“Thập diện mai phục” khách ở trọ vì giá điện, giá nước…

“Thập diện mai phục” khách ở trọ vì giá điện, giá nước…

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 5, 24/05/2018 18:07

Giá phòng trọ tăng liên tục đã đành, ngay cả giá điện, giá nước cũng “nhảy múa” liên hồi, cộng với tiền internet, trông xe, thang máy… khiến khách ở trọ luôn trong tình trạng bị các loại phí dịch vụ “thập diện mai phục”.

Tại cuộc gặp gỡ công nhân lao động ở một số khu công nghiệp tại tỉnh Hà Nam hôm 20/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sau khi lắng nghe ý kiến về việc người lao động (NLĐ) ngoại tỉnh thuê nhà trọ phải chịu tiền điện, nước giá cao đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh Hà Nam, bộ Công Thương, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như các địa phương khác, phối hợp tiến hành kiểm tra và giải quyết.

Lâu nay, không chỉ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất mà hầu hết những người lao động nghèo đang ở trọ đều đang bị chủ nhà trọ một tay thao túng, áp đặt giá điện nước sinh hoạt.

Kinh doanh nhà trọ kiêm kinh doanh điện, nước…

Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, tại các khu trọ của công nhân ở thôn Bầu, thôn Hậu Dưỡng (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội), làng Mơ (xã Đại Mạch, Đông Anh, Hà Nội)…, mức tiền điện mà công nhân phải chịu mỗi tháng khoảng 3.000 - 3.500 đồng/số điện, cao gấp đôi so với giá điện sinh hoạt theo quy định.

“Thập diện mai phục” khách ở trọ vì giá điện, giá nước…

Đời sống người lao động nghèo càng thêm khó khăn vì giá điện, nước bị chủ nhà trọ tính giá cao (ảnh minh họa)

Hiện tại giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3, áp dụng cho các hộ gia đình không thống kê được số người sử dụng, mức từ 101 - 200 kWh thì giá điện là 1.858 đ/kWh chưa bao gồm VAT.

Vợ chồng anh Trần V.L. và chị Lê Thị N. cùng làm công nhân, thuê trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội) cũng phải trả tiền điện ở mức 3.000 đồng/số. Anh L. chia sẻ, mặc dù đã cắn răng sắm chiếc điều hòa nhiệt độ, nhưng do tiền điện phải trả khá cao, nên vợ chồng anh chỉ dám “rón rén” dùng.

Còn vợ chồng anh Hà B.M. và chị Đỗ Thị N. (quê ở Phú Thọ, đang làm việc tại một công ty liên doanh ở KCN Quế Võ, Bắc Ninh) thì phải chịu giá điện 3.500 đồng/ số, nước 70.000 đồng/người. Anh chị có một cháu bé nhưng vẫn phải đóng tiền nước cả cháu bé vì lý do chủ nhà đưa ra là “trẻ con còn dùng nước nhiều hơn người lớn”.

“Nhà có trẻ nhỏ nên mùa đông phải dùng bình nóng lạnh, mùa hè lúc nóng quá vẫn phải bật điều hòa, mức tiền điện nước cao khiến chúng tôi hết sức tiết kiệm nhưng vẫn phải chịu một khoản không nhỏ, ảnh hưởng đến chi phí eo hẹp hàng tháng” – anh M. nói.

“Thập diện mai phục” khách ở trọ vì giá điện, giá nước… (Hình 2).

Một mẫu quảng cáo cho thuê nhà được rao trên Facebook cho thấy mức giá điện được chủ nhà thu khách trọ là 4.000 đồng/ số

Ở khu vực nội thành, mức giá điện nước do các chủ nhà trọ tự áp đặt cho khách trọ còn cao hơn. Chị Hoàng Thanh H. sau khi ly hôn đã thuê một phòng nhỏ 20m2 trong căn hộ chung cư mini ở phố Tương Mai (Hoàng Mai, Hà Nội). Giá phòng là 3,3 triệu đồng/tháng, ngoài ra tiền điện 4.000 đồng/số, nước 100.000 đồng/người/tháng, ngoài ra là phí vệ sinh, phí thang máy, tiền gửi xe các loại khiến mỗi tháng chị phải trả đến hơn 4 triệu đồng.

Đặc biệt mặc dù chỉ có hai mẹ con đi đến 7h tối mới về, nhà không có nhiều thiết bị dùng điện nhưng tháng nào chị cũng “è cổ” nộp 500.000 – 600.000 đồng tiền điện, mấy tháng hè thậm chí còn nhiều hơn.

Em Trần Đức M., sinh viên đại học Kinh tế Quốc dân đang ở trọ tại một căn nhà bên cạnh bến xe Giáp Bát cũng phải chịu giá điện 4.000 đồng/số như vậy. Nhiều lúc thấy tiền điện cao cũng xót nhưng vì căn phòng đang ở sạch sẽ lại gần trường nên em M. đành tặc lưỡi mà ở tiếp.

