Nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai
Theo Kết luận thanh tra, dự án khu nhà ở phường Nông Trang theo quy định phải được đấu giá hoặc đấu thầu xây dựng công trình nhưng UBND tỉnh Phú Thọ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để không đấu giá.
Vì vậy, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ thực hiện điều chỉnh và hoàn thiện lại trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư theo quy định.
Đối với dự án khu nhà ở và dịch vụ thương mại đồng Trằm Đá, TP.Việt Trì, TTCP chỉ rõ việc UBND tỉnh Phú Thọ giao đất cho các chủ đầu tư không qua hình thức đấu giá là vi phạm.
Dự án khu nhà ở và dịch vụ thương mại đồng Trằm Đá, TP Việt Trì phê duyệt theo phương thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở, hạ tầng nhưng UBND tỉnh Phú Thọ giao cho các chủ đầu tư không qua hình thức đấu giá.
TTCP cho rằng, do không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và dự án đã hoàn thành toàn bộ phần hạ tầng kỹ thuật và đã bán chuyển nhượng căn hộ cho khách hàng. Do đó, không thể tổ chức đấu giá lại quyền sử dụng đất.
Kết luận thanh tra nêu rõ, để đảm bảo ổn định cho người dân mua căn hộ ở lâu dài, tránh phát sinh khiếu kiện phức tạp, đông người cần rà soát lại nghĩa vụ tài chính đất đai, xác định lại tiền sử dụng đất phải nộp theo quy định và thu đúng, thu đủ về ngân sách nhà nước. Tổ chức kiểm điểm nghiêm túc Sở Kế hoạch và Đàu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với sai phạm trên.
Theo kết luận TTCP chỉ rõ, trong số 6 dự án có 4 dự án tiến độ thực hiện chậm so với quy định gồm Dự án Khu nhà ở phường Nông Trang; Dự án Khu nhà ở và dịch vụ thương mại đồng Trằm Đá; Dự án Khu nhà ở đô thị và trung tâm thương mại dịch vụ Hưng Hóa; Dự án Khu nhà ở đô thị Tân Dân.
Chủ đầu tư một số dự án còn nợ tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, vi phạm Luật Đất đai năm 2013 gồm: Dự án Khu nhà ở phường Nông Trang nợ gần 4,7 tỷ đồng. Dự án khu nhà ở Hữu Nghị nợ hơn 2,4 tỷ đồng.
Ngoài ra Sở Tài chính UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt giá đất thu tiền sử dụng đất và phương án tài chính đã đưa khoản thuế VAT vào tổng chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng để giảm trừ tiền sử dụng đất là không phù hợp với quy định gây thất thoát ngân sách Nhà nước như Dự án Khu nhà ở phường Nông Trang và Dự án Khu nhà ở và dịch vụ thương mại đồng Trằm Đá….
Đối với chủ đầu tư Dự án Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp Mường Thanh Phú Thọ, Thanh tra Chính phủ xác định, chủ đầu tư khởi công xây dựng công trình trước khi cấp Giấy phép xây dựng, trước khi được bàn giao đất trên thực địa.
Đáng chú ý, chủ đầu tư đã bán 100/223 căn hộ cao cấp cho khách hàng từ hình thức cho thuê sang căn hộ ở để bán, vi phạm các điều 6, 12, 57 và 175 của luật Đất đai 2013.
TTCP chỉ rõ những sai phạm nêu trên thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh Phú Thọ, các sở, ngành, đơn vị: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Cục thuế, UBND TP Việt Trì và chủ đầu tư dự án.
Đối với Dự án Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp Mường Thanh Phú Thọ, TTCP cho biết, đang kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Phú Thọ xin ý kiến thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng.
