Ngược thời gian hơn về 10 năm trở lại trước, giá cao su đạt mức kỷ lục, vì đó mà diện tích trồng được mở rộng ra cả nước, nhiều doanh nghiệp còn đầu tư sang cả Lào và Campuchia để trồng cao su. Đây cũng là thời hoàng kim của cây cao su, được ví như “vàng trắng", thậm chí có doanh nghiệp từng tuyên bố “Phải bán nhà cũng trồng cao su".
Hưởng lợi từ giá cao su tăng,Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP (HoSE: GVR) dù hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng lại có bức tranh tài chính sáng giá. Nhờ đó, công ty có nguồn tiền dồi dào, đổ sang đầu tư nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản,…
Chưa thể “vượt qua chính mình"
Trong giai đoạn đó, năm 2012, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ghi nhận doanh thu kỷ lục đạt 26.457 tỷ đồng, lợi nhuận đạt đỉnh 6.596 tỷ đồng. Đến nay đã hơn 10 năm vẫn chưa thể vượt qua kỷ lục của chính mình lập ra.
Tuy nhiên, giai đoạn từ 2013 - 2015, giá cao su không còn tăng như kỳ vọng, cả doanh thu và lợi nhuận của GVR đều tụt dốc không phanh. Theo đó, doanh thu thuần đạt 15.069 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2.016 tỷ đồng - tức giảm lần lượt 43% và 69% so với cùng kỳ năm 2012.
Giai đoạn sau đó, doanh thu và lợi nhuận của công ty ghi nhận nhiều biến động trước khi báo lãi đột biến 5.076 tỷ đồng vào năm 2020 và sau đó là 5.340 tỷ đồng vào năm 2021. Nguyên nhân là do xuất khẩu cao su và các sản phẩm từ cao su tiếp tục ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ trong đại dịch.
Cụ thể, số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, trong năm 2021, xuất khẩu cao su cả nước ước đạt gần 2 triệu tấn, mang về 3,3 tỷ USD. Giá trị cao su xuất khẩu tăng gấp 3 lần so với sản lượng, đạt hơn 39% so với năm 2020.
Với kết quả sản xuất kinh doanh của năm 2021 tăng vọt, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã tiến gần tới kỷ lục kinh doanh. Song, chưa kịp “lật đổ” kỷ lục thì những năm sau đó ngành cao su lại chịu tác động từ diễn biến giá cao su giảm, dẫn đến tình hình sản xuất kinh doanh đi lùi.
Theo đó, dù có lãi ròng trong quý cuối năm 2023 tăng đến 28%, với điểm sáng từ lãi hoạt động tài chính và lợi nhuận khác. Nhưng cả năm 2023, lợi nhuận của GVR vẫn giảm 33%, còn khoảng 2.585 tỷ đồng, trước tình hình mảng chủ lực mủ cao su gặp nhiều khó khăn.
Quý I/2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.585 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động sản xuất và kinh doanh mủ cao su với 3.390 tỷ đồng, chiếm 74% tổng doanh thu; doanh thu thuần chế biến gỗ 540 tỷ đồng; doanh thu thuần kinh doanh bất động sản, cơ sở hạ tầng 142 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, GVR báo lãi quý I/2024 đạt 650 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước.
Dự kiến Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch 2024 với doanh thu 25.000 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế dự kiến hơn 3.400 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện trong năm 2023.
Đẩy mạnh bất động sản khu công nghiệp
Đi sâu vào tình hình tài chính của công ty, tại ngày 31/4/2024, GVR ghi nhận phải thu về cho thuê hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư đạt 68 tỷ đồng, tăng 54% so với số đầu năm.
Chỉ số hàng tồn kho ghi nhận đạt 3.109 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu kỳ, trong đó, tồn kho hàng hóa bất động sản giữ nguyên ở mức 13,7 tỷ đồng. Ngoài ra, tại phần bất động sản đầu tư, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ghi nhận 2.277 try đồng bất động sản đầu tư cho thuê, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó bao gồm 242 tỷ đồng quyền sử dụng đất và 2.035 tỷ đồng cơ sở hạ tầng.
Định hướng sản xuất kinh doanh trong năm 2024, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết sẽ đầu tư, khai thác có hiệu quả quỹ đất đủ điều kiện để phát triển các Khu công nghiệp/cụm công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo động lực tăng trưởng mới.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2021-2025, bên cạnh việc tập trung thực hiện thủ tục pháp lý và triển khai đầu tư các dự án khu công nghiệp/cụm công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang xin chấp thuận với diện tích 2.921 ha, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục phát triển thêm 16.592 ha. Trong đó, tập đoàn làm chủ đầu tư 10.997 ha tại tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu; và các đơn vị đầu tư 5.615 ha.
Trước đó, năm 2023, VRG tập trung phát triển nhiều dự án khu công nghiệp quy mô lớn như dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn II diện tích 344 ha (Bình Dương); dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Rạch Bắp mở rộng diện 360 ha (Bình Dương); dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp diện tích 317 ha (Bình Phước); dự án Khu công nghiệp Minh Hưng III mở rộng diện tích 577,53 ha (Bình Phước); dự án Khu công nghiệp Hiệp Thạnh giai đoạn I diện tích 95,17 ha (Tây Ninh)…
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS Research), năm 2024 và 2025, mảng cao su dự kiến sẽ trở nên tích cực hơn, cùng với đó mảng bất động sản khu công nghiệp đầy tiềm năng sẽ là các yếu tố chính kéo doanh thu của GVR lên.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét đối với 9 bị can cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Cụ thể các bị can gồm: Lê Quang Thung - nguyên Tổng Giám đốc, nguyên Quyền Chủ tịch HĐQT Tập đoàn; Huỳnh Trung Trực - nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn; Phạm Văn Thành - nguyên Trưởng ban Kế hoạch đầu tư Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; Nguyễn Thị Gái - nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cao su Đồng Nai; Nguyễn Thành Châu - nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty Cao su Đồng Nai.
Cùng các bị can là Nguyễn Công Tài - nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty Cao su Bà Rịa; Nguyễn Trọng Cảnh - nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Cao su Bà Rịa; Lê Y Linh - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Việt Tín; Đặng Phước Dừa - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thương mại Việt Tín.