nghị định 29 về tuyển dụng và quản lý viên chức, Bộ vẫn chưa ban hành văn bản về điều kiện, tiêu chuẩn, nội dung, hình thức thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và quy chế xét thăng hạng cho viên chức ngành giáo dục. Việc không tổ chức thi, xét thăng hạng trong thời gian dài gây tâm lý không yên tâm công tác trong bộ phận không nhỏ thầy, cô.
Một chuyên gia về giáo dục nhận định, việc TTCP chỉ ra các điểm tồn tại về quản lý Nhà nước ngành giáo dục tại 2 Bộ, đặc biệt là tại bộ GD&ĐT sẽ giúp cho các Bộ này có những điều chỉnh, chỉnh sửa cho phù hợp với quy định hiện hành.
"Các cụ có câu “dao sắc không gọt được chuôi”, bộ GD&ĐT là nơi chuyên lo về giáo dục, đào tạo mà vẫn có những thiếu sót khuyết điểm như vậy thì cũng cần phải nhìn nhận lại. Và hơn ai hết, người đứng đầu ngành cũng phải tự vấn, phải có kế hoạch chấn chỉnh không nên để cái tồn tại đã được người khác “chỉ” ra rõ ràng như vậy”, vị chuyên gia này chia sẻ thêm.
Đề nghị kỷ luật nhiều lãnh đạo
Cũng trong thông báo kết luận thanh tra này, TTCP cũng chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót và khuyết điểm trong công tác quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo tại 9 tỉnh, thành. Một số địa phương có thế mạnh trong công tác đào tạo giáo dục như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM cũng bị chỉ ra nhiều “điểm xấu” trong quản lý Nhà nước về giáo dục.
Trong 9 địa phương bị Thanh tra “bêu tên”, có nhiều vi phạm thiếu sót bị chỉ ra cụ thể. Đơn cử về đội ngũ nhà giáo, các địa phương giao chỉ tiêu biên chế hàng năm không đúng định mức quy định của bộ GD&ĐT và bộ Nội vụ tại Thông tư số 35 của liên bộ. Bổ nhiệm thừa chức danh cấp phó, bổ nhiệm người không thuộc diện quy hoạch, bổ nhiệm người thiếu tiêu chuẩn chức danh. Phòng GD&ĐT, phòng Nội vụ cấp huyện không thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ theo phân cấp trong công tác cán bộ. Tỷ lệ học sinh trên lớp, giáo viên trên lớp còn nhiều điểm bất cập giữa các đơn vị trường học. Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở các trường học chưa được giải quyết kịp thời.
Tại tỉnh Thanh Hóa, TTCP xác định, tỉnh này trong thời gian dài từ trước năm 2011 đến 2015 để các đơn vị cấp huyện bổ nhiệm thừa số lượng lớn cán bộ quản lý trường học; hợp đồng với giáo viên thừa so với chỉ tiêu được giao, nhiều đơn vị thừa nhưng vẫn ký hợp đồng với 1 số giáo viên khác. TTCP đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân khi chưa có biện pháp chấn chỉnh kịp thời trong việc tuyển dụng, sử dụng viên chức, bổ nhiệm cán bộ quản lý, hợp đồng lao động cấp huyện.
Đồng thời phải có phương án cụ thể giải quyết số hợp đồng lao động dôi dư tại các đơn vị cấp huyện; tránh trường hợp trong thời gian ngắn, chấm dứt số lượng lớn hợp đồng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của giáo viên, tạo dư luận không tốt trong xã hội. Dừng việc điều động giáo viên bậc THCS và tiểu học xuống dạy mầm non, giáo viên THCS xuống dạy tiểu học khi chưa được đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. TTCP còn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương, Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa, Hiệu trưởng trường ĐH Hồng Đức, Hiệu trưởng trường đại học Văn hóa - Thể thao và Du lịch trong việc bổ nhiệm cán bộ chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn.
Một địa phương khác cũng được nhắc tới là TP.Đà Nẵng. Lãnh đạo TP này bị TTCP yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm đối với Giám đốc sở Nội vụ nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2016-2021 do không tham mưu UBND TP ban hành kế hoạch tổ chức tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập, để trong thời gian dài các quận, huyện không tuyển dụng được viên chức và giáo viên hệ mầm non.
Kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với Giám đốc sở GD&ĐT, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang trong việc bổ nhiệm cán bộ quản lý chưa đúng quy định. Đồng thời, chấn chỉnh công tác biệt phái viên chức đối với UBND các quận, huyện. Điều chuyển viên chức hết thời gian biệt phái về đơn vị cũ công tác nhằm đảm bảo các chế độ đối với viên chức.
Đánh giá về việc này, một chuyên gia giáo dục cho rằng, ngành giáo dục ở các địa phương lúc kêu thiếu, lúc kêu thừa cán bộ, nhất là trong việc tạo việc làm và ổn định việc làm đối với đời sống giáo viên mầm non. Nhưng một số cán bộ địa phương lại lợi dụng để trục lợi hoặc gây khó khăn cho những giáo viên đứng lớp.
“Có nhiều trường hợp khi bổ nhiệm chức danh lãnh đạo ngành giáo dục ở địa phương còn “nợ” nhiều tiêu chuẩn so với vị trí được bổ nhiệm. Có trường hợp sau đó bổ sung được, nhưng cũng có trường hợp không “trả được nợ” khiến dư luận bức xúc. Đây là một thực tế còn tồn tại và cần sớm khắc phục”, vị này chia sẻ quan điểm.