Sa Pa hai hôm nay đang là tâm điểm của cư dân mạng khi nhiệt độ xuống thấp khiến tuyết rơi dày. Rất hiếm khi hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này xuất hiện tại Việt Nam, bởi vậy cũng không có gì khó hiểu khi hai ngày qua, tuyết rơi tại Sa Pa đã đem lại cho giới trẻ sự hào hứng, mê mẩn.
Người chia sẻ hình ảnh, người cập nhật thông tin, thậm chí còn có nhiều nhóm bạn ngay lập tức khăn gói lên Sa Pa ngắm tuyết. Sẽ không có quá nhiều điều để tranh cãi nếu như ai cũng nhìn hiện tượng này theo một hướng tích cực. Thế nhưng, vẫn có những người bỗng quay ra chê trách việc giới trẻ yêu thích, hào hứng với tuyết rơi tại Sa Pa là ích kỷ, hẹp hòi, vì mê tuyết mà... quên đi sự khốn khó của người dân Sapa (!?).
"Giấc mơ tuyết trắng"
Có lẽ không hề quá lời khi nói rằng, được ngắm tuyết rơi là giấc mơ của rất rất nhiều người ở một đất nước nhiệt đới, nhất là những người trẻ. Sự thèm khát khi được nhìn ngắm cả khu phố trải dài trong một màu trắng, thích thú khi bọn trẻ con Tây nhảy nhót, ném nhau, nặn đủ thứ với cái thứ tuyết trắng đấy thật sự là một cảm giác ao ước đến… bất lực. Không biết có bao nhiêu người từng mở ngăn đá tủ lạnh, cào lấy cảo để thành tủ để nắm chặt trong tay một nắm tuyết tủ lạnh cho thỏa cơn mơ mộng. Ước mơ đó bám dai dẳng đến mức, dù sau này bạn bè có đi nước ngoài về kể lại là tuyết bẩn lắm, chẳng béo bở gì đâu, thì vẫn cứ ao ước được một lần nhìn thấy tuyết, được chơi cho thoả những gì mình đã thấy trên ti vi.
Một trong những hình ảnh tuyệt đẹp về cảnh tuyết rơi tại Sa Pa ngày 15/12. (Ảnh: Dũng Zyo).
Vậy cho nên, mỗi năm vào mùa đông lạnh, chúng ta lại có thói quen hướng về Sa Pa, nơi tuyết có khả năng rơi nhất. Báo chí cũng đưa tin ngày này qua ngày khác, cũng cùng chờ đợi Sa Pa có tuyết: Hôm nay Sa Pa lạnh lắm nhưng chưa có tuyết, hôm qua Sa Pa lạnh hơn hôm nay những vẫn chẳng thấy tuyết đâu cả, ngày kia Sa Pa sẽ lạnh kỉ lục và chắc là sẽ có… băng đọng. Và cứ năm nào, tuyết rơi, dù chỉ là một nhúm thôi, các bạn trẻ vẫn háo hức kéo lên Sa Pa để được tận mắt nhìn thấy "một nhúm" đấy, được nhìn thấy tuyết thật sự từ trên trời rơi xuống chứ không phải là cào từ tủ lạnh ra. Đó là một cảm giác diệu kỳ, tựa như một giấc mơ thành sự thật.
Ấy vậy nên, hôm qua, khi Sa Pa ngập tràn trong tuyết trắng, các bạn trẻ đã đổ dồn lên thị trấn mù sương chỉ để tận hưởng cảm giác "giấc mơ có thật" của mình. Một động cơ hoàn toàn trong sáng và chẳng chút xấu xa.
Thế nhưng, ngay lập tức có những tiếng nói dõng dạc vang lên: Tại sao lại có thể hân hoan, thích thú đến thế trước cảnh tuyết rơi - một hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt, mang lại bao nỗi lo cho người dân vùng núi?
Giấc mơ tuyết bỗng biến thành... trách nhiệm tuổi trẻ
Người viết không biết những người đặt ra cái suy nghĩ: "Lên núi ngắm tuyết có nghĩ đến người dân vùng cao không?" có thật đang nghĩ đến người dân vùng cao? Không biết khi viết ra những dòng đó, những người đấy đang ở đâu? Trên vùng núi cao giúp xây chuồng cùng người nông dân, hay cũng đang nằm trong chăn ấm, giẫy giụa bên ly cafe nóng hổi và thở ra vài câu cho ra vẻ hơn người? Tôi đồ rằng họ ở vế thứ 2.
Bức ảnh của cô bạn này, trong khoảnh khắc hân hoan vì lần đầu tiên thấy tuyết rơi tại Việt Nam này, thậm chí đã bị lôi lên một forum và bị dành cho những nhận xét "ích kỷ, vô tâm".