Cụ thể, trên cơ sở này, kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng, chuyển mục đích sử dụng diện tích 1.426 m2 (phần diện tích sàn căn hộ từ tầng 14 đến tầng 27) từ hình thức căn hộ cao cấp cho thuê sang hình thức căn hộ ở cao cấp lâu dài, để đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà và tránh phát sinh khiếu kiện sau này; xác định lại tiền sử dụng đất phải nộp theo quy định và thu đúng, thu đủ về ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, đối với khoản chi phí dự phòng của Dự án Khu nhà ở đô thị và trung tâm thương mại dịch vụ Hưng Hóa hơn 7,143 tỷ đồng và Dự án Khu nhà ở đô thị Tân Dân hơn 3.500 tỷ đồng, xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính để xử lý theo quy định của pháp luật...
Sai phạm trong khai thác khoáng sản
Cơ quan thanh tra cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý, khai tác tài nguyên khoáng sản tại Phú Thọ.
Trong giai đoạn 2006-2017, sản lượng khoáng sản kê khai nộp phí bảo vệ môi trường trên 21,5 triệu (tấn và m3), trong đó giai đoạn 2009-2015 có số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng quặng khoáng sản nguyên khai để tính phí bảo vệ môi trường, nhưng UBND tỉnh Phú Thọ không thực hiện, các sở ngành chức năng cũng không tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện, dẫn đến thất thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, công tác lập, thẩm định, phê duyệt thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020 được Sở Công Thương thẩm định, trình UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt nhưng nội dung quy hoạch lại không xác định khu vực điểm mỏ và loại khoáng sản cần thăm dò. Cơ quan thanh tra cũng chỉ rõ công tác lập, phê duyệt quy hoạch, khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền, UBND tỉnh Phú Thọ chưa ban hành quyết định phê duyệt, vi phạm Luật Khoáng sản.
Quá trình thanh tra, TTCP phát hiện UBND tỉnh Phú Thọ đã thu hồi đất cho hoạt động khoáng sản vượt 333,34 ha so với quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt, vào các loại đất khác, vi phạm Luật Đất đai.
Qua kiểm tra 34 giấy chứng nhận đầu tư, TTCP cho biết có 20 giấy chứng nhận đầu tư, tại mục ưu đãi đầu tư ghi "dự án được hưởng các ưu đãi theo các quy định pháp luật hiện hành" nhưng không ghi đầy đủ thông tin về ưu đãi theo hướng dẫn của Chính phủ và quyết định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tỉnh Phú Thọ cũng gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản sai quy định. Cụ thể, năm 2012, địa phương này gia hạn 2 giấy phép khai thác khoáng sản trước khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ cho Công ty TNHH Khoáng sản Thành Phương khai thác, chế biến cao lanh tại dốc Mận, xã Dị Nậu, huyện Tam Nông; Công ty TNHH Khoáng sản và xây dựng HAT khai thác Sepentin tại xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn.
Đáng chú ý, đoàn thanh tra còn phát hiện 24 giấy phép khai thác khoáng sản cấp phép chưa đầy đủ thủ tục, nội dung và hình thức theo mẫu quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc khai thác khoáng sản của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không đáp ứng quy định về đánh giá hàm lượng, trữ lượng...
Theo TTCP, tính đến hết năm 2017, tổng số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của 159 dự án phải nộp trên 33,7 tỷ đồng nhưng vẫn còn nợ đọng trên 12,7 tỷ đồng của 52 đơn vị, vi phạm quy định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng.
Qua thanh tra công tác quản lý trong hoạt động khoáng sản, TTCP phát hiện nhiều sai phạm, trong đó sai phạm về tài chính trong hoạt động khoáng sản được chỉ rõ với tổng số tiền hơn 24,1 tỷ đồng.
Để xảy ra những sai phạm nêu trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Phú Thọ UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân thuộc UBND tỉnh. Các sở: Kế hoạch và Ðầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông Vận tải; Cục Thuế; Ban Quản lý các khu công nghiệp; UBND TP Việt Trì; UBND thị xã Phú Thọ; UBND huyện Thanh Sơn; UBND huyện Tân Sơn qua các thời kỳ.
"Căn cứ vào kết quả kiểm điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ có biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với các tập thể, cá nhân thực hiện không đúng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên khoáng sản" thông báo kết luận nêu rõ.
Hoàng Mai