Lênh đênh đời vạn chài
Thôn Tiền Phong, xã Đức Quang, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh nằm nép mình dưới hạ nguồn dòng La, nơi giao thoa giữa 2 nhánh sông La và sông Lam. Phải chăng bởi vậy mà những phận đời dưới hói Eo Bù cũng chòng chành như con nước giữa dòng?
Với tay xếp lại mấy bộ quần áo, chăn, gối, bỏ vào thùng xốp, anh Nguyễn Thanh Khai (SN 1987) phấn khởi cho biết, anh đang soạn sửa đồ đạc để chuẩn bị lên nhà mới. Cả cuộc đời anh, chưa bao giờ dám mơ đến một ngày có ngôi nhà trên bờ để ở. Thế nhưng hôm nay, điều đó đã trở thành hiện thực!
Cũng giống như những hộ dân tại xóm vạn chài này, cơ cực, khốn khó cứ đeo bám gia đình anh Khai từ đời này sang đời khác. Hàng chục năm trôi qua, kể từ đời ông bà đến đời cha mẹ và bây giờ đến đời của anh và những đứa con vẫn không thoát được nghèo khó.
Sinh ra, lớn lên trên chiếc thuyền neo đậu dưới hói Eo Bù, từ nhỏ, anh Khai đã theo cha ngược dòng sông Lam đánh bắt thuỷ sản. Học đến lớp 9, anh phải bỏ học để theo nghiệp cha mẹ. Rồi anh lấy vợ sinh con vẫn không thoát khỏi cảnh lênh đênh sông nước: Gia đình anh chẳng thể có nổi một mảnh đất trên bờ để làm nhà.
Trên chiếc thuyền dài 12m, rộng 2m, vừa là phương tiện mưu sinh vừa là nhà để ở, vừa là chỗ nấu ăn, vừa là chỗ ngủ và là chỗ học bài, ăn uống, sinh hoạt của 5 con người. Thu nhập bấp bênh, mọi chi phí chỉ mong chờ vào tấm lưới đánh bắt của anh Khai mỗi ngày nên vợ chồng anh buộc lòng phải "chia con". Hai con nhỏ theo mẹ về nương nhờ nhà ngoại để mẹ đi làm công nhân kiếm thêm thu nhập. Người con trai mới 18 tháng tuổi ở lại cùng anh Khai, ngày ngày 2 cha con lênh đênh ăn, ngủ trên chiếc thuyền đánh cá.
Kể đến đây, khoé mắt anh Khai đục ngầu: Ngày cha tôi bị ung thư. Cũng trên chiếc thuyền này, vừa chăm cha, mẹ con tôi vừa phải chèo đi đánh cá để kiếm ăn và trả tiền thuốc cho cha. “Làm không đủ ăn, hết hôm nay thì lo ngày mai nên không dám mơ đến có nhà trên bờ để ở. Ước mơ đó, nối dài từ đời ông tôi, cha tôi, nay đến đời tôi. Khổ cực nhưng không thể thoát được khi 2 bàn tay trắng", anh Khai trải lòng.
Cũng không khá hơn gia đình anh Khai, hoàn cảnh gia đình anh Ngô Văn Hiệp (SN 1975) cũng vô cùng cơ cực. Sau khi lấy vợ, anh Hiệp bán hết của hồi môn mới mua được chiếc thuyền cũ trị giá 6 triệu đồng để hai vợ chồng sinh sống cho đến tận bây giờ. Chiếc thuyền dài 7m, rộng hơn 2m là phương tiện mưu sinh cũng nơi trú ngụ của vợ chồng anh cùng 3 người con.
Ba lần vợ sinh nở đều một tay anh chăm sóc, ăn ở trên chiếc thuyền này. Thuyền nhỏ, đông người, không thể kê bàn ghế cho con ngồi học nên việc học hành hết sức vất vả. Ở trên thuyền cũng không có điện lưới, chỉ dùng điện ắc quy. Vào mùa mưa gió, cả nhà đành đi ngủ sớm, các con anh không học bài được. Vào mùa nắng, nước sông cạn nên thuyền phải cắm sào xa bờ. Vì thế, để đưa con vào bờ đi học, anh Hiệp phải dùng 1 chiếc thuyền nhỏ “tăng bo”. Nhiều hôm mưa gió, vào đến bờ là người và sách vở cũng ướt nhẹp. Không thể "trụ", anh đành cho đứa con trai đầu nghỉ học từ năm lớp 5. Khổ cực nên vợ chồng anh Hiệp chưa bao giờ dám mơ đến có một ngôi nhà che mưa che nắng ở trên bờ.
“Đời ông, đời cha tôi giờ đến đời tôi, đời con tôi đã được lên mặt đất ở, được đi học tử tế rồi. Tôi như đang nằm mơ”, anh Hiệp xúc động nói.
Anh Nguyễn Trường Sinh (SN 1983), một ngư phủ cũng là trưởng thôn Tiền Phong cũng cho hay, gắn đời mình trên sông nước nên người dân nơi đây hầu như chỉ có một nghề duy nhất là xuôi dòng sông Lam đánh bắt thủy sản. Ngày mưa gió, bão lũ hay nắng ráo, những người dân vạn chài cũng chỉ biết ở trên thuyền, lấy cá làm thức ăn, nước sông làm nước uống. Cả năm chỉ được tháng 8, tháng 9 là mùa làm rươi và tháng giêng mùa cá moi thì thu nhập mới được 2 triệu/tháng còn nữa bấp bênh ngày có, ngày không. Ở cái xóm vạn chài này, miếng ăn còn không đủ nên chẳng có đứa trẻ nào được học hành tử tế. Đứa học cao nhất cũng đến lớp 9 là bỏ để theo nghề cha mẹ.
