“Tôi đã có chỗ để thờ cha mẹ”
Là vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ, bao đời nay, người dân xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đã quá quen với những cơn lũ. Trong ký ức của bà Phan Thị Thanh (SN 1950), thôn Chu Trinh, xã Cẩm Duệ, lũ là nỗi khiếp đảm! Thế nhưng, từ khi vợ chồng bà được chính quyền xây dựng căn nhà tình nghĩa này, mỗi mùa mưa lũ đến, bà đã có thể ngủ ngon, không còn nơm nớp nửa đêm phải dậy... chạy lũ.
Bà Thanh nhớ lại, vợ chồng bà cưới nhau, sinh được 5 người con. Căn nhà ván vách đất là chỗ chui ra chui vào của 7 con người. Mọi chi phí sinh hoạt của cả nhà cũng chỉ trông chờ vào đồng lương chế độ bệnh binh của ông Hoàng Kim Cương (SN 1935, chồng bà Thanh). Cuộc sống khó khăn nên căn nhà rách nát mấy chục năm vẫn không thể xây lại. Mỗi mùa mưa bão đến, ruột gan bà cũng rít theo từng cơn gió. “Thương nhất là bàn thờ cha mẹ quanh năm bị dột nước. Vào mùa mưa bão, tôi cứ canh cánh lo sập nhà, sập mất bàn thờ cha mẹ”, bà Thanh ngậm ngùi.
Rồi cơn lũ kinh hoàng vào tháng 10 năm 2020 cuốn phăng tất cả mọi thứ, cả căn nhà xập xệ che mưa che nắng của vợ chồng bà cũng không còn. Tám ngày đi tránh lũ trở về, vợ chồng bà Thanh khóc ngất, tìm di ảnh cha mẹ giữa đống hoang tàn đổ nát. Niềm hi vọng sống của vợ chồng bà thắp lên khi được duyệt trong danh sách của chương trình xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và xây dựng nhà ở kiên cố cho Nhân dân do Ban chỉ đạo 22 tỉnh thực hiện.
Gia đình bà Thanh được nhà hảo tâm hỗ trợ 70 triệu đồng, còn lực lượng chính quyền, các đoàn thể địa phương hỗ trợ ngày công, góp sức giúp vợ chồng bà hoàn thành căn nhà chỉ trong vòng 4 tháng. “Đây là cái Tết thứ 2, gia đình tôi được đón năm mới trong căn nhà ấm cúng, bàn thờ cha mẹ được sạch sẽ, tươm tất. Gia đình tôi đội ơn Đảng, Nhà nước, các nhà hảo tâm. Nếu không được giúp đỡ, cả đời vợ chồng tôi cũng không thể xây nổi căn nhà để ở”, bà Thanh xúc động.
Cách nhà bà Thanh mấy bước chân là nhà của ông Đậu Đình Khóa (SN 1942) và bà Lưu Thị Nguyệt (SN 1950). Trong căn nhà màu sơn còn rất mới, con cháu ông bà đang quây quần, cùng làm đèn nháy, trang trí đón Tết. Bà Nguyệt hồ hởi cho biết, con cháu bà đã về đông đủ. Năm nay, nhà bà vui hơn khi con gái làm việc bên Thái Lan cũng về đón Tết cùng gia đình.
Cũng như nhiều hộ tại vùng rốn lũ này, gia đình bà Nguyệt sống chung với lũ hàng chục năm nay. Bà vẫn nhớ như in sự tàn phá khủng khiếp của từng cơn lũ vào năm 1983, năm 2010, năm 2017 và cơn lũ lịch sử năm 2020. Thời điểm đó, cả nhà bà phải di dời lên nhà bác ruột trên đồi để trú. Mười bảy ngày sau lũ, vợ chồng bà trở về nhà thì chẳng còn lại gì ngoài đống bùn và gỗ mục. Từ sự khâu nối của Ban chỉ đạo 22 tỉnh, huyện, được các nhà hảo tâm giúp đỡ, hỗ trợ tiền xây nhà, vợ chồng bà bán thêm con bò – tài sản duy nhất giữ được, cùng cơ quan đoàn thể hỗ trợ ngày công cất lên ngôi nhà mới.