Tạm gác qua việc họ có thật sự nghĩ đến người dân vùng cao hay không mà hãy nói đến chuyện, tại sao ngắm tuyết lại trở thành một tội lỗi khủng khiếp như vậy? Theo lý luận họ đưa ra, niềm vui của các bạn chỉ là niềm vui nhỏ, trong chốc lát. Nhưng đằng sau cảnh tuyết rơi kia là nỗi lo lớn của người nông dân. Chưa có tuyết, chỉ cần vào mùa đông thôi, người dân vùng núi đã phải chống chọi với cái lạnh thấu xương. Gia súc rét quá có thể chết. Nước đóng băng nên có thể không gieo trồng nổi thứ gì... Đừng nói là lại còn lạnh đến mức có tuyết.
Nên niềm vui của bạn "thật là ích kỷ, thật là vô tâm và đáng buồn làm sao"!?
Nhưng thế thì chẳng lẽ, một nửa địa cầu còn lại, họ cũng cần phải buồn bã và ủ rũ thay cho người nông dân khi tới mùa tuyết rơi hàng năm? Họ đừng có hòng mà mong ngóng, đón chờ những bông tuyết đầu tiên của mùa đông rơi xuống?
Cũng là nhìn nhận một vấn đề, tại sao chỉ luôn nhìn vào những khía cạnh tiêu cực, thậm chí là cố gắng tìm ra bằng được điểm tiêu cực mà xỏ xiên, mà bới móc? Tại sao không nhìn nó - như đúng bản chất sự việc. Rất đơn giản, tuyết rơi một hiện tượng thiên nhiên hiếm có, kì thú ở một đất nước nhiệt đới như Việt Nam. Và việc người ta à ồ lên thích thú, đổ xô đi ngắm nhìn nó, quả tình rất dễ hiểu, rất đúng tâm lí. Đừng bắt họ phải nhìn tuyết rơi bằng lăng kính và quan điểm đạo đức giả tạo.
Thậm chí, báo chí của ngày hôm kia và cả ngày hôm qua nữa, đều rộn rã đưa tin, khách du lịch đổ xô lên Sa Pa để ngắm tuyết. Tàu từ Hà Nội lên Lào Cai kín sạch chỗ vì dân tình kéo nhau đi ngắm tuyết.
Người dân Sa Pa cũng nhờ thế mà có những mặt lợi. Sa Pa cũng vì thế mà được lợi, kích cầu du lịch. Còn mong gì hơn ở một địa điểm sống bằng ngành du lịch như thế.
Vậy đó, cái gì cũng có nhiều mặt. Sẽ thật khiên cưỡng và giả tạo khi bắt giới trẻ hay bất kì một vị khách du lịch nào đó, phải chùn bước tiến lên Sa Pa ngắm tuyết rơi, phải rụt rè không dám post lên trang FB cá nhân tấm ảnh vui đùa với tuyết, chỉ vì những tiếng nói dõng dạc của các anh hùng bàn phím, bảo họ rằng: "Sao vô tâm và ích kỷ thế".
Và thật ra, nếu suy luận theo kiểu các anh hùng bàn phím này thì ví như mỗi lần trời nóng, đi biển, ta cũng không được tán thưởng là biển đẹp biết mấy, sóng đẹp biết mấy vì chẳng lẽ ta không nghĩ đến những người ngư dân khổ sở mỗi dịp bão lũ về? Hay mỗi khi đắp chăn ấm, ta không được nói rằng ôi chăn ấm quá vì còn nhiều người ở ngoài kia không có chăn đắp?
Không các bạn ạ, một lời nói không thể làm người khác sống sung sướng hơn, một niềm vui cũng không thể làm người khác khổ sở hơn. Ai cũng hiểu điều đấy nên thay vì ngồi trên mạng chê bai người khác như các bạn, họ đi ra ngoài và làm những việc thiện thật sự cho những người kém may mắn hơn mình.
Và bạn có biết không? Rất nhiều trong số những người đang vui mừng vì thấy cảnh tuyết rơi kia, vào một lúc này, họ đang đi gửi tiền ủng hộ đồng bào miền Trung lũ lụt; vào một lúc khác, họ lại đang đi gom góp quần áo ấm cho trẻ em vùng cao. Ở khoảnh khắc này, họ cực kì phấn khích khi nhìn thấy tuyết. Nhưng ở khoảnh khắc khác, họ cũng sẽ biết chạnh lòng khi nhìn thấy những đôi chân trần trong giá rét. Có buồn, có vui; có vô tư cười đùa - có cay mắt cảm động... Đó chẳng phải là những cảm xúc rất tự nhiên trong cuộc sống hay sao?
Một phút vui mừng, hân hoan trong sáng vì hiện tượng thiên nhiên lạ - không thể là thứ để có thể đánh giá phẩm chất, nhân cách của họ.
