Xây dựng 5 nhóm chính sách
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 13 ngày 26/9, Ủy ban Kinh tế thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số Luật liên quan quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết được xây dựng gồm 5 nhóm chinh sách. Trong đó, nhóm chính sách đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng trong thời gian 5 năm gồm: Về tỉ lệ vốn Nhà nước trong dự án PPP, về việc giao thẩm quyền cho địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương;
Về giao cho một địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách của địa phương này hỗ trợ vốn cho địa phương khác; về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Nhóm chính sách trình Quốc hội cho áp dụng một lần là cơ chế chính sách đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn vốn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022, gồm bố trí nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho 6 dự án khởi công mới; bố trí nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 để điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư cho 5 dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025;
Giao kế hoạch từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho 30 dự án và 1 nhiệm vụ và cho phép giải ngân trong 3 năm từ năm 2023 - 2025; bố trí vốn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 để thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng phát sinh sau khi dự án đã quyết toán.
Đối với danh mục dự án thí điểm, để đảm bảo tính khả thi của Nghị quyết và tăng hiệu quả của chính sách thí điểm, cho phép Bộ Kế hoạch và Đầu tư được tiếp tục cập nhật, điều chỉnh, hoàn thiện danh mục các dự án theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và các địa phương đến trước thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm.
Tạo động lực thu hút, huy động vốn đầu tư
Tại phiên họp, thảo luận về các vấn đề liên quan đến hồ sơ dự thảo Nghị quyết; phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP; thẩm quyền đầu tư dự án quốc lộ... các đại biểu tán thành với việc Chính phủ tổng kết các hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định tại một số Luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đề xuất riêng một Nghị quyết để từng bước đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ.
Về đề xuất “Đối với các dự án giao thông đường bộ, tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng măt bằng, hỗ trợ, tái định cư” đã tương thích với nội dung tại khoản 2 Điều 69 của Luật Đầu tư theo phương thức PPP, “tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP theo quy định không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án” hay không?
Nhiều ý kiến cho rằng, việc nâng tỉ lệ tham gia của Nhà nước trong những dự án này thông qua việc không tính chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư sẽ có tác dụng tạo động lực cho việc thu hút, huy động vốn đầu tư của xã hội tham gia các dự án giao thông đường bộ, giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước, tiết kiệm nguồn lực, bộ máy quản lý Nhà nước, mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương trên địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị, Chính phủ cần làm rõ về nguồn vốn sử dụng cho công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư trong những dự án này, có gây tăng chi ngân sách Nhà nước hay không?
Ngoài ra, những dự án giao thông đi qua nhiều địa phương hay dự án sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ cho địa phương khác thì sẽ thực hiện quyết toán theo những quy định pháp luật nào?
Về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, các đại biểu cho rằng, nội dung này tương tự như quy định tại khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thi công của các dự án giao thông.
Tuy nhiên, theo đánh giá từ thực tế cho thấy, tình trạng thiếu nguyên vật liệu thời gian qua vẫn chưa được khắc phục, nên cần đánh giá kỹ tác động xem liệu quy định này liệu có khắc phục được những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện hay cần phải có giải pháp khác?
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã đáp ứng các quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Song, đề nghị, Chính phủ cần đánh giá kỹ tác động để đánh giá nguyên nhân do tổ chức thực hiện hay do các Luật liên quan;
Cân nhắc kỹ việc giao thẩm quyền cho địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương. Bởi, thực tế không phải địa phương nào cũng có năng lực thực hiện các dự án cao tốc.
Ông Thanh cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, giải trình cụ thể về những tác động 2 chiều, chi phí thực hiện những cơ chế, chính sách được đề xuất thí điểm áp dụng lần này, để làm căn cứ trình Uỷ ban thường vụ xem xét quyết định.