Chiều 21/7, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ThS. Phạm Hồng Hiệp, viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp, bộ Công Thương, thành viên tham gia dự án chia sẻ: “Tôi chỉ là một thành viên rất nhỏ tham gia dự án. Chính vì thế, tôi không bình luận gì nhiều”.
Liên quan đến việc một số nhà khoa học, chuyên gia lên tiếng về không tham gia dự án nhưng có tên trong danh sách thành viên tham gia, ThS. Phạm Hồng Hiệp cho hay: “Theo tôi được biết, thực hiện dự án này có 2 đơn vị tư vấn phối hợp, nên việc chuyển giao danh sách lẫn nhau có thể có sự lộn xộn. Một số thành viên được mời nhưng sau có thể từ chối. Các thành viên tham gia đoàn cũng đến từ nhiều đơn vị khác nhau. Tôi không biết các thành viên khác ra sao, nhưng bên thực hiện dự án còn lấy cả CV (sơ yếu lý lịch cá nhân - PV) của tôi, như thế cũng khá thận trọng”.
Trong một diễn biến liên quan, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng với các phương tiện truyền thông về việc không hề tham gia nhưng có tên trong danh sách đoàn thẩm định báo cáo nhận chìm vật chất. Cụ thể, TS. Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng viện Hải dương học Nha Trang tỏ ra bất ngờ khi đọc báo và thấy có tên ông trong danh sách thành viên tham gia dự án nhận chìm vật chất xuống biển.
Hiện nay, việc nhận chìm gần 1 triệu m3 vật chất sau nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Bình Thuận đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Đây là lần đầu tiên, bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho nhận chìm vật chất xuống biển.
Theo tìm hiểu của PV, trước đó, ngày 23/6/2017, bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp Giấy phép cho phép công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm vật liệu nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, với khối lượng gần 1 triệu m3 (bao gồm: 20% bùn, 80% cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, sét, đá phong hóa).
Ngay sau khi bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho phép công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, một số ý kiến đã bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực đến môi trường và sinh thái biển từ việc nhận chìm.
Thơm Lan