“Căn nhà cũ vợ chồng tôi ở gần 44 năm mà không thể xây lại được. Nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền, các nhà hảo tâm, không biết đến bao giờ chúng tôi mới có nhà để ở. Bây giờ, mưa lũ là cả nhà trèo lên gác ngồi, không phải lo lắng gì nữa. Tết đến, cả nhà con cháu quây quần bên mâm cơm trong căn nhà cao ráo, sạch sẽ, không hạnh phúc nào bằng”, ánh mắt bà Nguyệt long lanh.
Nguồn lực và sức lực, đúng tâm nguyện của Nhân dân
Theo ông Nguyễn Thanh Long, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Cẩm Xuyên, cũng là Phó Ban chỉ đạo 22 huyện Cẩm Xuyên, cá nhân ông đánh giá, đây là chương trình thực hiện được đúng tâm nguyện của Nhân dân.
Cẩm Xuyên là huyện có nhiều hồ đập lớn như: Kẻ Gỗ, Sông Rác, Bộc Nguyên; nhiều xã, thị trấn thuộc hạ du Kẻ Hỗ. Địa hình nằm gần các hồ đập lớn nên mùa mưa, nguy cơ ngập lũ lớn, thời gian ngập dài ngày, ảnh hưởng đời sống; chất lượng các công trình, nhà ở xuống cấp rất nhanh. Người dân vùng hạ du, mỗi mùa mưa bão đến luôn sống trong cảm giác lo lắng, sợ hãi. Những căn nhà tình nghĩa kiên cố với kiến trúc nhà chống lũ đã giải quyết được bài toán này.
Ông Long cho hay, thông qua Ban chỉ đạo 22 tỉnh kêu gọi nguồn lực, đến nay, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên đã xây dựng được 114 ngôi nhà cho các gia đình khó khăn, nhà có công cách mạng. Tính riêng năm 2022, huyện hoàn thành được 112 nhà với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng, trong đó có 55 xây mới, bàn giao cho người dân trước thềm năm mới 2023.
“Nhiều hộ sống trong những căn nhà nhiều năm không đúng nghĩa là nhà. Nay được xây mới, có nhà để đón Tết họ phấn khởi lắm, gặp đâu cũng bắt tay cảm ơn chính quyền. Đối với cá nhân tôi, đây chính là sự ưu việt của chế độ ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, luôn quan tâm đến người nghèo, người khó khăn, yếu thế, đặc biệt gia đình chính sách có công cách mạng”, ông Long chia sẻ.
Theo đồng chí Phó ban chỉ đạo 22 huyện Cẩm Xuyên, ngoài nguồn lực là tiền tài trợ của các nhà hảo tâm, để giúp người dân xây được ngôi nhà kiên cố với chi phí thấp nhất là nhờ vào “sức lực” của tất cả các lực lượng. Huyện Cẩm Xuyên đã thành lập đội tình nguyện bao gồm: Cựu chiến binh, hội nông dân, các đoàn thể để hỗ trợ ngày công, giúp các hộ giảm thiểu chi phí, tăng chất lượng công trình.
“Riêng với huyện Cẩm Xuyên, phấn đấu đến năm 2024, tất cả đối tượng chính sách hộ nghèo, cận nghèo, hộ có nhà ở xuống cấp đều được xây mới. Từ năm 2024 trở lên, sẽ hỗ trợ sinh kế, nâng cấp các nhà ở xuống cấp, gắn mục tiêu đưa huyện nhà về đích NTM nâng cao trong năm 2024. Đây là một trong những chương trình rất nhân văn, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, đảm bảo tinh thần của Chính Phủ: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Kỳ cuối: Khi cán bộ gần và hiểu dân