Trong bản báo cáo cuối cùng của Australia về công tác tìm kiếm máy bay số hiệu MH-370 của Malaysia Airlines đã khẳng định một sự thật đáng buồn: Chiếc Boeing 777 với 239 hành khách mất tích không hề nằm trong khu vực tìm kiếm mà họ đã khoanh vùng trong suốt 3 năm qua.
Bí mật bị chôn vùi?
“Vụ tai nạn là điều khó có thể tưởng tượng và càng không thể chấp nhận trong kỷ nguyên hàng không hiện đại. Một máy bay thương mại lớn mất tích và cả thế giới không biết số phận của chiếc máy bay cùng những hành khách của nó ra sao”, Cục An toàn Giao thông vận tải Úc (ATSB) viết trong báo cáo cuối cùng được công bố hôm đầu tháng 10.
Ngoài ra, thông tin về việc phi công Zaharie Ahmad Shah, sáu tuần trước chuyến bay, đã bay một tuyến đường mô phỏng hành trình của MH370 cũng được cho là không có căn cứ.
Những mảnh vỡ được nghi ngờ tìm thấy cũng được các chuyên gia tuyên bố rằng chưa thể nói lên được điều gì. Đã có khoảng 20 mảnh vỡ được phát hiện ở vùng biển phía Tây Ấn Độ Dương nhưng hầu hết chưa được xác nhận thuộc về chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines.
Bản báo cáo cũng công bố chi tiết khoản chi phí tìm kiếm 154 triệu USD có sự đóng góp của Malaysia (58%), Australia (32%) và Trung Quốc chỉ là 10%, mặc dù hai phần ba số hành khách mang quốc tịch Trung Quốc, một điều cho thấy, quốc gia này không có nhiều niềm tin trong vào khả năng phát hiện được tung tích của chiếc máy bay xấu số.
Đội tìm kiếm tiếp MH370 đã từng rất tự tin đã khoanh vùng vị trí chiếc máy bay rơi và khẳng định gần như chắc chắn sẽ tìm thấy tung tích nào đó đến từ đối tượng bị nạn. Thế nhưng, sự thừa nhận thất bại trong bản báo cáo nói trên đã mang đến một bất ngờ cho công chúng.
Jean-Paul Troadec, người đứng đầu hoạt động tìm kiếm máy bay AF447 của Pháp - một trong những máy bay mất tích tương tự MH370 cho rằng - ngay từ khi xác định điểm rơi sai, đội tìm kiếm của Australia, Malaysia và Trung Quốc đã bỏ lỡ đi cơ hội cuối cùng. Theo đó, nguyên tắc tìm kiếm máy bay rơi phải tuân thủ theo trình tự: Tìm mảnh vỡ đầu tiên; làm việc trong khu vực vụ tai nạn xảy ra và bước cuối cùng mới là tìm dưới biển.
Troadec cho biết, mọi nỗ lực sẽ là vô ích nếu cứ cố gắng tìm kiếm dưới nước mà không hề chắc chắn về vị trí tai nạn. “Một khi bạn có được mảnh vỡ, các chuyên gia có thể tính toán vị trí tai nạn chính xác dựa trên hướng gió và dòng chảy. Với mỗi phút trôi qua, những mảnh vỡ sẽ bị phân rã và chìm xuống biển, khiến cho công cuộc tìm kiếm càng trở nên khó khăn hơn".
Thế nhưng sự cố gắng được cho là không đủ. Trong 3 năm qua, Australia đã tiến hành 334 cuộc tuần tra trên không với 3.137 giờ dò tìm. Huy động 10 máy bay dân sự, 19 máy bay quân sự và 14 tàu.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng sử dụng đến 21 vệ tinh, 18 tàu (bao gồm tám tàu trang bị máy bay trực thăng) và 5 máy bay, rà soát khu vực có diện tích 1,5 triệu km vuông. Dẫu vậy, lực lượng các nước vẫn không thể tìm thấy bất kỳ một mảnh vỡ nào liên quan đến MH370 một cách vô cùng kỳ lạ.
Những thuyết âm mưu
Những bí ẩn xung quanh chuyến bay MH370 đã dấy lên những thuyết âm mưu vô tận đến từ nhiều đối tượng từ công chúng cho đến các chuyên gia kỹ thuật và chuyên gia hàng không. Một trong số lời đồn đoán đầu tiên về sự biến mất của chiếc máy bay là phi công Zaharie Ahmad Shad đã tự tử bằng cách cố tình lái máy bay lao xuống biển. Tuy nhiên, cảnh sát Malaysia đã ngay lập tức lên tiếng bác bỏ nghi ngờ này.
Nhiều chuyên gia khác lại kết luận, đã có một đám cháy trên khoang máy bay. Ngọn lửa có thể bùng phát trong buồng lái hoặc ở một bộ phận nào đó của máy bay do bị quá nhiệt.
Tình huống này khiến phi công buộc phải tìm kiếm nơi hạ cánh khẩn cấp tại sân bay gần nhất. Tuy nhiên, để tránh khỏi thảm kịch máy bay rơi xuống thành phố khiến hàng triệu người chết, phi công Zaharie đã lựa chọn lái máy bay xuống đại dương như một hành động anh hùng.
Một giả thuyết lại cho rằng đã có một sự cố trên chuyến bay và cơ trưởng đã quyết định bay trở lại Malaysia để xử lý vấn đề. Tuy nhiên sự cố này có thể khiến nguồn dưỡng khí trong máy bay bị mất ổn định khiến toàn bộ phi hành đoàn ngất xỉu. Chiếc máy bay đã không thể hạ cánh khẩn cấp và tiếp tục bay ra Ấn Độ Dương mà không có ai cầm lái cho đến khi hết nhiên liệu.
Một chi tiết đáng lưu ý khác là khi vụ việc xảy ra vào năm 2014, cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad từng lấp lửng cho rằng, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Mỹ đã “giấu giếm điều gì đó”.
Đến cuối năm nay, một cựu Giám đốc hãng hàng không Pháp lên tiếng cáo buộc Mỹ bắn hạ MH370 vì sợ chiếc máy bay chuẩn bị được sử dụng cho một cuộc tấn công khủng bố.
Ngoài ra còn có những thuyết âm mưu hài hước khác như Triều Tiên đã bắn hạ máy bay, hay Nga làm sai lệch radar của MH370 để đổi hành trình bay về phía Kazakhstan và Tổng thống Nga Vladimir Putin biết chính xác nơi vụ tai nạn xảy ra.
Trong khi đó theo khảo sát bởi trang Reason.com có rất nhiều người Mỹ còn tin rằng chiếc máy bay bị bắt cóc bởi người ngoài hành tinh.