Trong 2 năm 2015 - 2016, có tới 213 container mất tích ở cảng Cát Lái – TP.HCM khiến rúng động dư luận. Kiểm tra hồ sơ, có 53 doanh nghiệp (DN) là chủ của những container này. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng xác minh, tất cả các DN này, hoặc đã ngừng hoạt động, hoặc không tồn tại ở địa điểm đăng ký kinh doanh.
Còn vì sao số lượng hàng hóa tạm nhập tái xuất (chủ yếu là hàng điện tử cũ thuộc diện mặt hàng cấm nhập khẩu) lại có thể biến mất một cách bí ẩn khỏi cảng Cát Lái?
Chắc chắn một điều, trước hết, để được nhập về Việt Nam, những DN này nhập về với danh nghĩa tạm nhập tái xuất. Nhưng để không phải tái xuất, họ tìm cách "hô biến” với sự giúp sức của một số cán bộ Hải quan biến chất.
Theo điều tra của các cơ quan chức năng, việc mất tích 213 container bí ẩn có nhiều nguyên nhân, trong đó, do có người can thiệp vào hệ thống của hải quan để xóa BOA (hệ thống xác nhận hàng hóa quá cảnh đã làm thủ tục hải quan ở cửa khẩu nơi đi); hoặc lô hàng quá cảnh đã ra khỏi cảng nhưng không có hồ sơ; cán bộ Hải quan chưa thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ…
Như vậy, theo kết quả điều tra này, đây không chỉ là những hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước, của ngành mà còn có hành vi hủy tài liệu giúp sức cho buôn lậu tuồn hàng vào Việt Nam cực kỳ liều lĩnh.
Vụ việc này lẽ ra xứng đáng khởi tố vụ án, khởi tố bị can để răn đe các hành vi tìm cách nhập lậu hàng cấm nhập vào Việt Nam và làm trong sạch đội ngũ cán bộ hải quan.
Trong quá trình xác minh 213 container bị mất tích, các cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ hơn 100 container hàng hóa có hình thức vi phạm tương tự nói trên.
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng tổng cục Hải quan: Trong đợt truy quét số container mất tích, ngay tại cảng Cát Lái và ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, lực lượng chức năng đã bắt giữ được từ 60 - 70 container.
Điều đó cho thấy việc tạm nhập tái xuất những mặt hàng cấm nhập chỉ là hình thức, phần lớn chúng đã được nhập vào Việt Nam bằng những “động tác” nhuần nhuyễn, quen thuộc của một số cán bộ hải quan.
Do đó, những sai phạm này phải thuộc trách nhiệm của những người đứng đầu đơn vị, của các đơn vị chức năng của ngành Hải quan. Điều này càng đòi hỏi phải xử lý thật nghiêm khắc, kể cả xử lý hình sự với những đối tượng để xảy ra sai phạm.
Nhưng Cục Hải quan TP. HCM đã xử lý kỷ luật như thế nào?
Theo những gì công luận biết, không một ai bị khởi tố, mà chỉ có việc một số cán bộ bị thuyên chuyển công tác và hạ bậc thi đua. Người bị hạ bậc lương nặng nhất là 2 bậc, xuống còn “hoàn thành nhiệm vụ”?! Với những sai phạm như vậy, mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ thì thật giỡn đùa với dư luận.
Không chỉ vậy, để xảy ra chuyện tày đình đó, trách nhiệm chính phải thuộc về những người đứng đầu đơn vị. Nhưng, những vị này lại chỉ chịu hình thức kỷ luật nhẹ nhất: Ba lãnh đạo Chi cục và 3 đội trưởng của hải quan theo các thời kỳ có liên quan đến vụ việc bị hạ một mức phân loại (xuống mức hoàn thành tốt nhiệm vụ). Như vậy, họ đâu có bị kỷ luật bởi họ vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ đấy chứ!!
Dư luận thật sửng sốt, không lẽ, với cách kỷ luật này, họ không chỉ bỡn cợt dư luận mà họ còn “đùa” cả với pháp luật?
Mặt khác, dư luận cũng đặt câu hỏi: Trách nhiệm của Cục Hải quan TP. HCM ở đâu khi để xảy ra chuyện “mất tích” hàng trăm container và đưa ra hình thức kỷ luật như đùa này?
Đáng nói là, trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã ký công văn yêu cầu phải xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm. Phải chăng, ngay cả ý kiến chỉ đạo của Chính phủ mà Cục Hải quan TP. HCM vẫn dám lờ lớ lơ?
Chính vì vậy, trong báo cáo gửi Thủ tướng, bộ Tài chính thừa nhận: "Kết quả xử lý của Cục Hải quan TP.HCM chưa được. Mức xử lý chưa nghiêm khắc, chưa đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa sai phạm; chưa tương xứng với hậu quả xảy ra".
Điều đáng lo ngại là, thực tế cho thấy, cách xử lý kỷ luật như “đùa” này đã, đang diễn ra ở một số ngành nghề và địa phương. Dư luận đòi hỏi, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh, có sức răn đe với những cán bộ ký các văn bản kỷ luật kiểu coi thường pháp luật và dư luận như thế này.
Vương Hà