Thật - giả những bộ hồ sơ làm chế độ chất độc da cam (Kỳ 2)

Thật - giả những bộ hồ sơ làm chế độ chất độc da cam (Kỳ 2)

Thứ 5, 27/06/2013 16:27

Ông Nguyễn Thanh S. đã chính thức bị các cơ quan chức năng thị xã Phúc Yên tạm ngừng chi trả lương trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày 7/6/2013 để phục vụ điều tra. PV báoNguoiduatin.vn đã có cuộc tiếp xúc với ông S., ông này cho rằng, mình chỉ là nạn nhân??!

Trong buổi làm việc, ông S. cũng chỉ đưa ra được một giấy xác nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự của Ban CHQS huyện Đô Lương cấp ngày 17/7/2009 và quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ của bộ Tư lệnh quân khu 2 cấp ngày 17/6/2010 (toàn bộ các giấy tờ là phô tô). Các giấy tờ liên quan đến chế độ chất độc da cam thì ông S. nói do Phòng LĐTB&XH thị xã Phúc Yên nắm giữ...

"Tôi không chạy chọt gì hết"?

Để rộng đường dư luận, PV đã liên hệ và trực tiếp làm việc với ông Nguyễn Thanh S. nội dung đơn tố cáo mà các cựu chiến binh thôn Bắc Ái phản ánh. Ông S. khẳng định: "Nhìn chung nội dung đơn tố cáo là sai sự thật".??! Ông S. cũng đưa ra hàng loạt những giấy tờ mà ông  cho rằng đó là kỷ niệm và bằng chứng về một thời "máu lửa". Tuy nhiên, toàn bộ các giấy tờ ông S. đưa ra đều là các bản giấy phô tô, ông S. không đưa ra được bất kỳ các giấy tờ liên quan đến hồ sơ gốc làm chế độ chất độc da cam?

> Đọc thêm: Thật - giả những bộ hồ sơ làm chế độ chất độc da cam (Kỳ 1)

Xã hội - Thật - giả những bộ hồ sơ làm chế độ chất độc da cam (Kỳ 2)

Đối tượng Trần Anh Quyết liệu có liên quan gì đến vụ việc của ông S.

Theo ông S.: "Thời gian khói lửa, chiến tranh, chẳng thấy ai có ý kiến gì, nhưng giờ tôi được chế độ, họ bức xúc cũng là điều dễ hiểu". Ông S. cho biết, năm 2003 ông có sinh được 2 đứa con nhưng bị mất do bạo bệnh. Lúc ấy chính quyền địa phương thấy hoàn cảnh của ông nên "quan tâm" và có tới 4 lần gọi ông ra xã làm chế độ. "Chính quyền địa phương bảo tôi thiếu giấy tờ gì thì tôi cung cấp giấy tờ ấy. Chính quyền, bảo tôi đi giám định sức khoẻ thì tôi đi giám định, chứ kỳ thực tôi không chạy chọt gì hết".

Về thời gian công tác, ông S. cho biết, ông nhập ngũ năm 1971, thời gian suốt 3 năm (1972 - 1975) ông tham gia chiến đấu tại mặt trận B5 - Đ9. Tới năm 1978 ông S. mới trở về xã Ngọc Thanh (thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc) làm y tá tại đại đội 3 trường Vận tải - Cục vận tải - Tổng cục Hậu cần. Theo giải thích của ông S. và những giấy tờ cung cấp cho PV thì, ông Nguyễn Thanh S. sinh năm 1948, nhập ngũ tháng 6/1971 và xuất ngũ tháng 7/1982 với quân hàm thượng uý chuyên nghiệp. Trong buổi làm việc, ông S. liên tục nói về những thành tích cá nhân của mình trong suốt thời gian công tác: "Các đồng chí lãnh đạo của Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh là biết đến tôi nhất vì những thành tích tôi cống hiến cho Hội"?

