Không một ví dụ nào sống động và cay đắng bằng trận đấu đêm qua, nỗ lực đến tận cùng và vẫn thất bại. Nó đau đớn làm sao, nó cay đắng đến nhường nào.
Chúng ta an ủi nhau rằng: Bóng đá là thế nhưng cuộc đời là thế. Không phải mọi nỗ lực tột cùng đều mang đến thành công như sách vở, danh ngôn hay thiên hạ nói đâu.
Chúng ta phải học cách chấp nhận rằng có những điều, không chỉ là bóng đá, chúng ta đã làm tận cùng khả năng mình có, nhiều hơn năng lực mình có, nhưng kết quả chúng ta vẫn chịu thất bại. Chỉ là “thất bại” sau tận cùng cố gắng nó sẽ được viết bằng cách khác chữ thất bại vì bản thân kém cỏi.
Chúng ta có hàng vạn cách để lý giải cho một thất bại, trong đó bao gồm cả đổ lỗi. Và chúng ta cũng có từng đó cách để an ủi lẫn nhau, bao gồm lý do may mắn không mỉm cười. Thất bại nào cũng khó nuốt trôi như nhau. Thất bại sau tận cùng cố gắng lại càng khó nuốt trôi, như xương mắc ngang họng vậy.
Nên thật chẳng trách nhiều người Việt có một đêm thức khuya rồi mất ngủ, nhiều đổ lỗi đã được ném ra, nhiều niềm tin đã sụp đổ. Nó nhắc tôi về những đứa trẻ 30 điểm vẫn trượt đại học. Những 0,25 điểm còn thiếu trong những kỳ thi, những suýt soát thì thành công mà hầu hết chúng ta đều đã trải qua một vài lần trong đời mình.
Thất bại vì biết mình không thể thắng là thất bại mình ta chịu, cay đắng mình ta mang. Nhưng thất bại sau tận cùng cố gắng thì khác, nó khiến nhiều người quanh ta xót xa và có thể khiến ta phải chịu những phán xét vô cảm. Bởi cuộc đời này không phải ai cũng chịu nhìn vào sự cố gắng đến tận cùng mà ta đã nỗ lực.
Nhiều người thật “lý trí” khi họ chỉ nhìn vào kết quả thay vì nhìn vào hành trình. Nên thất bại đó cay đắng hơn là thế. Là những đứa trẻ sau tận cùng cố gắng mà bố mẹ chỉ quan tâm đến kết quả con mình thua. Họ nói đó là “thuốc đắng giã tật”. Họ gọi nó là “Dạy con chấp nhận sự thật”.
Và khi đó, thất bại nào cũng như nhau: Là thất bại, là thua cuộc, là phải chịu phán quyết. Cũng có những cha mẹ ngoài miệng an ủi con nhưng hành động thì thất vọng lộ ra mặt. Nó cũng chẳng khác nào những phán quyết đắng đót cả.
Trận đấu đêm qua, thất bại đêm qua lại thêm một lần nữa khiến tôi nghĩ về việc làm cha, làm mẹ của chính chúng ta. Nếu những đứa trẻ của chúng ta đã dốc toàn lực, nỗ lực đến tột cùng, cố gắng đến tận cùng mà vẫn thất bại thì chúng ta phải làm gì? An ủi con mình hay vẫn chúc mừng chúng vì chúng đã rất nỗ lực?
Tôi chọn cách chúc mừng con mình. Hãy cứ khóc đi hỡi những chàng trai, cô gái. Thất bại chúng ta được quyền rơi nước mắt. Nhưng những giọt nước mắt đó không phải cho sự kém cỏi của bản thân mà là cho những nỗ lực mà chúng ta đã bỏ ra mà chưa đạt được.
Đau mà! Nhưng khóc xong thì gạt nước mắt đi và đứng dậy. Vì ta thất bại trong kết quả chứ không thất bại trong hành trình, hoặc ít ra, chúng ta đã làm hết khả năng của mình, thắng được chính mình của hôm qua. Thành công nằm ở phía trước và thất bại luôn chỉ đứng ở đằng sau. Chỉ có vượt qua thất bại thì chúng ta mới đến được thành công.
Hoặc ít ra, ta có thể thay đổi sau mỗi thất bại, để thất bại lần sau gần hơn chút nữa, chút nữa với thành công. Một thất bại rực rỡ đôi khi có giá trị hơn một thành công rơi vào đầu. Hãy thất bại một cách rực rỡ nhất để trưởng thành hơn chính ta hôm qua!
Hoàng Anh Tú