Một điều đặc biệt là hầu hết khách thuê trọ khi thắc mắc về giá điện, nước với chủ nhà thì thường chỉ nhận được những câu trả lời chung chung, thiếu trách nhiệm, áp đặt kiểu như: “Ở đây mọi nhà đều tính giá điện như thế”, “bây giờ ở đâu cũng thế”, “thế thì mới gọi là ở trọ, tự mua nhà mà ở thì được hưởng giá điện Nhà nước”…

Cuối cùng là do không biết thắc mắc đến ai, ai kiểm soát việc kinh doanh giá điện, nước trên đầu trên cổ khách trọ của các chủ nhà trọ mà hầu hết các nạn nhân đều phải cắn răng chấp nhận.

Chủ nhà trọ nói gì?

Theo quy định, các hộ cho thuê phòng trọ bị áp giá điện kinh doanh (cao hơn nhiều giá sinh hoạt) vì thế họ phải thu tiền người thuê ở mức cao hơn một chút để bù đắp thất thoát.

Ông Cao Duy Kh., một chủ nhà trọ ở khu Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết,  hiện ông có vài tòa nhà cho thuê ở quanh khu vực quận Hoàng Mai, hầu hết là nhà ông thuê cả căn rồi lại cho từng người thuê lại.

Ví dụ như căn hộ đang cho thuê trên phố Kim Đồng có 5 tầng, tất cả 20 phòng diện tích khoảng 18 – 20m2, ông Kh. thuê 30 triệu đồng/tháng từ một người bạn rồi cho 20 cá nhân khác thuê với giá từ 2,7 triệu – 3,2 triệu đồng/phòng/tháng. Thời điểm các phòng đều kín người ở thì tiền nhà thu được là hơn 60 triệu đồng/tháng.

Lý giải về việc thu tiền điện 4.000 đồng/số, ông Kh. cho biết vì ông phải chịu giá điện kinh doanh, thấp nhất là 2.900 đồng/số, những số cao là 3.200 đồng/số nên bắt buộc phải thu giá 4.000 đồng mới hòa vốn được, trong khi phải chịu chi phí điện duy trì đèn chiếu sáng ngoài cổng, sân thượng, hành lang…

“Chị cứ đi hỏi khắp các nhà trọ trên khắp cả nước này xem có ai thu tiền điện 1.800 đồng như giá Nhà nước không? Chỉ có các nhà trọ từ thời xưa mà họ được áp dụng giá điện theo hộ gia đình, hoặc thời đó họ đã làm sẵn 5-6 đường điện thì mới được hưởng giá thấp. Còn như chúng tôi cả tòa nhà chỉ có 1 đường điện và bị áp giá điện kinh doanh nên phải thu giá đó mới không bị lỗ” – ông Kh. nói.

Bà M. - chủ nhà trọ cho công nhân ở Bắc Ninh lý giải lý do không pập công tơ riêng cho nhóm 4 người để được định mức và trả theo giá điện sinh hoạt Nhà nước quy định là vì rất khó kiếm được 4 người chịu ở chung với nhau lâu dài.

“Người đi ở trọ đa phần là sinh viên, người đi làm thuê, phụ nữ sau ly hôn… Mỗi người mỗi hoàn cảnh, tính nết nên rất khó kiếm được 4 người chịu ở lâu dài với nhau. Ngoài ra thì hầu hết mọi người không chịu đứng ra ký hợp đồng vì sợ chịu trách nhiệm trả tiền điện khi một trong những người kia chuyển đi đột ngột. Do đó quy định nói trên của bên điện lực là rất khó khả thi” – bà M. cho biết.

Chỉ được thu tiền điện theo hóa đơn điện lực cộng thêm 10%

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/5, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo các tổng công ty Điện lực, các công ty Điện lực các tỉnh, thành phố triển khai ngay các biện pháp: Tuyên truyền và hướng dẫn việc thực hiện giá bán điện của các chủ nhà trọ, niêm yết công khai biểu giá bán điện, giám sát việc đảm bảo cho người thuê nhà được hưởng giá bán lẻ điện sinh hoạt đúng quy định, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm…

“Thập diện mai phục” khách ở trọ vì giá điện, giá nước… (Hình 3).

Chủ nhà trọ chỉ được thu tiền điện khách trọ theo giá điện bán lẻ của sở Điện lực và cộng thêm 10% tổn thất điện năng. Nếu vi phạm có thể bị phạt đến 10 triệu đồng

Về phương thức tính tiền và thu tiền của chủ nhà trọ, chỉ được thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hoá đơn tiền điện hằng tháng do công ty Điện lực phát hành cộng thêm 10% cho tổn thất điện năng, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung.

Trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên đứng tên ký HĐMBĐ, thì đại diện NLĐ thuê nhà ký kết hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà). Cty Điện lực phát hành hóa đơn trực tiếp cho người ở trọ.

Về chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ nhà trọ thu tiền giá cao hơn so với quy định, theo quy định tại Điều 16, khoản 2, điểm b của Thông tư số 16/2014/TT-BCT, sở Công Thương có trách nhiệm kiểm tra và giám sát việc thực hiện tính định mức số hộ sử dụng và giá bán lẻ điện tại các địa điểm cho thuê nhà để nhằm đảm bảo cho người thuê nhà được áp dụng đúng các quy định về giá bán lẻ điện sinh hoạt quy định tại Thông tư này.

Điều 12 khoản 6 của Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17.10.2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền từ 7-10 triệu đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.