Tháo chạy khỏi địa ngục Tacloban, người Việt khất thực để về nước

Tháo chạy khỏi địa ngục Tacloban, người Việt khất thực để về nước

Chủ nhật, 17/11/2013 09:45

Đói khát, bệnh tật, hoảng loạn, tuyệt vọng và tất nhiên cả… trắng tay. Đó là tình cảnh những người Việt vừa thoát ra khỏi địa ngục Tacloban. Sau một tuần vật lộn với hiểm nguy, vượt qua 100 km chết chóc, nguyện vọng duy nhất của họ lúc này là trở về tổ quốc. Nhưng đường về cũng không hề đơn giản, nhiều người đã phải khất thực để có tiền trở về.

Sáng sớm 16/11, sau vài ngày chen lấn, những người Việt cuối cùng còn sót lại ở khu Block 9, Phase 1, Lot 25 V&G của thành phố địa ngục Tacloban cũng đã lên được chuyến phà sớm từ thị trấn đổ nát Ormoc để vượt biển về thành phố đến Cebu.

Tiêu điểm - Tháo chạy khỏi địa ngục Tacloban, người Việt khất thực để về nước

Người dân tìm mọi cách, kể cả dùng thuyền tiếp cận để lên được phà.

Ngoài đường hàng không vốn rất hạn chế, con đường độc đạo nối từ Tacloban đến Ormoc là cách duy nhất để thoát khỏi hòn đảo địa ngục này. Nhưng đến được Ormoc, mới chỉ là vượt được chặng đường nguy nan nhất, trước mặt họ vẫn là con phà mong manh vượt qua eo biển rộng hơn 40 km nữa trước khi đến được Cebu, thành phố lớn thứ hai đất nước Philippines vạn đảo. Để kiếm được tấm vé lên chuyến phà hy vọng, họ còn phải mất thêm 1 – 2 ngày cật lực chen lấn. Ngoại trừ cánh phóng viên quốc tế lao vào và một số ít không thể rời Tacloban, cả 600.000 sinh mạng trên hòn đảo này tìm mọi cách rời khỏi tử địa. Nếu không ở giữa biển khơi, có lẽ giờ này, sau gần 10 ngày, hòn đảo đã không còn một bóng người.

Ormoc, thị trấn nhỏ cũng phải gánh những hậu quả nặng nề không kém Tacloban, trừ nhân mạng (nhưng cả ngàn người dân thị trấn này cũng đã bỏ mạng): Thị trấn hoang tàn, đổ nát, không điện, không nước giờ lại phải gánh thêm hàng vạn người dân tị nạn đang trong cơn tuyệt vọng, sợ hãi.

Tiêu điểm - Tháo chạy khỏi địa ngục Tacloban, người Việt khất thực để về nước (Hình 2).

Chị Linda: “Tôi không bao giờ trở lại Tacloban”

Trên chuyến phà rời Ormoc, trò chuyện với phóng viên Nguoiduatin.vn, chị Linda, một người dân vừa thoát khỏi Tacloban thề sẽ không bao giờ quay lại thành phố chết ấy nữa (Never comback). Sang đến Cebu, chị sẽ vào bệnh viện thăm người mẹ may mắn chỉ bị thương đang nằm điều trị, sau đó sẽ tìm người thân quen tá túc ít ngày. Hai vợ chồng sẽ tìm một việc làm tạm nào đó để sinh sống. Ngôi trường học nơi chị từng đứng lớp giờ chỉ còn là một đống đổ nát. Rất nhiều học sinh của chị có lẽ cũng không bao giờ còn cơ hội đến trường, chúng đã vĩnh viễn tan vào hư vô giống như siêu bão Haiyan. Không còn việc, đồng nghĩa với cuộc sống khốn khó và hai đứa con nhỏ của vợ chồng chị cũng chưa biết khi nào mới lại có dịp đến trường. “Sau này, dù Chính phủ có hỗ trợ, có tái thiết Tacloban, tôi cũng không bao giờ trở lại quá nhiều mảnh đất mất mát đó nữa…”.

Umberto, một người đàn ông trung niên cùng đi trên chuyến phà vừa bận vác bao tải đồ dùng cá nhân của gia đình, vừa hổn hển nói: Chúng tôi cứ đi sang Cebu đã còn sau này sống thế nào sẽ tính sau chứ không thể ở lại Tacloban thêm một ngày nào nữa. Còn quay lại đó ư? Tôi chưa nghĩ tới.

Tiêu điểm - Tháo chạy khỏi địa ngục Tacloban, người Việt khất thực để về nước (Hình 3).

