Thắp lửa dưới mưa
Xin được lấy nguyên tứ này của Tổng Biên tập Nguyễn Tiến Thanh viết cách đây 10 năm để nói về thời kỳ của những con người khai sơn phá thạch, đặt những viên gạch đầu tiên xây ngôi nhà Đời sống & Pháp luật. Chúng tôi chỉ với 17 người trên căn gác xép nhỏ ở 35 Ngõ Trạm cùng vượt qua khó khăn cho ra đời số báo đầu tiên ngày 2/3/2001.
Năm 1999, cô sinh viên báo chí với khát khao mang kiến thức được học bài bản ra trường vẫy vùng cùng môi trường làm báo, tôi đến ấn phẩm Kinh doanh & Pháp luật (chuyên đề của Tạp chí Pháp lý - Cơ quan ngôn luận của hội Luật gia Việt Nam) thử việc. Sau một thời gian, ấn phẩm này ngừng xuất bản. Đa số chúng tôi lại đi cùng nhau sang một môi trường mới, đó chính là báo Đời sống & Pháp luật. Từ căn nhà 4 tầng ở 61 Tây Sơn, hơn 10 người đi tiếp chúng tôi chuyển đến 35 Ngõ Trạm chuẩn bị xây dựng một tờ báo mới: Báo Đời sống & Pháp luật.
Tại đây, chúng tôi có thêm những đồng nghiệp mới cùng làm việc không lương một cách tự nguyện để xây dựng tờ báo Đời sống& Pháp luật khổ A2. Cơ sở vật chất của tờ báo là con số 0. Tất cả bộ phận nội dung của tòa soạn khoảng 15 người cùng làm việc trong căn phòng khoảng 40m2 nơi gác 2 của ngôi nhà gỗ cổ. Phòng làm việc có 3 cái máy tính là tài sản của TBT đầu tiên - TS.Chu Hồng Thanh - mang đến. Một cái bàn hình bầu dục rộng, chuyển từ Tây Sơn đến vừa là chỗ ngồi làm việc, vừa làm bàn họp.
Muốn lên phòng làm việc phải đi qua tầng 1 vốn là lối đi chung cho các nhà phía trong sân, được ngăn lại thành nơi làm việc bộ phận trị sự gồm 3 người. Để lên phòng làm việc trên tầng 2, chúng tôi đi qua chiếc cầu thang gỗ rung lắc, cót két, hai người gặp nhau phải né người tránh, rón chân nhẹ sợ... quá tải.
Cơ sở vật chất khó khăn nhưng lòng người không nản. Số báo đầu tiên ra đời trong điều kiện như vậy nhưng trong mắt mọi người vẫn ánh lên tia hy vọng. Tuy nhiên, tờ báo không bán được, kinh phí hoạt động không có, còn chúng tôi vẫn làm việc không lương. Nguồn sống của phóng viên là những đồng nhuận bút ít ỏi.
Gần 1 năm sau, tôi định chào thua định mệnh. Nhưng rồi tôi lại có niềm tin để ở lại. Mọi người nói, sắp có một người làm báo rất giỏi về Đời sống & Pháp luật. Tôi nghe, anh đang làm ở báo Gia đình & Xã hội. Tờ báo này tôi biết, nhân vật mọi người nhắc đến tôi cũng biết. Bởi lẽ, thời kỳ năm 1998-1999 mấy bạn học lớp tôi đã đến làm việc với anh, được anh chỉ dạy. Chúng bạn lớp tôi gọi anh là thầy và xem như thần tượng.
Ngày đầu tiên, nhà báo Nguyễn Tiến Thanh đến báo Đời sống & Pháp luật tham dự cuộc họp trên căn gác ở Ngõ Trạm. Cầm tờ báo lên, anh nhận xét: "Tất cả các bài đều một màu, không có tính báo chí, không hấp dẫn. Cả một số báo tôi thấy đọc được chỉ có bài “Làng sản xuất linh kiện xe máy Bình Đà” đúng là một bài báo". Anh hỏi tác giả, tôi vui lắm. Người để tôi học hỏi, người truyền lửa đam mê đã đến.Tôi ở lại, trong lòng khấp khởi chờ một luồng gió mới.
