Thật lạ khi nghe 9X hát ca trù

Thật lạ khi nghe 9X hát ca trù

Thứ 5, 27/12/2012 23:48

Giọng ca của các 9X vang lên, nghe xa xôi như thứ phù vân chốn kinh kỳ.

Hầu như mọi người đều nghĩ, giới trẻ, đặc biệt là 9X sẽ rất thích các loại nhạc đang thịnh hành như Pop, Rock, Rap… Tuy nhiên, khi đến xem buổi biểu diễn “Ca trù hát khuôn” của nghệ nương Phó Kim Đức tại Hà Nội, nhiều người ngạc nhiên bởi có nhiều giọng ca nhỏ tuổi say mê nhịp phách.

Xã hội - Thật lạ khi nghe 9X hát ca trù

Bà Kim Đức nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả và người thân.

Từ những ngày nghe ca trù như “đàn gảy tai trâu”

Nổi tiếng là người khó tính, cực kén học trò, nghệ nhân Phó Kim Đức vô cùng khắt khe với các “truyền nhân” của mình. Với bà, yêu ca trù phải bằng tâm thật sự, còn nếu chỉ yêu để có những mục đích khác thì bà nhất quyết không dạy. Thế nhưng, Hà My và Khánh Linh đã thực sự thuyết phục được bà. Dù các em mới đang ở độ tuổi 9X.

Những người đến xem buổi biểu diễn “Ca trù hát khuôn” như lạc vào không gian khác khi nghe hai giọng ca trong trẻo Hà My và Khánh Linh. Bên chén trà lên hương thơm ngát, khán giả được lắng nghe âm sắc trầm, đục của đàn đáy, nhịp phách giòn vang và ca từ réo rắt lan tỏa trong căn phòng. Giọng ca vang lên, nghe xa xôi như thứ phù vân chốn kinh kỳ. Ca trù hay là thế, mà một thời người ta lại gọi bằng cái tên là hát "cô đầu". Nào mấy ai biết, đây là loại hình âm nhạc thanh tao, lịch lãm của người kinh kỳ. Ca từ, giọng hát hòa cùng âm thanh của các nhạc khí: Phách, đàn đáy, trống chầu làm mê say lòng người.

Ca nương Phó Hà My (sinh năm 1990) tâm sự: “Em đến với ca trù đã 4 năm, hàng ngày ngoài giờ học ra, em đều dành thời gian để tập hát ca trù. Dường như em rất có “duyên” với thể loại này bởi càng học, em càng thấy thấm. Em thích những lời ca trù từ khi còn học cấp 2. Hàng ngày được nghe bà Đức tập luyện, những lời ca, điệu phách đã “ngấm” vào trong em từ lúc nào không biết. Em thích học bởi lời hát ca trù rất đẹp. Đẹp từ trong lời hát, tiếng đàn đến phong cách biểu diễn. Mọi người đều cho rằng, ca trù rất khó nên e ngại nhưng nếu nghe ca trù và cảm nhận bằng cái tâm của mình thì sẽ thấy rất hay”. Nhìn ánh mắt trong trẻo của các ca nương, nhiều người cho rằng: “Đúng là không có gì là không thể làm được”. Bởi, chính các em sẽ là người tiếp nối những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Ca nương Nguyễn Khánh Linh (sinh năm 1996) thì chinh phục người nghe bởi khuôn mặt tròn, nhí nhảnh, khi cất giọng ca lên, cả khán phòng đều im lặng. Nghe bài ca trù “Hồ Tây”, người ta như lạc vào không gian của Kinh kỳ xưa, với những cô gái mắt dao cau lúng liếng… Em học hát ca trù đã 6 năm. Ngày đầu được đưa đi nghe hát ca trù, cô nghe âm thanh này như “đàn gảy tai trâu” nhưng nghe vài lần Linh đâm thích thú.

Sau đó, em đòi bố mẹ cho đi học để thỏa niềm ao ước. "Hồng hồng tuyết tuyết, mới ngày nào chưa biết cái chi chi, mười lăm năm thấm thoắt có xa gì. Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu. Ngã lãng du thời quân thượng thiếu. Quân kim hứa giá ngã thành ông. Cười cười nói nói sượng sùng. Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại". Linh khẽ gõ nhịp, cất tiếng trong trẻo, hát nho nhỏ theo nghệ nương Kim Đức. Khiến khán giả gật gù: “Đúng là hậu sinh khả úy”.

Xã hội - Thật lạ khi nghe 9X hát ca trù (Hình 2).

Hà My (áo vàng) và Khánh Linh (áo xanh) sau buổi biểu diễn

Đến khát khao gìn giữ vốn văn hóa quý

Người trẻ muốn học ca trù đã quý, họ lại còn yêu thích và muốn gìn giữ vốn văn hóa sắp bị mai một lại càng quý hơn. Hai ca nương đều mong rằng, sẽ có nhiều buổi biểu diễn như thế này để có thể giới thiệu đến công chúng nghệ thuật ca trù nhiều hơn nữa. Bởi ca trù là một nét văn hóa đẹp, cảm nhận và yêu ca trù, cũng là cách để yêu nền văn hóa đậm đà tính dân tộc của Việt Nam. Hai bạn trẻ Hà My và Khánh Linh là một trong những bạn trẻ may mắn được là “truyền nhân” của nghệ nương Kim Đức.

Hồi sinh của nghệ thuật ca trù trong những năm gần đây đã thu hút khá đông sự chú ý của lớp trung niên người Hà Nội. Thế nhưng việc những chàng trai, cô gái của thế hệ chuyên lướt web, dạo phố, nghe rap, rock, hip-hop, hay chơi games online như Hà My hay Khánh Linh lại tìm đến các chiếu ca trù của nghệ nương Kim Đức để xem điểm trống, gõ phách, thì khá lạ. Song, với những người tâm huyết và đang tìm cách gây dựng lại ca trù thì đó là điều đáng mừng, góp phần giữ "lửa" cho nghệ thuật dân tộc. Mà như thổ lộ của bà Kim Đức: "Sau những thăng trầm lịch sử, tháng 10 năm 2009, ca trù đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Bây giờ, ca trù lại may mắn được một bộ phận lớp trẻ đón nhận, thì không gì vui hơn. Mong rằng các em sẽ là người giữ lửa cho ca trù sống mãi trong nền văn hóa dân tộc".

Người thầy đặc biệt

Với những cố gắng phi thường, nghệ nương Phó Kim Đức đã dành nhiều năm tháng để đúc kết, khuôn khổ bài bản của nghệ thuật ca trù. Người ta gọi bà Kim Đức là người thầy “đặc biệt” vì bà là đào nương danh ca cuối cùng của giáo phường Khâm Thiên, Hà Nội. Bà sinh ra và lớn lên trong một gia đình nổi tiếng của nghệ thuật Ca trù. Cụ thân sinh ra bà là quản ca của giáo phường Khâm Thiên, Hà Nội xưa. Nghệ nương Kim Đức học hát từ năm 7 tuổi, đi hát Ca trù từ năm 13 tuổi, bà cũng là một danh ca hát Chèo của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bà được mọi người cho là cầu nối giữa quá khứ đến hiện đại giúp cho ca trù có thể được tiếp tục trong dòng chảy thời đại.

Lạc Thành


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.