Anh Umberto: “Cứ rời khỏi đó đã, còn sống thế nào thì tính sau”

Bến phà biển dài 40 km giữa Ormoc và thành phố Cebu luôn tấp nập đi – đến từ sang sớm tới 11h đêm. Mỗi ngày, có cả vạn người rời Tacloban và Ormoc trên các chuyến phà đông đặc người. Tất cả họ, giống như Linda và Umberto, không mang theo bất cứ thứ đồ đạc nào, chỉ gọn nhẹ một chiếc túi xách hoặc bao tải quần áo. Đơn giản, mọi của cải, đồ đạc trong gia đình họ đều đã nằm sâu trong bùn lầy, dưới đống đổ nát hoang tàn có tên gọi Tacloban.

Tiêu điểm - Tháo chạy khỏi địa ngục Tacloban, người Việt khất thực để về nước (Hình 4).

Bến phà Cebu và Ormoc luôn tấp nập người chạy khỏi Tacloban

… Nhanh chóng và lặng lẽ, những người Việt ít ỏi chia tay nhau, không có sự chứng kiến của các phóng viên hay nhân viên đại sự quán Việt Nam tại Philippines. Mỗi người tự lần tìm đến bất cứ người quen nào mình có địa chỉ để hy vọng vào lòng tốt của những người đồng hương Việt. Khi phóng viên Nguoiduatin.vn liên lạc được với anh Nguyễn Phước, vợ chồng người đàn ông này đã rời Cebu được hơn 100 km để tìm cách vượt thêm chặng đường gần 700 km  lên thủ đô Manila, nơi cộng đồng người Việt đông đảo hơn, với hy vọng xin đủ tiền vé bay về Việt Nam.

Hơn một tuần thiếu đồ ăn, sức khỏe yếu lại càng yếu thêm, giờ vợ chồng anh vẫn tiếp tục lần đến từng người quen để nhờ vả. Hy vọng người có tiền sẽ giúp đỡ chút tiền, người không có tiền thì giúp đưa một chặng đường để đến địa chỉ tiếp theo. Từ Cebu lên Manila có thể đi bằng máy bay, tàu biển cao tốc… nhưng vợ chồng anh chọn đường bộ vì họ không thể kiếm đâu ra hơn 200 USD để mua vé. “Người Việt ở Philippines giờ cũng khá đông, đảo nào cũng có, nên tôi không lo ngại lắm, kiểu gì chẳng về được Manila dù có thể mất vài ba ngày", anh Phước lạc quan.

Xin, vay mỗi người đồng hương một chút tiền nho nhỏ là cách duy nhất họ có thể trông chờ. Cộng đồng người Việt ở Tacloban phần lớn là người nghèo, giờ càng thêm khó vì siêu bão. Những người bà con ở các khu vực khác may mắn hơn nhưng cũng rất ít người giàu có hay dư dả nên không thể vay mượn khoản tiền ra tấm ra món.

Chiều tối, hai nhân viên cuối cùng của đại sứ quán đã bay trở về Manila từ trưa để dự buổi tiệc đón nhận bằng khen của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tặng thưởng cho chiến dịch giải cứu người Việt ở Tacloban - trong đó có vợ chồng anh Phước - thành công mỹ mãn. Lúc này, cặp vợ chồng nghèo vẫn lặn lội trên đường về Manila với hy vọng kêu gọi những người đồng hương sẽ giúp đỡ vài trăm USD để bay về Việt Nam. Cho đến tận bây giờ, họ vẫn chưa được gặp mặt các cán bộ của Đại sứ quán để có cơ hội cảm ơn.

Sáng 16/11, vợ chồng bà Mai Thanh Hương (60 tuổi, quê Nha Trang) cũng về tới Cebu. Bà và gia đình anh Phước đã ở lại Tacloban cho tới vài hôm trước bởi: “Chúng tôi trắng tay rồi, không còn gì cả. Tiền bạc không còn đồng nào, gạo cũng sắp hết, sức khỏe cũng không còn để chạy, giờ chỉ còn biết ngồi đây đợi mà thôi. Đám thanh niên họ đi hết rồi, chỉ còn có chúng tôi kẹt lại”.

Tới Cebu, cũng giống như vợ chồng anh Phước, không được đón tiếp, không gặp bất cứ cán bộ nào của đại sứ quán từ Manila xuống, họ lai sấp ngửa như vợ chồng anh Phước, tìm đến mọi chỗ quen biết để xin ăn, xin tiền để mua vé lên Manila rồi về Việt Nam.

Philippines, cuối cùng đã không thể trở thành quê hương thứ hai của họ, những người Việt rời quê hương đi tha phương cầu thực với hy vọng kiếm được mảnh đất dễ làm ăn hơn.

Thái An (Từ Tacloban, Philippines)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.