Thậm chí, cái suy nghĩ hẹp hòi này của một bộ phận cộng đồng mạng trẻ đã khiến rất nhiều "người lớn" khó chịu. Điển hình như anh Trương Anh Ngọc - Bình luận viên thể thao nổi tiếng của Việt Nam, cũng đã đăng tải một status trên Facebook riêng để thể hiện sự bức xúc về việc này: "Mình nhớ có lần đi uống rượu với mấy người bạn cực thân, cao hứng đưa cái ảnh chụp cả chục chai rượu ngoại lên Facebook, bị mấy bạn vào nói cho một hồi, kiểu "nhân dân mình còn đói khổ, bão đang tàn phá bao nhiêu ngôi làng, mà sao anh ăn chơi phè phỡn vô cảm thế". Mình cảm thấy thật xấu hổ ,vì nhẽ hồi xưa học môn giáo dục công dân, mình làm việc riêng, không nghe lời thầy giảng.
Hôm nay đọc được ý kiến của một số bạn nói rằng những ai đi xem chơi tuyết ở trên Sapa mà không quan tâm đến trâu bò lợn gà chết và đời sống nhân dân đói khổ, mình cũng cảm thấy xấu hổ, vì ở bên này xa xôi, không giúp được gì nhiều cho người dân vùng ở đó. Có khá nhiều quỹ từ thiện cho những vùng đất đó, nơi tuyết không phải bây giờ mới rơi và đời sống của họ không phải bây giờ mới đói khổ, chẳng hạn như Quỹ "Cơm có thịt" của anh Trần Đăng Tuấn, hay phong trào của ca sĩ Thái Thùy Linh. Nếu có thể, hãy góp một tấm áo, một đôi giày hay bất cứ thứ gì có thể, dù chúng ta biết rằng, đấy chỉ là một việc từ trong tâm của ta, nhưng không thể đủ được, không thể giúp cho tất cả những người đang chết rét ấy được.
Mình chỉ muốn nói các bạn ấy một điều, rằng cuộc sống phải trôi và chúng ta phải sống, bất kể điều gì có xảy ra đi chăng nữa. Chỉ trích những người tìm cách có được niềm vui (một cách chân chính, không ăn cắp ăn trộm của ai) trong thời buổi loạn lạc và thiếu giá trị quy chiếu này, trong khi nhiều người khác còn đói khổ, không phải là một cách hay.
Hãy làm những việc khác có ích hơn đi..."
Đừng lôi đạo đức ra làm chuẩn mực cho giấc mơ
Người viết đoán là trong cuộc đời mỗi người, có lẽ ít nhất một lần được hỏi câu: "Nếu có một điều ước, bạn sẽ ước gì?". Vậy thì, bạn nghĩ sao về câu trả lời: "Em ước mơ sẽ không còn chiến tranh, sẽ không còn nghèo khó, cả thế giới ngập tràn trong tình yêu"? Một câu trả lời hoàn hảo, vị tha và nhân hậu, đúng không? Nhưng cớ sao người ta vẫn chê, vẫn lắc đầu nói giả tạo?
Đó là vì chúng ta đều hiểu thấu lẫn nhau. Chúng ta đều hiểu rằng, trong mọi trường hợp, chúng ta sẽ đặt lợi ích của bản thân và những người xung quanh lên đầu tiên. Không phải người viết đang cổ xúy cho lối suy nghĩ ích kỷ, nhưng thôi nào, trừ những người thật sự là những vị thánh sống, còn lại, tất cả chúng ta đều là kẻ bình thường. Chúng ta phải ăn, uống và mỗi người lại theo đuổi một chuẩn mực đạo đức của riêng mình.
Chuẩn mực của người này có thể là mỗi khi có người cần giúp đỡ, họ lại tìm cách chuyển tiền cho người ta từ xa, sau đó tiếp tục đi làm và kiếm tiền để có cơ hội giúp người khác. Chuẩn mực của người kia lại là xin nghỉ làm, nghỉ việc để tham gia những buổi đi tình nguyện, giúp đỡ người nghèo. Chuẩn mực của người nọ lại đơn giản chỉ là sự rung cảm, thương xót với những số phận khổ sở hơn mình. Không một ai có thể so sánh được chuẩn mực của mọi người với nhau để đánh giá hơn thua. Một người chẳng nói gì, im lặng trước những mảnh đời thiếu may mắn đôi khi lại là người xót xa nhiều hơn một kẻ suốt ngày ra rả làm từ thiện này kia nhưng trong bụng lại chẳng có chút cảm giác gì.
Những dấu chân hân hoan của khách du lịch may mắn lên Sa Pa đúng dịp tuyết rơi. (Ảnh: Dũng Zyo).
Vậy đấy. Thay vì ngồi trên mạng và đánh giá bừa về nhân phẩm người khác một cách phiến diện, tại sao bạn lại không mở lòng, thưởng thức vẻ đẹp của thế giới xung quanh, sống thoải mái với chính những mong muốn của mình nhỉ? Các bạn biết đấy, suy cho cùng, "Ở trên thiên đường sẽ toàn kẻ tẻ nhạt, vì những kẻ thú vị đều phải xuống địa ngục hết rồi". Hãy sống và thưởng thức hết những niềm vui nếu bạn có thể, vì cuối cùng thì chính bạn sẽ trả ơn cuộc sống và những niềm vui đó bằng cách giúp đỡ những người xung quanh mình thôi.
Theo
Kenh14.vn