Thanh tra vào cuộc vụ chặt cây, tu sửa di tích Quốc gia

Thanh tra vào cuộc vụ chặt cây, tu sửa di tích Quốc gia

Đinh Lạc Thành

Đinh Lạc Thành

Thứ 6, 25/03/2022 18:30

Thanh tra Sở VH,TT Hà Nội đang phối hợp cùng Ban quản lý Di tích – Danh thắng Hà Nội, Phòng Văn hoá, Thể thao quận Bắc Từ Liêm kiểm tra việc tu sửa đình Chèm cổ.

Mới đây, thông tin một cây cổ thụ ở đình Chèm (phường Thuỵ Phương, quận Bắc Từ Liêm) bị chặt và một số hạng mục đang được tu sửa gây xôn xao dư luận.

Vì đây là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nên ngay sau khi hình ảnh được đăng tải, hàng trăm người đã vào bình luận và tiếc nuối khi cho rằng ngôi đình lâu năm dù được tu sửa nhưng cũng rất khó được phục hồi nguyên trạng. Thậm chí, nhiều người bức xúc hơn cho rằng ngôi đình đang bị "phá hoại".

Văn hoá - Thanh tra vào cuộc vụ chặt cây, tu sửa di tích Quốc gia

Cây đa nhiều năm tuổi bị chặt hạ.

Trước những ý kiến trái chiều của dư luận, chiều 25/3, Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội đã tiến hành thanh tra và khẳng định không cấp phép tu bổ đình.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở VH,TT Hà Nội) cho biết: "Chúng tôi đang kiểm tra việc tháo dỡ nền đá, bậc thềm, chặt hạ cây đa nhiều năm tuổi phía trước đình Chèm (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khiến nhiều người tỏ ra tiếc nuối, đơn vị đã giao Ban quản lý Di tích – Danh thắng Hà Nội phối hợp cùng Phòng Văn hoá, Thể thao quận Bắc Từ Liêm kiểm tra.

Chúng tôi không cấp phép tu bổ đình Chèm. Trong chiều nay, sau khi đoàn thanh tra tới làm việc có kết quả, chúng tôi sẽ có thông tin chính thức về vụ việc. Thanh tra Sở VH,TT cũng làm cùng với các đơn vị liên quan để báo cáo cấp trên".

Theo đó, đại diện Cục Di sản Văn hóa cho biết đã có văn bản yêu cầu Sở VH,TT Hà Nội báo cáo ngay trong ngày 25/3.

Văn hoá - Thanh tra vào cuộc vụ chặt cây, tu sửa di tích Quốc gia (Hình 2).

Sở VH,TT Hà Nội khẳng định, không cấp phép tu bổ đình Chèm.

Theo giới thiệu trên website của Sở VH,TT Hà Nội, đình Chèm là một ngôi đình uy nghi, cổ kính, có niên đại hàng ngàn năm lịch sử, được coi là một trong số ít những ngôi đình cổ nhất Việt Nam, nơi thờ đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng - nhà ngoại giao đầu tiên của dân tộc và là người có công dẹp giặc ngoại xâm cứu nước.

Đình được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, tiền nhị hậu công với đa dạng các hạng mục công trình, tạo nên một quy mô bề thế.

Ngoài nét cổ kính, đình Chèm còn đặc biệt được yêu thích bởi nằm trong vùng văn hóa cổ của Hà Nội, đã đi vào thơ, họa. Nổi tiếng nhất là tác phẩm sơn mài Hội đình Chèm của họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương Nguyễn Văn Tỵ, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Văn hoá - Thanh tra vào cuộc vụ chặt cây, tu sửa di tích Quốc gia (Hình 3).

Tác phẩm sơn mài Hội đình Chèm của danh họa Nguyễn Văn Tỵ trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Đình làng Chèm nằm cạnh sông Hồng nên thường xuyên bị lũ lụt đe dọa. Vào năm 1902, đình được "kiệu" lên cao thêm 2,4 mét chỉ bằng các dụng cụ của nhà nông như: Đinh bừa, quang gánh... Công việc diễn ra trong vòng một năm. Cả một ngôi đình nặng hàng trăm tấn toàn bằng gỗ quý với những cột kèo phức tạp được "kiệu" lên cao ngang với mặt đê sông Hồng. Đình Chèm được như bây giờ là đã trải qua nhiều lần trung tu, tôn tạo.

Với những giá trị tổng hợp về kiến trúc và lễ hội, ngày 25/6/2018 đình Chèm nhận bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Trước đó, ngày 17 tháng 6 năm 2016 Lễ hội Đình Chèm được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.