Trang trọng lễ cầu siêu, tri ân 512 liệt sĩ nhà báo
Tối 17/7, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ cầu siêu các liệt sĩ nhà báo, phóng viên tại chùa Âu Lạc (Chùa Da, Tp. Vinh, tỉnh Nghệ An).
Đây là ngôi chùa duy nhất trong cả nước thờ tự 512 liệt sĩ là nhà báo, phóng viên hi sinh khi đang tác nghiệp tại chiến trường và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhấn mạnh, những đóng góp to lớn của các liệt sĩ nhà báo là tấm gương sáng, là sự nhắc nhở đối với mỗi nhà báo hôm nay phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm vượt qua khó khăn, không ngừng sáng tạo đổi mới, chuyên nghiệp và bứt phá, đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhà báo có vai trò đầu nguồn thông tin, nhưng nhà báo trong chiến tranh thì càng khốc liệt, sự sống và cái chết hết sức mong manh. Những hình ảnh, thước phim trong mưa bom bão đạn họ phải đổi bằng tính mạng của mình. Họ không những cầm máy tác nghiệp, mà còn cầm súng để chiến đấu với kẻ thù.
Ẩn sâu trong mỗi tác phẩm báo chí là sự dấn thân, không quản hiểm nguy; là sự lăn lộn, hòa mình vào mưa bom bão đạn để bảo vệ mạch máu thông tin, phục vụ cho công tác tuyên truyền, chiến đấu; phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
Càng trong khó khăn thử thách, những người làm báo cách mạng càng thể hiện được bản lĩnh và trí tuệ. Những nhà báo chiến sĩ của chúng ta, họ đã sống và chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".
"Hôm nay chúng ta có mặt tại đây, thắp những nén tâm nhang dâng lên anh linh các nhà báo chiến sĩ, những đồng nghiệp, bậc tiền bối của chúng ta, những con người đã cống hiến tuổi thanh xuân để những dòng tin, bức ảnh, thước phim về sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập, hòa bình, tự do của Tổ quốc được lan tỏa khắp trong nước và thế giới", ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Đồng thời, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng gửi lời tri ân sâu sắc tới nhà báo Trần Văn Hiền, người đã dành hơn 15 năm chắp nối tư liệu, thông tin để tìm được tên tuổi các đồng nghiệp nhà báo liệt sĩ và đưa về thờ tự tại chùa Âu Lạc.
Chính nghĩa tình son sắt của ông dành cho những đồng đội đã giúp những người làm báo có được một địa chỉ đỏ để các thế hệ người làm báo tiếp nối tưởng nhớ tới thế hệ đi trước, qua đó giáo dục truyền thống, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, nhất là lớp trẻ; xây dựng bản lĩnh chính trị, nêu cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và lòng mong đợi của Nhân dân.
Người viết lên chân dung 511 nhà báo liệt sĩ
Xuất thân là chiến sĩ, nhưng nhà báo Văn Hiền lại bén duyên với nghề viết trên chiến trường. Từ năm 1969 - 1972, ông là phóng viên chiến trường ở Quảng Trị và nước bạn Lào. Là phóng viên chiến trường, hơn ai hết nhà báo Trần Văn Hiền thấu hiểu nỗi đau mất mát, hi sinh, sự anh dũng, anh hùng của các chiến sĩ trên mặt trận thông tin.
Nói về hành trình này, nhà báo Trần Văn Hiền cho biết, năm 1995 là dấu mốc về sự khởi đầu. Hai nhân vật đầu tiên mà ông viết là nhà báo Vũ Hiến (báo Quân chủng Hải quân Việt Nam) và nhà báo Bùi Nguyên Khiết (báo Hoàng Liên Sơn).
Quá trình tìm hiểu tư liệu và viết bài, nhà báo Văn Hiền phát hiện thêm nhiều cơ quan báo chí có rất nhiều liệt sĩ. Thế nhưng, cho đến bây giờ chưa có một nghĩa trang nào cho nhà báo liệt sĩ. Phần lớn các anh, các chị không tìm thấy hài cốt, không có mộ chí.
Từ đó, nhà báo Văn Hiền đã xây dựng một chương trình viết về những nhà báo liệt sĩ. Ông đã bỏ ra rất nhiều công sức, vượt qua mọi khó khăn để sưu tầm những mẩu chuyện cảm động, phục dựng chân dung của các nhà báo hi sinh trên chiến trường.
Ngoài ra, ông đã tổng hợp được danh sách 511 liệt sĩ là phóng viên, nhà báo của các cơ quan truyền thông, báo chí trên cả nước đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Do nhiều liệt sĩ không còn người thân thờ tự nên nhà báo Trần Văn Hiền đã liên hệ với chùa Da lập ban thờ, thờ tự đối với 511 anh hùng liệt sĩ nhà báo.
Đại đức Thích Đồng Tuệ, Trụ trì chùa Da chia sẻ, trong suốt hơn 15 năm qua, nhà báo Trần Văn Hiền có công rất lớn trong việc thu thập thông tin về đồng nghiệp đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Đây là việc làm thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, phù hợp với tinh thần tri ân và báo ân của nhà Phật.