Tại phiên thảo luận tại Hội trường chiều 23/5 về luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các đại biểu đã có ý kiến đóng góp cụ thể cho dự án luật này.
ĐBQH Trần Thị Hiền, đoàn ĐBQH Hà Nam phát biểu: “Tôi đã gửi ý kiến về việc phải luật hóa quy định thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp. Nghiên cứu báo cáo tiếp thu giải trình luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trình kỳ này, tôi hoàn toàn không thấy từ ngữ nào phân tích, giải trình lý do tại sao không thể luật hóa vấn đề này trong khi đây thực sự là một nội dung chính sách vô cùng quan trọng về tổ chức, kiến tạo môi trường phát triển lành mạnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tôi xin phép không phân tích thêm về sự cần thiết của việc luật hóa nội dung này. Ngày 17/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp. Ngay trong ngày, Thủ tướng đã ký Chỉ thị số 20 chấn chỉnh hoạt động thanh, kiểm tra để phần nào giải tỏa bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp.
Từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35, sự chồng chéo của các hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn như vòng “kim cô” kiềm tỏa sự phát triển lành mạnh của doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm méo mó quan hệ của doanh nghiệp với cơ quan chức năng. Vì vậy, việc đưa điều này vào luật và thông qua luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ hội để QH thể hiện sự đồng hành với Chính phủ bằng việc luật hóa việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
Cần thấy rằng, việc hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm cả hành động và không hành động. Trong khi nhiều hành động được đề xuất trong dự thảo luật còn đợi cụ thể hóa, biểu hiện trong thực tế còn đợi. Việc luật hóa một chính sách không cần hành động, giảm sự can thiệp cơ quan quản lý Nhà nước vào các hoạt động bình thường của doanh nghiệp có thể mang lại hiệu quả ngay.
Một lần nữa, tôi xin tiếp tục khẳng định quan điểm của tôi là phải coi đây là một chính sách bảo vệ doanh nghiệp và phải được quy định ngay trong văn bản này”.
Phát biểu tại Hội trường, ĐB Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) bày tỏ quan điểm: “Đối với Điều 26 của Dự thảo luật về trách nhiệm của Hiệp hội ngành nghề, đề nghị giữ nguyên nội dung như nội dung Điều 29 về trách nhiệm của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam và các tổ chức hiệp hội ngành nghề vì lý do sau.
Hiện nay, ở Việt Nam có 2 loại hiệp hội DN là hiệp hội ngành nghề như hiệp hội dệt may, hiệp hội da giày, hiệp hội ngân hàng, hiệp hội cà phê... và hiệp hội đa ngành như phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiệp hội DNNVV Việt Nam... Nếu quy định như Điều 26 của dự thảo luật hiện nay sẽ làm mất vai trò của hiệp hội đa ngành.
Khi một hiệp hội có cả doanh nghiệp lớn và DNNVV cùng làm thành viên thì DN lớn sẽ lấn át DN NVV trong việc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước. Đó là thực tế ở VN bởi nhiều năm qua các DNNVV gần như không tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Vì thế quan điểm đối với một số hoạt động cụ thể, phải lựa chọn những hiệp hội chuyên biệt và DNnVV thay thế cho quan điểm đồng đều, cào bằng, chung chung.
Để bảo đảm DNNVV tiếp cận bình đẳng với nguồn lực hỗ trợ, không nên đặt vấn đề tổ chức này với nhiều quyền hơn các tổ chức khác.
Hơn 10 năm qua, hoạt động của hiệp hội DNNVV đã xây dựng được mạng lưới gồm 55 hiệp hội địa phương các tỉnh, các chính sách hỗ trợ DNNVV nếu được triển khai xuống các cơ sở thông qua hiệp hội sẽ được kịp thời, hiệp quả.
Việc quy định trách nhiệm của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiệp hội DNNVV Việt Nam và các hiệp hội ngành nghề trong điều luật chỉ làm tốt hơn đối với các hoạt động hỗ trợ DNNVV Việt Nam, đồng thời sẽ làm rõ trách nhiệm chính và cụ thể cho 2 tổ chức nêu trên mà không làm ảnh hưởng đến vai trò của các hiệp hội khác”.
Đỗ Thơm