Ông S. kể, cả cái xã Ngọc Thanh này đều biết ông mất 2 đứa con vì bệnh tật, hiện ông còn nắm giữ 2 nắm tro cốt của chúng như một phần máu thịt của ông. Giờ thì mẹ già lại bị bệnh tật đầy mình, các cháu nhỏ của ông S. hiện tại cũng có dấu hiệu của di chứng chất độc màu da cam (?).

Xã hội - Thật - giả những bộ hồ sơ làm chế độ chất độc da cam (Kỳ 2) (Hình 2).

Kỷ niệm chương của ông S.

Trong khi ông S. tỏ ra khá tự tin khi đưa ra các giấy tờ chứng minh về hồ sơ hợp pháp của mình trong quá trình làm giấy tờ chế độ chất độc da cam, thì những người đồng đội của ông S. tại trường Vận tải đều đồng loạt khẳng định, hồ sơ của ông Nguyễn Thanh S. có khá nhiều điểm khuất tất cần làm rõ.

Theo xác nhận của ông Nguyễn Sông Thao (trú tại xã Tứ Yên, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc), thì năm 1979, ông Thao là cán bộ chỉ huy Trung đội trưởng C2 trường Vận tải (Cấp bậc Trung úy chỉ huy). Thời điểm đó, ông Thao xác nhận ông Nguyễn Thanh S. là hạ sĩ y tá thuộc C3 trường vận tải, đóng quân tại xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Văn Khánh (thôn Chung, xã Ngọc Thanh - nguyên là thiếu úy, giáo viên thuộc C7 trường Vận tải - PV) người trực tiếp cùng đơn vị đi đón tân binh về đơn vị trong đó có xác nhận ông Nguyễn Thanh S. là tân binh quê ở huyện Kim Sơn, Ninh Bình về đại đội 3 trường Vận tải - Cục Vận tải. Theo xác nhận của ông Khánh thì năm 1982, ông S. ra quân với cấp bậc trung sĩ y tá thuộc C3.

Tuy nhiên, trước những xác nhận của đồng đội tại cùng đơn vị, ông Nguyễn Thanh S. cho rằng: "Tôi vào chiến trường và hoạt động tại mặt trận B5 - Đ9, sau đó mới về trường Vận tải tại xã Ngọc Thanh". Khi PV hỏi vậy ông S. nhập ngũ trước hay sau những đồng đội trên thì ông S. cho rằng cái đó ông không rõ. Hơn nữa những vị này đều ở "C" khác thì làm sao có thể nắm rõ được lý lịch của ông S. được?.

Xã hội - Thật - giả những bộ hồ sơ làm chế độ chất độc da cam (Kỳ 2) (Hình 3).

Biên bản xác minh về thời gian nhập ngũ của ông Nguyễn Thanh S.

Tạm ngưng chế độ để xác minh, làm rõ

Trước đó, công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định khởi tố vụ án, bắt giam đối tượng Trần Anh Quyết (SN 1952) trú tại phường Xuân Hòa, Vĩnh Phúc về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó từ năm 2010, đối tượng này móc nối với các đối tượng khác gặp gỡ những người đã có quá trình công tác, chiến đấu tại các chiến trường miền Nam trước 30/4/1975 có nhu cầu làm thủ tục đề nghị hưởng chế độ trợ cấp nhiễm chất độc da cam/điôxin, rồi đưa mẫu giấy in sẵn và yêu cầu họ hoàn thiện một bộ hồ sơ gồm: Một đơn xin gia nhập Hội cựu chiến binh chiến sỹ Trường Sơn và một đơn xin xác nhận thời gian công tác trong Quân đội (thủ tục bắt buộc đối với mọi trường hợp) để làm thủ tục xin cấp Giấy xác nhận Quân nhân thuộc đơn vị công tác trong khu vực có chất độc hóa học và yêu cầu mỗi người nộp tiền với mức thấp nhất là 2.600.000 đồng; cao nhất là 20.000.000/1 bộ hồ sơ.

