“Lực lượng thanh tra phải tinh gọn; hoạt động hiệu lực, hiệu quả”
ĐBQH Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang), Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, hoạt động thanh tra thường xuyên đang bị trùng với hoạt động giám sát thường xuyên, khi đã là thanh tra thì phải có vấn đề gì đó nổi lên, thì đoàn thanh tra mới tiến hành việc thanh tra. Chứ không phải lúc nào thanh tra, kiểm tra khi chưa biết có nội dung vi phạm hay không, thì ngược lại vấn đề này lại gây khó khăn cho các đối tượng quản lý hoặc là vấn đề tổ chức bộ máy.
“Xây dựng lực lượng thanh tra phải tinh gọn; hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, đây là nội dung được ông Lâm nhấn mạnh.
Ông cho biết, duy trì bộ máy thanh tra ở cả các huyện, cấp tỉnh, cấp Trung ương; thanh tra hành chính, rồi thanh tra chuyên ngành, dẫn đến công tác này bị chồng chéo và hiệu lực, hiệu quả của từng cấp ở mức độ khác nhau. Ở cấp huyện hiện nay vấn đề, đội ngũ thanh tra rất mỏng, trong khi lĩnh vực quản lý Nhà nước thì lại bao chùm.
Trước ý kiến cho rằng nên tập trung lực lượng thanh tra vào một đầu mối ở cấp tỉnh. Đại biểu Lâm bày tỏ quan điểm: "Tập trung vào một đầu mối không có nghĩa là chúng ta bỏ, nới lỏng thanh tra ở địa phương cấp huyện, cấp xã mà vấn đề chúng ta tập trung lực lượng vào một đầu mối để tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn tổ chức các hoạt động thanh tra chuyên đề chuyên sâu. Khắc phục vấn đề như là nể nang, né tránh".
Ngoài ra, ông Lâm cũng bày tỏ thêm một số nội dung của Luật Thanh tra (sửa đổi) được trình trong kỳ họp này:
Những vấn đề được nêu ra để sửa đổi Luật Thanh tra lần này đã được tổng kết, đánh giá, rà soát một cách kỹ lưỡng trong quá trình chuẩn bị vừa qua, những vấn đề chốt lại để đưa ra Quốc hội xem xét, nêu ra thảo luận tại phiên họp đầu tiên này cũng chính là những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn và đòi hỏi các cơ quan quản lý của các lĩnh vực xã hội có liên quan, cũng như của chính ngành thanh tra cần phải xem xét, điều chỉnh cho phù hợp để Luật Thanh tra tạo điều kiện nâng cao chất lượng hiệu quả của công cụ quản lý Nhà nước quan trọng này, đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương.
“Mỗi nội dung cần sửa đổi đều xuất phát từ thực tiễn của từng địa phương hoặc là những vấn đề sẽ nâng cao chất lượng hiệu quả của ngành Thanh tra. Ý kiến của doanh nghiệp, người dân đang cho rằng những vấn đề tổ chức Thanh tra, kiểm tra đang trùng lặp và gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp, người dân”, đại biểu Lâm cho biết.
Như vậy, chuyên gia bày tỏ đây có thể là những thực tế mà sửa luật lần này, chúng ta phải hướng tới làm sao để vừa nâng cao hiệu quả công tác Thanh tra, công tác kiểm toán cũng như công tác kiểm tra, giám sát nói chung nhưng mà lại phải làm sao tạo thuận lợi, hỗ trợ cho người dân cũng như doanh nghiệp thuận lợi trong các hoạt động, giảm thiểu các chi phí có liên quan cho doanh nghiệp, người dân phải gánh chịu.
“Tán thành với quy định giữ nguyên cơ quan thanh tra cấp huyện”
Có quan điểm riêng, trao đổi với Người Đưa tin, theo ĐBQH Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình), bà Ngọc tán thành với quy định giữ nguyên cơ quan thanh tra cấp huyện như Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Theo bà Ngọc, thanh tra huyện là cơ quan của UBND cấp huyện, thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Do vậy, việc duy trì cơ quan thanh tra cấp huyện là để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó đại biểu Ngọc cho rằng: Nếu để Thanh tra tỉnh nối dài xuống cấp huyện, cấp xã thì việc triển khai thanh tra sẽ không kịp thời, chưa đủ nguồn lực để giải quyết tất cả các nội dung vướng mắc ngay từ cấp huyện và cấp xã.
