Trên đường Bạch Đằng thuộc địa bàn phường 24, quận Bình Thạnh, rẽ vào một con hẻm nhỏ, đi hết con đường dài gần một cây số có một khu chợ đặc biệt. ở đây, nhà cửa hai bên đã cũ kĩ. Khu chợ mang tên ngôi chùa tọa lạc trong khu vực: chợ Long Vân. Chợ họp từ rất sớm, với những mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu hằng ngày của người dân. Hiếm ai có thể ngờ rằng, chỉ cách những con đường xô bồ chưa đầy vài chục mét, lại có một khu chợ yên bình, với những con người mộc mạc, chân thành đến như vậy. Những mặt hàng ở chợ Long Vân ít nhiều đều rẻ hơn những chợ lớn khác. Có lẽ bởi vì người dân ở đây đa phần là dân lao động, công nhân nên những tiểu thương buôn bán ở chợ chấp nhận kiếm những đồng tiền lời ít hơn so với những chợ khác.
Ngoài những hàng rau, hàng thịt cá điều đặc biệt ở đây là những gánh hàng rong, và những quán nhỏ bán những món ăn từ khắp mọi miền đất nước như bánh căn, bánh xèo, bún riêu… Thêm nữa lại có những rổ bánh cam, khoai lang, khoai mì của những chị cắp bên nách đi bán dạo khắp chợ. Vào mỗi buổi sáng, những tiếng rao, những tiếng mời mọc làm huyên náo thêm cho một khu chợ mang chất thôn quê trong lòng Sài Gòn. Khi chiều xuống là giờ tan ca, giờ đi làm về của mọi người, khu chợ lại thêm một náo nhiệt. Những khuôn mặt mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng vội vàng mua thức ăn về cho kịp bữa cơm chiều.
Một góc chợ quê ở Sài Gòn
Thời điểm buổi chiều, những hàng ăn lại la liệt người ngồi. Một chủ quán bán bún riêu có thâm niên ở đây gần hai mươi năm cho biết: Ngày nào bà cũng dọn hàng hai bận, sáng sớm và chiều. Khách hàng đa phần là khách quen. Có những cô cậu sinh viên trước từng ở đây quen ăn bún cô nấu, sau dọn đi chỗ khác thỉnh thoảng vẫn ghé ăn. Những người buôn bán ở đây hiền lành. Người mua hàng không cần mặc cả vì giá đã rẻ hơn những chợ khác. Cuộc sống của người sống ở chợ này chưa hẳn sung túc nhưng họ vẫn sống bình yên và hài lòng với những gì mình có.
Cũng tại địa bàn quận Bình Thạnh, gần bến xe Miền Đông trên đường Nguyễn Xí ở hẻm 201 cũng có chợ quê. Người bán, người mua nói chuyện vui vẻ, không mặc cả, kì kèo. Họ sống bình yên, an phận với với những gì mình có.
Trong tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng lo bị mua hàng giá cao mà chất lượng không đảm bảo thì những tiểu thương ở khu chợ nhỏ vẫn có khách hàng của riêng mình, thậm chí còn nhiều hơn thời gian trước. Với bó rau, mớ cá buôn bán ở chợ quê này, những tiểu thương có thể lo được cho gia đình mình một cuộc sống no đủ. Gắn bó với nghề, nghề không phụ mình, là những gì mà tiểu thương ở đây tâm niệm. Những người buôn bán ở đây đa phần là người dân khắp ba miền đất nước tụ về. Họ sống trong những căn nhà thuê, những phòng trọ chật hẹp và thuê lại mặt bằng của những người dân bản xứ để mưu sinh.
Không thể thống kê hết ở Sài Gòn còn có bao nhiêu khu chợ như vậy. Chợ chỉ họp vào những giờ cao điểm, sáng sớm và chiều tối. Tùy theo nhu cầu của người mua xung quanh vùng mà hàng hóa cũng đặc trưng. Chợ Phạm Văn Bạch ở địa bàn quận Tân Bình và Gò Vấp có hơn 90% là người từ miền Bắc, nên chợ bán những mặt hàng phù hợp với nhu cầu của người Bắc như: cá chép, cá trắm, thịt cầy và những mặt hàng rau củ quả khác cũng mang đậm nét phương Bắc.
Nhịp sống Sài Gòn vẫn hằng ngày hối hả, con người vẫn hàng ngày tất bất với cuộc sống mưu sinh. Và những khu chợ mang dáng dấp thôn quê ấy vẫn đều đặn hoạt động mỗi ngày tạo thêm những nét rất riêng, rất khác biệt của Sài Gòn.
Nguyên Việt