Sau một thời gian, Phó TBT Nguyễn Tiến Thanh chính thức trở thành người Đời sống & Pháp luật. Báo đổi về khổ A3. Trụ sở cũng chuyển từ Ngõ Trạm về căn nhà số 11 rộng hơn trong ngõ 209 Đội Cấn. Nhưng một sự khai phóng cho tờ báo vẫn chưa thấy. Tờ báo chưa đến được với bạn đọc. Tôi nhớ khoảng năm đầu năm 2002, cả tòa soạn phát động phong trào đẩy mạnh phát hành, mỗi nhân viên, phóng viên đều là người phát hành báo. Tuy nhiên, sau khoảng hơn tháng đưa báo không hiệu quả việc này được bãi bỏ.
Năm 2004, báo Đời sống & Pháp luật lại thay TBT. Chúng tôi lại chuyển từ Đội Cấn về 40 Nguyên Hồng. Mỗi lần chuyển trụ sở đều khang trang hơn, và niềm hy vọng trong mỗi người lại được thắp lên. Vậy nhưng thời kỳ này, niềm tin về một cuộc cải cách như bị bào mòn dần trong tôi. Mặc dù “thời Đội Cấn” chúng tôi cũng được khơi gợi máu nghề nghiệp, nhưng đó chỉ là cuộc treo giải mang tính cá nhân. Kiểu như sếp Thanh thách tôi làm được vụ diễn viên Đoàn xiếc Hà Nội tố bị Trưởng đoàn quấy rối tình dục sẽ trả nhuận bút 1 triệu đồng/bài. Ngày ấy, số tiền này khá to, 1 bài phóng sự đi xa của tôi chỉ được 80.000 - 120.000 đồng. Tôi quyết giành giải và rồi nhận được nhuận bút 1 triệu đồng/2 kỳ báo. Đó là một kỷ niệm vui của thời gian khó.
Cuộc cách mạng lần thứ nhất
Tháng năm cứ nhàn nhạt trôi đi, hoang hoải lòng người. Cơm áo cũng không đùa với khách văn. Lần thứ hai, tôi lại thấy lòng mình như thuyền không bến đậu. Tôi tìm đến một nơi khác xin phỏng vấn và đã được nhận. Nhưng dường như là định mệnh gắn tôi là người Đời sống & Pháp luật, không thể khác.
Hôm ấy, sau một thời gian nghỉ sinh con, tôi đến tòa soạn. Tôi gặp Phó TBT Nguyễn Tiến Thanh, anh thân tình phân tích nơi tôi định đến. Rồi anh nói: "Anh muốn có những nhân tố để làm một cuộc cải cách lớn trong tờ báo". Tôi tin tưởng một mảnh đất cằn cỗi sắp được những khai mở màu mỡ. Lòng tôi rộn ràng chờ cuộc cải cách toàn diện, mà người lĩnh xướng chính là người tôi luôn coi là bậc thầy trong chuyên môn, nghiệp vụ báo chí.
Năm 2010, chúng tôi chia tay TBT thứ hai, GS.TS. Đào Trí Úc và không ai khác, anh Nguyễn Tiến Thanh đã được Trung ương hội Luật gia Việt Nam trao nhiệm vụ cầm lái con thuyền Đời sống & Pháp luật. Ngay sau đó, ngày 1/4/2010 báo Đời sống & Pháp luật bắt tay vào cuộc cải cách toàn diện.
"Người làm cách mạng" từ hai bàn tay trắng có gì đâu để vướng bận đắn đo được - mất. Người Đời sống & Pháp luật làm việc hăng say với một niềm tin tờ báo sẽ phát triển, bạn đọc biết đến báo nhiều hơn, đời sống sẽ khá hơn và người làm báo sống được với nghề. Bầu nhiệt huyết sẵn trong mỗi người, có thuyền trưởng cầm lái, người Đời sống & Pháp luật sẵn sàng dấn thân, mở lối vươn ra biển lớn.
Không khí cơ quan đầy lửa, sôi nổi, rạo rực, ai cũng thấy mình cần phải cống hiến, phải cho đi vì mục tiêu chung "đánh thức một tiềm năng đang say ngủ". Ngày ấy, 8h30 chúng tôi họp đề tài trực tiếp với TBT, đề tài của ai được định hướng xong lao đi triển khai. Chiều đến, phóng viên báo cáo công việc mình đã làm. Đúng là khi có người truyền lửa, đam mê được thắp lại tạo thành sức mạnh to lớn. Đề tài nào chúng tôi cũng cố gắng làm trong ngày, hoặc kịp giờ truyền báo, không làm được bài thấy bứt rứt không yên. Thời đó, chúng tôi có những bài viết, tuyến bài riêng, độc đáo, hấp dẫn như: Người đi tìm mộ cố Tổng Bí thư, Người chạm mặt âm thầm thu thập tài liệu đánh án Năm Cam, hay những bài điều tra 500 ngàn mua cả một hãng taxi... Mỗi bài viết tốt được ghi nhận, được biểu dương và thưởng nóng. Mức thưởng dù mang tính động viên, nhưng anh em phấn chấn vô cùng. Một không khí sôi động mà bao năm qua tôi vẫn nhớ về và bây giờ càng thèm khát được sống lại thời thanh xuân đầy nhiệt huyết ấy.
