Vi phạm hình sự chủ yếu được Thanh tra Chính phủ phát hiện
Tại hội thảo “Dự thảo Báo cáo kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm phòng chống tham nhũng trong mua sắm, đấu thầu y tế công ở Việt Nam” do Viện Chiến lược & Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) tổ chức ngày 22/12, đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác thanh tra đấu thầu y tế.
Theo báo cáo, thời gian qua, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chú trọng vào việc đưa nội dung thanh tra về lĩnh vực y tế vào định hướng chương trình kế hoạch thanh tra và chỉ đạo thanh tra thực hiện. Trong đó, thanh tra chuyên đề diện rộng về mua sắm TBYT, vật tư y tế và đấu thầu thuốc chữa bệnh; thanh tra chuyên đề về mua sắm TBYT, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Qua đó, thanh tra Bộ Y tế, thanh tra các tỉnh, thành phố cũng đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra. Tuy nhiên, kết quả thanh tra của nhiều cơ quan về cùng một nội dung chưa đồng đều, các biện pháp nghiệp vụ chưa được áp dụng thống nhất, đầy đủ.
Đáng lưu ý, các vụ việc có dấu hiệu tội phạm được kiến nghị chuyển sang cơ quan điều tra chủ yếu do TTCP thực hiện. Thanh tra Chính phủ là cơ quan chủ trì thanh tra chuyên đề, thanh tra chuyên đề diện rộng nhưng việc lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan thanh tra của bộ, ngành, địa phương gặp nhiều khó khăn về thẩm quyền, phương thức thực hiện.
Mặc dù Thanh tra Chính phủ đã nỗ lực trong việc xây dựng đề cương hướng dẫn về nghiệp vụ; tổ chức tập huấn cho các đoàn thanh tra nhưng sự lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan thanh tra cấp trên với cơ quan thanh tra cấp dưới chưa được chấp hành đầy đủ, nghiêm túc.
Chưa xác định được cụ thể giá trị tài sản thất thoát
Báo cáo cũng chỉ ra, kết quả thanh tra về mua sắm TBYT, VTYT và đấu thầu thuốc chữa bệnh thời gian qua chủ yếu phát hiện vi phạm về trình tự, thủ tục về mua sắm, đấu thầu mà chưa xác định được cụ thể về giá trị tài sản bị thất thoát, thiệt hại đến ngân sách nhà nước.
Các cơ quan thanh tra đã chỉ ra những điểm bất thường trong mua sắm, đấu thầu TBYT, như xây dựng giá kế hoạch chủ yếu dựa trên 3 báo giá của nhà cung cấp; giá trúng thầu sát hoặc bằng với giá kế hoạch; kết quả đấu thầu giá trúng thầu cao gấp nhiều lần giá nhập khẩu...nhưng chưa chứng minh được mối quan hệ giữa hành vi vi phạm về trình tự, thủ tục với kết đấu thầu.
Đồng thời, thời chưa xác định được giá trị tài sản bị thất thoát, lãng phí; một số vụ việc kiến nghị chuyển cơ quan điều tra là chuyển “thông tin” bất thường được xác định qua thanh tra mà chưa có nhiều vụ việc chuyển hồ sơ và kiến nghị khởi vụ án hình sự với tội danh cụ thể và hậu quả của hành vi vi phạm được xác định theo định của Bộ luật hình sự.
Chưa phát hiện từ sớm, từ xa nhằm phát hiện, loại bỏ điều kiện, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực về mua sắm, đấu thầu y tế công.
Thực tế cho thấy, các cuộc thanh tra về mua sắm, đấu thầu trong lĩnh vực y tế thời gian qua chủ yếu là hậu kiểm, được thực hiện theo chỉ đạo từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống TNTC, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Hầu hết các vụ thực hiện sau khi hành vi tham nhũng đã xảy ra, dư luận và báo chí lên tiếng, cơ quan điều tra đã vào cuộc. Vì vậy, chưa phát huy được vai trò phòng ngừa sai phạm từ sớm, từ xa.
Khó khăn do đặc thù riêng
Về nguyên nhân dẫn đến kết quả thanh tra chưa được hiệu quả, bởi công tác thanh tra trong lĩnh vực đấu thầu y tế cũng có những khó khăn, đặc thù riêng.
Cụ thể, về nội dung thanh tra về vấn đề chuyên môn, kỹ thuật cao, đa số TTBYT trong nước không sản xuất, là hàng hóa đặc thù, phải nhập khẩu; có những TBYT, VTYT không có sản phẩm tương tự trên thị trường để so sánh giá.
Trong khi đó, đấu thầu thuốc chữa bệnh cũng thực hiện cơ bản theo Luật đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành; danh mục mặt hàng thuốc thực chế đấu thầu đặc thù, cụ thể là đấu thầu tập trung tại 1 địa phương hàng năm rất lớn, nên việc rà soát, đối chiếu rất khó khăn.
Bệnh cạnh đó, thời kỳ thanh tra dài, nội dung rộng, các đoàn thanh tra của thanh tra các địa phương thiếu cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm về lĩnh vực y tế nên gặp khó khăn khi tiếp cận với nội dung thanh tra.
Cùng với đó, tính độc lập của cơ quan thanh tra và người đứng đầu cơ thanh tra nhà nước trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước còn hạn chế, chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, còn phụ thuộc quá nhiều vào cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp về tổ chức, nhân sự, kinh phí, chương trình, kế hoạch thanh tra...