Lâu lắm rồi, tôi và bạn mới có cơ hội gặp nhau, giữa tiết trời Hà Nội đang vào độ nắng nóng. Cùng xuất thân nơi miền quê cát trắng bạc màu, bạn quyết chí vào Sài Gòn học đại học và định cư trong Nam, tôi thì vì một lý do riêng tư mà chọn lựa học đại học và mưu sinh ngoài Bắc. Gần 6 năm rồi, chúng tôi mới có dịp ngồi cùng nhau, bên cốc bia vỉa hè, khi bạn có công việc ở Hà Nội.
Thời gian là chúa tể của muôn điều, con người hiện hữu trên trần thế này, như cơn gió thoảng qua. Trong cuộc sinh tồn đó, có người thành kẻ bại, có người sống một đời ấm êm, có kẻ suốt kiếp cơ cực. Đặc biệt, khi những người cùng sinh trưởng trong một hoàn cảnh khó khăn tương đối giống nhau, thì việc thành công hay thất bại trên hành trình mưu sinh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chính người đó.
Bạn bè lâu ngày gặp nhau, đương nhiên sẽ hỏi han về cuộc sống của nhau. Dạo này có ổn không? Mọi thứ ô kê cả chứ?
Người có đời sống ổn định, không nhiều biến động, về cơ bản mọi thứ vẫn như vậy, cứ cái đà đó mà tiến tới. Người có nhiều thay đổi trong cuộc sống, thì đôi khi bình yên (bình an) đã lấy làm mừng. Giữa chúng tôi, cái khoảng cách đó không quá rộng, bởi mỗi người đều đang phát triển tốt theo chí hướng và con đường mình chọn lựa.
Tôi kể chuyện chạy grab cho bạn nghe, câu chuyện về những người suốt ngày lang bạt ngoài đường, và rất nhiều bạn trong số đó là những người đã từng kinh qua bao nhiêu loại hình công việc. Dù cùng làm nghề xe ôm như nhau, nhưng câu chuyện đến với nghề thì mỗi người mỗi cảnh.
Câu chuyện chung của tất cả mọi người, thì vẫn là sự chọn lựa mang tính tình thế hiện hữu, kiểu chạy grab như một loại hình công việc làm thêm, hoặc chỉ làm một thời gian rồi nghỉ.
Họ chọn vậy cũng đúng, bởi nghề lái xe ôm là một loại hình công việc khá vất vả, nguy hiểm, và hao mòn sức khỏe lớn. Trong rất nhiều tài xế đó, chỉ một số là bám trụ lâu dài, làm liên tục nhiều năm. Nhưng đa phần những tài xế chạy lâu năm, lấy chạy xe làm thu nhập chính để nuôi gia đình, thường sức khỏe có vẻ ít nhiều giảm sút.
Và trong hành trình chạy xe đó, tôi gặp nhiều bạn trẻ, tuổi đời tầm trên dưới ba mươi, kể với tôi về cuộc sống khó khăn. Họ tự nhận mình là những kẻ thất bại, khi kinh doanh phá sản, lỡ lậm bài bạc, cá độ. Nhiều người trong số họ đang nợ ngân hàng tiền tỷ. Hiển nhiên, thu nhập từ việc chạy xe, dẫu chạy không nghỉ ngơi, cũng không đủ tiền trang trải cuộc sống và trả lãi ngân hàng.
Nợ chồng thêm nợ, đời sống gần như rơi vào bước đường cùng. Bởi, tài sản (nhà, đất) gần như thế chấp hết, mà nếu có còn để bán thì thời buổi giá bất động sản dường như chững (có nơi giá nhà, đất còn xuống) thì gần như không đủ để trả hết các khoản nợ. Cuộc đời, cũng vì thế mà không lối thoát.
Câu chuyện về những người rơi vào tình cảnh tồn tại “ngàn cân treo sợi tóc” không phải là hi hữu. Tôi kể cho bạn nghe về một người tôi quen biết, rằng bố mẹ cho đất đã bán hết, bản thân đang mắc bệnh, nhà có bốn đứa con, vợ vì chăm lo cho gia đình nhiều nên cũng bị đau yếu, và nợ đâu đó vài trăm triệu. Tất cả mọi nguyên nhân, là vì người đó nghiện bài bạc. Giờ không nhà, không tiền, không công việc ổn định, gần như tay trắng.
Có thể, nhiều người trong chúng ta không tin, rằng làm gì có người rơi vào hoàn cảnh bị đát đó. Nhưng thực tế, rất nhiều câu chuyện tôi biết, rất nhiều người tôi gặp, đều có hoàn cảnh tương tự. Đôi lần, tôi tự hỏi: Nếu tôi rơi vào tình thế như họ, thì liệu tôi có sống nổi không? Có chăng, thất bại là kết thúc?
Nhưng tôi không thể tìm ra câu trả lời, bởi vì, nếu là tôi thì tôi không thể nào để bản thân mình rơi vào hoàn cảnh đó. Người bạn ngồi cùng bàn với tôi cũng vậy, làm sao có thể để sai lầm nối tiếp sai lầm, thất bại nối tiếp thất bại, tự chôn vùi bản thân như vậy. Làm người, ai không từng đôi lần thất bại, nhưng nhiều người cố ý lặp lại thất bại, nên mới dẫn tới kết thúc!
Tôi từng chứng kiến câu chuyện về một người anh, làm kinh doanh trong lĩnh vực cà phê, những năm bão giá, dẫn đến kết cục là một doanh nghiệp lớn bị phá sản hoàn toàn, và hệ lụy là anh không còn bất cứ cơ hội nào để làm lại từ đầu. Tiền nợ và lãi, phải đến hơn hai mươi năm sau mới trả xong.
Câu chuyện về người anh kinh doanh cà phê thua lỗ kia, là do hoàn cảnh khách quan, do thị trường chi phối, do thương trường đầy cạnh tranh khốc liệt. Cuối hành trình, thì anh vẫn thành công, lo cho con học hành đến nơi đến chốn, nợ nần trả xong.
Bạn tôi bảo: Muốn vượt thoát ra hoàn cảnh đó, thì phải có ý chí lớn, nghị lực lớn, và phải biết tính toán.
Tôi cũng không biết được, những người bạn trẻ kia có vượt qua được những khó khăn của chính họ hay không, nhưng thông qua câu chuyện của người anh kinh doanh cà phê bị phá sản kia, tôi vẫn tin, rằng: Thất bại chưa phải là kết thúc, nếu mình quyết tâm phấn đấu bằng tất cả sức lực và trí lực của mình.
Bởi, cuộc sống ngày nay không có con đường cùng, vấn đề nằm ở bản thân ta cả thôi. Một người không biết phấn đấu vì một tương lai tốt đẹp hơn, thì mọi hoàn cảnh đều không khả thi. Một người biết kiên cường phấn đấu, thì dẫu cực nhọc, nhưng không sớm thì muộn, chắc chắn có kết quả khả quan. Và thất bại, đơn giản chỉ là một thử thách cần vượt qua.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.