Liên quan đến vụ việc của ông Nguyễn Thanh S. thôn Bắc Ái, xã Ngọc Thanh bị tố cáo giả mạo giấy tờ, khai tăng tuổi, tăng thời gian quân ngũ để hưởng chế độ chất độc da cam. Một vị lãnh đạo thị xã Phúc Yên (xin được giấu tên) cho biết: Ông Nguyễn Thanh S. trong quá trình làm việc với phòng LĐ&TBXH thị xã Phúc Yên ngày 3/6 đã không đưa ra được các giấy tờ (hồ sơ gốc) để chứng minh thời gian hoạt động tại khu vực bị Mỹ rải chất độc hoá học. Tại buổi làm việc ông S. đã đề nghị cho ông thời gian 2 tháng để về đơn vị lấy lại toàn bộ hồ sơ gốc để trình các cơ quan chức năng. Phòng LĐ&TBXH thị xã Phúc Yên đã tạm ngưng lương và các chế độ trợ cấp đối với ông Nguyễn Thanh S. kể từ ngày 7/6/2013 để tiếp tục thẩm tra làm rõ.

Trong một diễn biến khác, ngày 4/6, một tổ công tác do UBND xã Ngọc Thanh cử đã trực tiếp tới xã Yên Phong, huyện Yên Mô (nay là Kim Sơn), tỉnh Ninh Bình nơi gia đình ông S. sinh sống để xác minh về lý lịch. Tại buổi làm việc giữa đại diện công an xã Yên Phong, các đồng đội cùng nhập ngũ với ông S. là các ông (Phạm Văn Tiếp, sinh năm 1957, trú tại xã Quang Sơn, thị xã Tam Điệp; Nguyễn Phúc An, sinh năm 1956, trú tại xã Yên Phong, Yên Mô).

Theo báo cáo của ông An, ông Tiếp thì ông Nguyễn Thanh S., sinh năm 1958 (không phải năm 1948) có cùng trú quán tại xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình. Ngày 30/6/1977, ông S. cùng các ông An, Tiếp, Mười, Lực, Cơ, nhập ngũ vào trường Nghiệp vụ vận tải - Tổng cục Hậu cần. Như vậy, theo xác nhận của những người đồng đội cùng nhập ngũ vào thời điểm trên, việc ông Nguyễn Thanh S. bị tố cáo là làm sai lệch hồ sơ, khai tăng tuổi, tăng thời gian quân ngũ để hưởng các chế độ trợ cấp của Nhà nước là có cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc phân định đúng, sai.

 Hàng loạt câu hỏi liên quan được đặt ra đối với trường hợp của ông Nguyễn Thanh S.. Phải chăng có lỗ hổng trong công tác quản lý hồ sơ từ các cơ quan liên quan trong việc thực hiện chính sách chế độ chất độc da cam? Và có hay không sự tiếp tay của một số cán bộ có thẩm quyền để các đối tượng trục lợi bất chính. Trong khi sự việc vẫn chưa ngã ngũ, ông S. bị tố cáo là đúng hay sai. Nếu đúng thì xử lý như thế nào? Dư luận nhân dân xã Ngọc Thanh vẫn mong chờ vào kết luận cuối cùng từ các cấp chính quyền thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.                          

Cùng thời điểm phóng viên thâm nhập thực tế thì tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc; huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cũng có khá nhiều cựu chiến binh tố cáo một đối tượng tên Q. từ lâu đã đứng ra làm hồ sơ giả để nhận chế độ thương bệnh binh và chất độc da cam. Trắng trợn hơn nhiều người dân phản ánh các đối tượng này ra giá từ 30 - 50 triệu đồng để giải quyết "êm xuôi" hồ sơ chế độ.   

Nhóm phóng viên điều tra

(Còn nữa)

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.