“Thực tế, hiện nay lượng đơn thư khiếu nại tố cáo rất nhiều. Chúng ta cũng đang thực hiện các mục tiêu về phòng, chống tham nhũng tiêu cực, thực hành tiết kiệm chống lãng phí nên việc cần có cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên ngành ở cấp huyện, đảm bảo chất lượng hiệu quả và duy trì hoạt động thường xuyên”, đại biểu Ngọc phân tích.
Đại biểu đoàn Hòa Bình cũng cho rằng: "Trong thời gian qua, chúng ta đang thực hiện thanh tra đột xuất, thanh tra theo kế hoạch và thanh tra thường xuyên. Thanh tra thường xuyên, có những lúc có cảm giác giống như kiểm tra. Do vậy để 3 hình thức là không phù hợp. Chính vì lý do đó, nên để 2 hình thức thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất, sẽ tránh việc chồng chéo, giảm nội dung thanh tra. Ngoài nội dung thanh tra, cơ sở hiện nay cũng phải chịu sự giám sát của các đoàn giám sát, đoàn kiểm tra. Chúng ta thực hiện quá nhiều hình thức sẽ tạo áp lực cho cơ sở, tạo sự thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện".
Dưới góc nhìn là một Luật Sư, trao đổi thêm với Người Đưa tin, bà Lê Thị Xuân- Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ chuyên nghiệp ALBE cho rằng, sự cần thiết phải sửa Luật Thanh tra (2010). Bởi, thực tế xã hội, có nhiều loại hình kinh doanh mới hình thành và phát triển, cùng với đó là xu hướng chuyển mình, hội nhập với nền kinh tế với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Rõ ràng công tác thanh tra sẽ giúp cho việc chấp hành pháp luật được củng cố, tạo hành lang pháp lý cho các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình. Hay chúng ta có thể hiểu trong các mặt của đời sống xã hội thì pháp luật đóng vai trò quan trọng (Thượng tôn pháp luật), pháp luật trở thành công cụ tối ưu và hiệu quả để Quản lý Nhà nước.
Hơn nữa, bà Xuân cho rằng, việc Luật Thanh tra (sửa đổi) giúp cho cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan chủ động từ sớm, từ xa, nhanh chóng phát hiện và đưa ra các biện pháp để ngăn chặn những sai phạm. Từ đó, có thể giảm thiểu, tránh để sai phạm xảy ra tác động tiêu cực đối với nên kinh tế, ảnh hưởng đến chính trị, văn hóa, xã hội; đặc biệt hình ảnh, vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế.
"Như vây, việc sửa đổi Luật Thanh tra (2010) đóng vai trò như một “đòn bẩy” đối với quá trình xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền XHCN. Luật Thanh tra (sửa đổi) tạo ra hành lang pháp lý hiệu quả, giúp tháo gỡ được những vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế- xã hội, đóng góp hiệu quả để phát huy nội lực đưa đất nước chuyển mình, hội nhập với các quốc gia trong khu vực và sánh vai với các cường quốc trên thế giới", nữ Luật sư bày tỏ quan điểm.
Theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành có 03 hình thức thanh tra là: Thanh tra theo kế hoạch; Thanh tra thường xuyên; Thanh tra đột xuất. Tại Dự thảo lần này đã bỏ hình thức thanh tra thường xuyên. Luật sư Xuân nêu quan điểm: Có thể khẳng định cả 3 hình thức thanh tra trên đều có ý nghĩa đối với hoạt động quản lý Nhà nước trong việc bảo đảm trật tự, kỷ cương, duy trì tính nghiêm minh của pháp Luật, đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Nếu bỏ hình thức thứ 02 (Thanh tra thường xuyên) thì hai hình thức còn lại sẽ cần được các cơ quan chức năng có thẩm quyền nghiên cứu, hoàn thiện đầy đủ để hai hình thức này phát huy hiệu lực, hiệu quả trong công tác thanh tra.
"Chúng ta đặt chất lượng lên trên số lượng, lấy chỉ số hài lòng, tin cậy của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp là thước đo cho mọi hoạt động, mỗi Luật, bộ Luật đưa ra đều hướng tới quyền và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, tập thể, tổ chức. Theo ý kiến của tôi, cần linh hoạt và đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất của 2 hình thức (thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất) để hoạt động thanh tra không cản trở sự phát triển của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp mà ở đây hoạt động này là sự định hướng, phát hiện từ sớm, từ xa, từ khi hạn chế hay sai phạm chưa tới mức phải xem xét và dẫn đến những điều để lại hậu quả về sau", bà Xuân cho hay.