Thành viên ban soạn thảo luật ý kiến ngược, Bộ trưởng KH&ĐT bất ngờ

Thành viên ban soạn thảo luật ý kiến ngược, Bộ trưởng KH&ĐT bất ngờ

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 2, 17/04/2017 18:14

Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư tỏ ra hết sức bất ngờ khi một thành viên trong ban soạn thảo là Chủ tịch VCCI có ý kiến ngược tại Phiên họp thứ 9 của ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngày làm việc đầu tiên của ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu cho ý kiến vào dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta chiếm đến 98% số lượng doanh nghiệp nên dự án luật này thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Một trong những nội dung được thảo luận kỹ là Điều 30 của dự thảo luật.

Chủ tịch VCCI - ông Vũ Tiến Lộc cho rằng Điều 30 của dự thảo luật là “vô lý” khi nhấn mạnh quá nhiều về quyền lợi và chức năng của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà bỏ qua các hiệp hội khác như phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nhân trẻ, nữ doanh nhân, địa phương…, nơi có 99% thành viên là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Xã hội - Thành viên ban soạn thảo luật ý kiến ngược, Bộ trưởng KH&ĐT bất ngờ

 Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.

“Hiện, tinh thần cải cách, tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ được Đảng, Chính phủ, Quốc hội quan tâm nhưng chưa được thể hiện tốt trong dự thảo luật này. Một số Điều luật cần thiết phải có tiêu chuẩn, định mức rõ ràng. Hiện có rất nhiều quy định chung chung, không rõ ràng, lặp lại các quy định trong luật chuyên ngành. Như quy định, doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tuân thủ quy định pháp luật của nhà nước, tôi thấy điều này là đương nhiên. Hiện có đến 20 Điều không nên ghi vào luật này để làm cho luật được thanh thoát, nhẹ nhàng”, ông Lộc nói.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho biết, trong luật cần thiết phải quy định một số giải pháp ưu tiên đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ như giảm tần suất kê khai thuế, đơn giản hóa sổ sách kế toán, bỏ báo cáo thuế hàng năm, được hưởng mức thuế thấp hơn 2- 3%...

Riêng Điều 30 của Dự thảo Luật, ông Vũ Tiến Lộc có quan điểm: “Chúng tôi đề nghị đưa ra thiết chế mới phù hợp còn lại để như hiện tại thì cộng đồng doanh nghiệp cảm thấy rất vô lý. Cụ thể: Khoản 1, quy định VCCI ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có trách nhiệm thúc đẩy liên kết doanh nghiệp lớn và vừa".

Không đồng tình với ông Vũ Tiến Lộc, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng: “Cơ bản tán thành Điều 30 của dự án luật, trong đó quy định khá rõ trách nhiệm của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và trách nhiệm của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

“Một số ý kiến cho rằng Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa là thuyền thúng. Tức là hiệp hội không đại diện cho ai cả. Điều này khiến chúng tôi rất đau lòng. Hiện nay, Hiệp hội rất nhiều năng lượng nên mong muốn được giao nhiệm vụ, rất mong được giao chi tiết như tại Điều 30 để chúng tôi tràn đầy sinh khí làm. Chúng tôi trẻ, chúng tôi xông pha nếu được Quốc hội giao nhiệm vụ thì chúng tôi quyết tâm”, ông Thân khẳng định.

Bộ trưởng Bộ kế hoạch đầu tư -ông Nguyễn Chí Dũng tỏ ra khá bất ngờ trước ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc và cho biết, những nội dung này đã được nêu vài lần ở các hội thảo trước đây.

“VCCI cũng là thành viên ban soạn thảo, trước đây rất ủng hộ dự luật, nhưng không hiểu vì sao lần cuối này lại có ý kiến ngược lại. Nếu có ý kiến thì phải ở giai đoạn trước vì chúng tôi đã tổ chức rất nhiều hội thảo, kể cả với VCCI. Tôi đề nghị không trao đổi lại, và đề nghị tiếp tục dự luật”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội - ông Phùng Quốc Hiển đề nghị ban soạn thảo và Ủy ban Kinh tế rà soát Điều 30 của dự thảo luật để không ảnh hưởng chức năng của VCCI và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điều 30. Trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội, ngành nghề

1. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ngoài những nhiệm vụ chung về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đã được ghi trong Điều lệ, có trách nhiệm thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp quy mô lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2. Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có trách nhiệm sau đây:

a) Tập hợp, liên kết, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các hội viên là doanh nghiệp nhỏ và vừa;

b) Tham gia xây dựng, phản biện, triển khai cơ chế, chính sách liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tham gia đánh giá các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Luật này;

c) Huy động các nguồn lực và thực hiện hỗ trợ hội viên là các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Luật này.

d) Thực hiện cung cấp dịch vụ công, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; cấp chứng chỉ, chứng nhận chuyên ngành của hiệp hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.

đ) Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức sự kiện tôn vinh, bình chọn, phong, tặng danh hiệu, giải thưởng và các hình thức khen thưởng khác theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Dương Thu

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.