2 kịch bản tăng trưởng cả năm 2024
Tại tọa đàm "Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng – Triển vọng và Thách thức" sáng 15/10, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đánh giá, kết thúc quý III/2024, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi tương đối tốt trong sự lạc quan về tăng trưởng chung của kinh tế thế giới cuối 2024 và năm 2025.
Tăng trưởng GDP sau 9 tháng đạt 6,82%, tăng hơn 1,5 lần so với mức 4,4% cùng kỳ năm ngoái với sự đóng góp chủ yếu từ khu vực công nghiệp và dịch vụ.
Ở phía tổng cầu, thương mại trên đà hồi phục và dòng vốn FDI tích cực là động lực tăng trưởng chính. Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn hơn so với dự kiến, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, với xuất siêu đạt 20,8 tỷ USD - mức xuất siêu khá tích cực trong giai đoạn 2020 - 2024.
“Tuy nhiên, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch và áp lực lạm phát trong nửa đầu năm 2024 cũng đã làm giảm tốc độ tăng trưởng của vốn”, ông Việt nhấn mạnh.
Đặc biệt, thu ngân sách Nhà nước vượt kế hoạch trong khi chi tiêu công giảm so với cùng kỳ năm 2023, dẫn đến ngân sách tiếp tục đạt thặng dư cao, tạo dư địa cho các chính sách tài khóa tiếp tục trong năm 2024 như các chính sách miễn, giãn, giảm thuế, nhất là trong bối cảnh các ngành, lĩnh vực chịu thiệt hại của cơn bão Yagi.
Tốc độ tăng cung tiền và tăng trưởng tín dụng phục hồi khá tốt, góp phần tích cực vào thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư, mặc dù vẫn thấp hơn nền trung bình trước đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen, VEPR đưa ra 2 kịch bản cao và thấp. Với kịch bản cao, tăng trưởng sẽ quý IV sẽ đi ngang với mức 7,4%, tăng trưởng cả năm 2024 dự kiến sẽ đạt mục tiêu mới 7% mà Chính phủ đề ra cho năm 2024.
Với kịch bản thấp, tăng trưởng quý IV sẽ dưới mức 7%, dự báo tăng trưởng cả năm 2024 sẽ dao động mức quanh mức 6,84%.
Cần cơ cấu lại nguồn thu ngân sách
Phát biểu tại tọa đàm, bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia Kinh tế cao cấp cho rằng: "Nếu năm nay không đạt được tốc độ phát triển tốt, sẽ rất khó cho 5 năm tới. Thành tựu quý III tạo niềm tin cho sự phát triển của những năm tới".
Tuy nhiên, bà Lan cho rằng tăng trưởng trong quý III vẫn dựa vào 2 động lực chính là xuất khẩu và FDI. Mà xuất khẩu chủ yếu là phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI. Đáng chú ý, tiêu dùng và đầu tư trong nước năm nay không tăng nhiều.
Về nguồn lực đầu tư, bà Phạm Chi Lan nhận định rằng tuy nguồn thu ngân sách năm nay tăng cao hơn dự kiến, nhưng cần lưu ý đến sử dụng hiệu ngân sách chi tiêu.
“Nếu chi ngân sách hiệu quả, mang lại lợi ích rõ ràng cho người dân, sẽ kích thích thêm nguồn thu từ người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện để tăng đầu tư phát triển”, bà Lan phát biểu.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính cho rằng nguồn thu ngân sách hiện tại chưa đa dạng, vẫn còn phụ thuộc vào những khoản thu truyền thống. Chi thường xuyên tăng mạnh, tình trạng chuyển nguồn dự án chưa giải ngân hết sang năm sau sau còn cao.
“Cần cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, tìm kiếm các nguồn thu mới phù hợp hơn với sự thay đổi không ngừng của nền kinh tế”, ông Cường nhấn mạnh.
Thanh Loan