Từ đầu năm đến nay, các “hố tử thần” xuất hiện không dồn dập như khoảng thời gian trước nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm lại gia tăng. “Hố tử thần” không chỉ hình thành trên mặt đường mà đã lấn lướt đe dọa mạng sống và sự bình yên trong chính những ngôi nhà kiên cố của nhiều người dân tại TP.HCM.
Xe taxi sụp "hố tử thần" ở TP.HCM
Nhà bỗng dưng đổ sập vì “hố địa ngục”
Kể từ khi “hố tử thần” đầu tiên xuất hiện vào tháng 7/2010, các cơ quan chức năng liên quan đã tốn không biết bao nhiêu công sức và tiền bạc để phân tích, đánh giá nguyên nhân, đề xuất các giải pháp ngăn chặn nhưng mọi cố gắng vẫn vô ích. Đến nay, tình trạng “hố tử thần” hình thành khắp nơi vẫn đều đặn hiện hữu với tính chất và mức độ nguy hiểm tăng nhanh. Những hố sâu “giăng bẫy” người tham gia giao thông đang chuyển hướng, hoành hành trên diện rộng, đe dọa tính mạng và sự bình yên của cuộc sống người dân TP.HCM từng ngày.
Nguyên nhân ban đầu gây sụt lún và hình thành “hố tử thần” trong nhà người dân trên địa bàn TP được xác định tương tự như hố sâu xuất hiện ở mặt đường. “Hố tử thần” trên mặt đường xuất hiện từ sự xuống cấp của hệ thống cơ sở hạ tầng do sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng. Phần khác, nền địa chất TP.HCM có nhiều nơi yếu, trũng, việc thi công thiếu trách nhiệm tạo điều kiện cho các yếu tố tự nhiên hình thành nên nhiều hố sâu phân bố rộng khắp địa phương.
Nếu như “hố tử thần” đường phố là cái bẫy cho người đi đường thì những vết nứt, hố sâu hình thành trong nhà là “địa ngục”, là nỗi lo sợ trực diện hằng ngày hằng giờ của người dân trong chính tổ ấm của mình. Ngày 20/7 vừa qua, một căn nhà tại phường Nguyễn Thái Bình (quận 1, TP.HCM) bất ngờ đổ sập, rất may các thành viên trong gia đình thoát chết vì nhanh chóng chạy ra ngoài. Tuy nhiên, đó là nỗi ám ảnh thường trực sau này của họ khi sống trong ngôi nhà mới. Nguyên nhân căn nhà trên bị sập là do nhà hàng xóm đào móng xây dựng nhà thiếu an toàn và sai kỹ thuật.
Đầu năm nay, chị Thy, chủ căn nhà số A5/4T đường liên ấp 1-2-3, tổ 5, ấp 1, xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) khi mở cửa nhà thì tá hỏa thấy cả phòng khách đã trở thành “hố tử thần” trống hoác. Ghế, gạch lát nền nhà và những thứ ở phòng khách là một đống hỗn độn dưới đáy hố sâu gần 2m, xâm xấp nước. Anh Lộc, người hàng xóm kế bên nhà chị Thy, thử đào nền nhà cũng thấy một khoảng rỗng rất rộng... Nhà của chị Thy và anh Lộc mua cùng thời điểm, cách đây hai năm từ một chủ khác. Ông Lánh, chủ cũ của hai căn nhà bị sụp cho biết, nhà được xây từ phần đất lấp trên ao cá cũ nên nền đất yếu. Ông Lánh đã đồng ý bồi thường toàn bộ chi phí khắc phục cho chủ nhà mới. Đây là trường hợp hiếm hoi người bán nhà bồi thường cho người mua để khắc phục hậu quả.
Nhiều người dân tỏ ra bức xúc vì việc tùy tiện trong cấp phép san lấp mặt bằng và xây dựng nhà cửa cho các nhà thầu thiếu trách nhiệm, dẫn đến tình trạng vô số những ngôi nhà chất lượng kém được đưa vào sử dụng. Chị Thy cho biết: “Khi mua nhà, tôi không tìm hiểu kỹ nền đất nay xảy ra sự cố không biết kêu ai, may là chủ nhà cũ chịu chi tiền để sửa chữa, chứ không thì mình cũng đành chịu, nhà giao rồi nói được ai”. Cũng theo nhiều người dân sống ở khu vực này cho biết, tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp, ao hồ san lấp làm nền nhà diễn ra rất công khai nhưng các cơ quan liên ngành không có tiếng nói để ngăn chặn. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng giếng khoan là nguyên nhân làm yếu và rỗng tầng nước ngầm gây ra sự cố sụp lún ở nhiều nơi.
Kết quả nghiên cứu của dự án “Quan trắc biến dạng mặt đất khu vực TP.HCM bằng kỹ thuật Insar vi phân” do Trung tâm địa tin học (thuộc Khu công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP.HCM) thực hiện cho thấy, nhiều khu vực tại TP đang bị lún cục bộ, tốc độ trung bình 10 mm/năm. Nhiều khu vực ở 17 quận, huyện có tốc độ lún trên 10 mm/năm. Đặc biệt, những khu vực đô thị hóa nhanh thuộc các quận 2, 6, 7, 8, 9, 12, Tân Phú, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè có tốc độ lún trên 15 mm/năm. Điển hình như quận 6 (lún 5-20 cm/năm), quận Bình Tân (14 cm/năm), thị trấn An Lạc - quận Bình Tân (12 cm/năm).