“Vậy là từ nay, những đứa trẻ trong làng sẽ không bị thất học nữa. Các em đã có chỗ để học bài, có chỗ để ở, có điện thắp sáng để học bài. Dân làng chài thoát khổ rồi”, anh Sinh vui sướng nói.
Hiện thực hoá ước mơ
Ông Hoàng Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết, xã Quang Vĩnh là một trong các xã ngoài đê của huyện Đức Thọ với tổng 89 hộ dân. Hằng năm, các họ dân ở đây chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, lũ lụt bởi nằm ở hạ nguồn sông La và sông Lam. Vào mùa mưa lũ, địa phương này thường xuyên bị ngập lụt dài ngày. Riêng thôn Tiền Phong, có 24 hộ dân chủ yếu sinh sống trên thuyền, không có đất ở, mưu sinh trên dòng sông Lam bằng nghề vận chuyển hàng hóa và đánh bắt cá. Đời sống vô cùng khó khăn, các thế hệ con em ở đây không có đủ điều kiện để đến trường. Mùa bão lũ, 24 hộ dân này đều được chính quyền địa phương di dời đến nhà tránh lũ để đảm bảo an toàn.
"Sau trận lũ vào năm 2021, Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Trung Dũng cùng đoàn công tác về thăm hỏi bà con nhân dân nơi đây. Thời điểm đó, cả thôn Tiền Phong ngập sâu hơn 2m. Chứng kiến đời sống vô cùng khốn khó của người dân, Bí thư Tỉnh uỷ trăn trở, ấp ủ, huy động nguồn lực, hiện thực hoá ước mơ xây nên những ngôi nhà tình nghĩa cho 24 hộ dân làng chài", ông Hùng nói.
Ngay sau chuyến thăm, Bí thư tỉnh uỷ Hoàng Trung Dũng đã chỉ đạo UBND huyện Đức Thọ phải khẩn trương quy hoạch mặt bằng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trưởng Ban chỉ đạo 22, Ban chỉ đạo 99 huyện Đức Thọ đã chuyển đổi gần 4000m2đất sản xuất sang đất ở. Đến tháng 3/2022, 24 ngôi nhà đã được khởi công từ nguồn xã hội hoá do các đơn vị, doanh nghiệp tài trợ. Các hạng mục công trình gồm: Tuyến đường dài 350m kèm theo mương thoát nước dọc và hệ thống cấp điện hoàn chỉnh; 24 căn nhà liền kề, mỗi căn có diện tích mặt bằng mỗi sàn 56 m2, thiết kế theo kiến trúc nhà chống lũ 2 tầng.
“Đây là một trong những công trình hết sức ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và các doanh nghiệp đối với đời sống dân sinh của những hộ vạn chài sống trên sông nước của thôn Tiền Phong”, ông Hùng chia sẻ.
Theo ông Hùng, khó khăn lớn nhất trong quá trình thi công là giá vật liệu tăng cao, vượt hẳn dự toán ban đầu. Nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Ban chỉ đạo 22, huyện đã cùng tỉnh trích ngân sách, chung tay cùng nhà thầu để hỗ trợ thêm, quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ để bàn giao nhà cho người dân trước thềm năm mới.
Sau 9 tháng thi công, ước mơ của 24 hộ dân vạn chài đã được hiện thực hoá. Lễ khánh thành được tổ chức trong niềm vui, hân hoan của người dân nơi đây. Buổi sáng hôm đó, màu cờ đỏ búa liềm, màu cờ đỏ sao vang tung bay phất phới trên khắp các tuyến đường tại thôn Tiền Phong. Hoà trong dòng người, có nụ cười và cả những giọt nước mắt vui sướng lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ của những ngư phủ...
Sáng 11/1, Ban Chỉ đạo 22 tỉnh, Ban Chỉ đạo 99 huyện Đức Thọ tổ chức lễ khánh thành và bàn giao đưa vào sử dụng công trình xây dựng hạ tầng và nhà ở cho 24 hộ vạn chài thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ. Tới dự, có đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thanh Bình, nguyên UVBCH Trung ương Đảng, nguyên Phó ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam.
Hà Tĩnh là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, đặc biệt trong năm 2020 đã xảy ra 02 trận lũ lịch sử liên tiếp vào tháng 10 đã làm cho hơn 4.000 ngôi nhà bị hư hỏng; 53.000 hộ dân bị ảnh hưởng, nhiều công trình hạ tầng kinh tế bị hư hỏng nặng, tổng thiệt hại lên đến trên 5.300 tỷ đồng.
Trước tình hình đó, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU - Nghị quyết đầu tiên của nhiệm kỳ 2020 – 2025: “Về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020; một số định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra”; với nhiệm vụ trọng tâm là “Huy động nguồn lực, sức lao động của Nhân dân, nguồn lực của doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm để hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và xây dựng nhà ở kiên cố cho Nhân dân”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 22 tỉnh) để chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình này.
(Còn nữa)