Với tầm nhìn chiến lược của thuyền trưởng, những nỗ lực của người Đời sống& Pháp luật được đền đáp xứng đáng khi tờ báo có chỗ đứng vững trong bạn đọc. Từ phát hành ngoài Bắc, báo Đời sống & Pháp luật làm cuộc Nam tiến ngoạn mục, có chỗ đứng trong làng báo phía Nam sôi động.
Cuộc cách mạng lần thứ nhất, đã tạo ra thương hiệu Đời sống& Pháp luật, một trong những tờ báo thị trường hàng đầu. Người bán báo dạo rao bằng loa có Đời sống & Pháp luật, các sạp báo dành cho Đời sống & Pháp luật vị trí hút mắt, quán cà phê, vỉa hè... đâu đâu cũng có sự hiện diện của báo Đời sống & Pháp luật.
Trong cuộc đổi mình ấy, báo Đời sống & Pháp luật cũng đã đổi trụ sở về khu đô thị Nam Trung Yên- nơi ghi dấu sự phát triển ngoạn mục, thời kỳ đỉnh cao của báo in.
Thời của tạp chí
Đây là ngôn từ khái quát, bao trùm nội hàm của báo chí đang được đặt ra dưới góc nhìn khách quan của TBT tạp chí Đời sống & Pháp luật. Thực hiện chủ trương quy hoạch báo chí đặt ra cho các cơ quan báo chí có sự thích ứng khó khăn, thách thức nhưng cũng là cơ hội. Chúng tôi được thuyền trưởng truyền niềm tin để sẵn sàng làm cuộc "cách mạng lần thứ hai".
Cuộc cách mạng này sẽ khó khăn hơn, người Đời sống & Pháp luật không còn tay trắng mong phá tan ràng buộc để tiến lên. Giờ đây, những gì đạt được của 10 năm trước đã xây được cái móng nhà, thậm chí là tầng 1 của ngôi nhà Đời sống& Pháp luật. Dù không "ngủ quên trên chiến thắng" chúng tôi vẫn vận động không ngừng để phù hợp với quy luật phát triển, xu thế của thời đại. Tuy nhiên, đắn đo được - mất, phá cũ - xây mới còn khiến khí thế quyết tâm bị dùng dằng.
Giờ đây, ngôi nhà Đời sống & Pháp luật đã tọa lạc trên tòa tháp Star Tower, chúng tôi đã có những thành tựu nhất định. Ngôi nhà lớn hơn, số nhân lực cũng tăng lên với nhiều phòng ốc mới. Những bộ phận của Đời sống & Pháp luật đáp ứng đầy đủ tiêu chí cho nền báo chí hiện đại, đa phương tiện. Người Đời sống & Pháp luật có đủ năng lực cho một cuộc thay đổi lớn.
20 năm một chặng đường – một thuở thanh xuân, chúng tôi gắn bó với Đời sống & Pháp luật và hiện nay đang đương đầu với thách thức mới. Đi qua thanh xuân là trưởng thành, là sự phát triển ở tầm cao hơn, cường tráng và mạnh mẽ hơn. Tôi tin như vậy, với tầm nhìn chiến lược của thuyền trưởng Đời sống & Pháp luật chúng tôi sẽ thành công.
20 năm trôi qua, nhưng tình yêu của những người Đời sống & Pháp luật vẫn vẹn nguyên, thủy chung như nhất. Từ ngôi nhà Đời sống & Pháp luật những cánh chim trưởng thành bay đi vẫn nhớ một chốn, còn yêu thương để trở về. Cá nhân tôi, có một ngôi nhà lớn để yêu thương, một ngôi nhà nhỏ để vun vén, chăm sóc. Tất cả khởi nguồn từ Đời sống & Pháp luật.
Dòng chảy ấy mãi bất tận...