“Cưỡi ngựa xem hoa” tìm hố tử thần
Tháng 2/2012, Sở GTVT TP.HCM đã mua về hai chiếc máy Georadar chuyên dò tìm các “hố tử thần” hoàn toàn mới do Italia sản xuất. Bốn chuyên gia của Khu quản lý giao thông đô thị số 1 đã đẩy chiếc máy đến quanh các khu vực nghi ngờ để thu sóng. "Máy dò tìm sẽ phát sóng xuống phía dưới và nhận sóng dội ngược trở lại rồi lưu vào ổ nhớ. Sau đó, chúng tôi sẽ dùng máy tính đọc lại sóng đã thu được để phân tích hình ảnh bên dưới chỗ có nghi ngờ sụp lún", ông Lương Văn Bằng, chuyên viên trong nhóm dò tìm hố tử thần cho biết. Tuy nhiên, từ đó đến nay, hai chiếc máy vẫn chưa được đưa vào sử dụng, mà chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu, dường như với số lượng máy ít ỏi, công việc tìm kiếm “hố tử thần” giống như “cưỡi ngựa xem hoa”. Ông Phạm Mạnh Đức, Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Chợ Lớn, cho biết: “Nhiều khách hàng hiện nay tuy đã gắn đồng hồ nước nhưng không sử dụng nước máy mà vẫn chủ yếu sử dụng nước ngầm. Chẳng hạn, khu vực P. Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, mặc dù gần nghĩa trang và Sở Y tế đã cảnh báo nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nhưng người dân vẫn không chịu sử dụng nước máy”.
Cũng theo ông Đức, UBND TP đã có chủ trương khu vực nào có áp lực nước từ 0,13 (chiều cao cột nước từ 1 m trở lên) thì không cho phép sử dụng nước ngầm. Hằng năm, Sở TN&MT cũng yêu cầu đơn vị cấp nước cung cấp số liệu về áp lực nước từng khu vực. “Vậy mà, tình trạng khai thác nước ngầm vẫn không ngừng tăng. Không chỉ quận 8, quận Bình Tân, mà hiện nay gần như toàn bộ huyện Bình Chánh đang sử dụng nước ngầm” - ông Đức nói.
Theo Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), hiện UBND các quận huyện, phường xã, thậm chí Sở TN&MT cũng không quản lý được tình trạng khoan và sử dụng giếng ngầm trên địa bàn. Con số giếng khoan trên thực tế có thể lớn hơn nhiều so với hơn 200.000 giếng mà TP công bố.
Tại hội thảo chống ngập vừa diễn ra, PGS.TS Hồ Long Phi, giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu TP cũng cảnh báo, nhiều nơi ở TP đang lún với tốc độ mạnh: 1,5 - 2 cm/năm, có nơi 3 cm/năm (gấp 3 lần tốc độ dâng của mực nước biển). Tốc độ lún có thể sẽ gia tăng hơn nữa. Hậu quả sẽ khiến hệ thống thoát nước bị tê liệt, đê bao chống ngập do triều cường nếu không đánh giá kỹ tác động của lún mặt đất sẽ không phát huy tác dụng. Theo đó, một số giải pháp đã được các cấp ban ngành đề ra nhằm khống chế hiện trạng sụt lún trong nội thành. Một trong những giải pháp được đề cập là các đơn vị quản lý của Sở (các Khu, Thanh tra Sở) phải kiểm soát chặt các vấn đề như: chưa kết nối hệ thống hạ tầng cũ và mới, chặn dòng thoát nước phục vụ thi công gây ảnh hưởng đến tiêu thoát nước, rào chắn an toàn tại các hố sâu, tái lập theo đúng quy định các vị trí rào chắn đã thi công xong…
Đồng thời các đơn vị phải khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát các vị trí lắp đặt cống thoát nước có đấu nối vào hệ thống cống nhánh hiện hữu nhằm kịp thời phát hiện các hư hỏng hoặc các yếu tố tiềm ẩn có thể dẫn đến lún, sụp mặt đường (như hở mối nối, rò rỉ nước, rút cát vào lòng cống…) để có biện pháp sửa chữa, khắc phục đảm bảo an toàn… Hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm hiện hữu không còn sử dụng phải được kiểm tra thường xuyên để có phương án gia cố (bơm vữa bê tông xi măng,…), đảm bảo không để xảy ra sụp, bể dẫn đến lún sụp mặt đường…
Các đơn vị chủ quản hệ thống hạ tầng kỹ thuật không thực hiện theo đúng yêu cầu nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên nếu bị phát hiện, hoặc để xảy ra sự cố tại công trình mình quản lý sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Các chuuyên gia cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc rà soát lại toàn bộ địa bàn để dò tìm và phát hiện các hố sụt. Theo đó, cần phải bản đồ hóa các công trình ngầm để tiện việc quản lý, duy tu, sửa chữa khi cần thiết. Giao chức năng, nhiệm vụ cho các cơ quan quản lý rõ ràng, tránh chồng chéo, phân định trách nhiệm rõ ràng. Ngoài ra, việc nghiên cứu tổng thể để phòng ngừa hiện tượng này trong tương lai cũng được
Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là do quá trình đô thị hóa nhanh và khai thác nước ngầm quá mức. Khu vực phía nam TP.HCM đang trong tình trạng báo động về sụt lún. Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định, mặt đất TP đang bị biến dạng mạnh do mực nước ở các tầng khai thác bị giảm, phát triển đô thị, địa chất yếu... Dự báo đến năm 2020, nhiều khu vực ở TP độ lún tăng 12 - 22 cm. |
Suối Mai