Theo các điều ước quốc tế về ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan của tổ chức quốc tế và các viên chức cơ quan đại diện tại VN được hưởng nhiều quyền và ưu đãi, trong đó có quyền được miễn trừ các loại thuế, lệ phí đối với phương tiện đi lại khi nhập khẩu, mua, bán…xe. Tuy nhiên, khi không có nhu cầu sử dụng hoặc hết nhiệm kỳ, các phương tiện đó phải tái xuất, nếu chuyển nhượng tại VN cho đối tượng khác sẽ không được hưởng ưu đãi, miễn trừ, phải nộp thuế, nếu hư hỏng không sử dụng được nữa thì phải làm thủ tục tiêu huỷ. Đồng thời, chủ sở hữu phải thực hiện thủ tục huỷ đăng ký, trả lại biển số cho cơ quan công an.
Trên thực tế, nhiều xe ngoại giao đã không được thực hiện theo lộ trình như vậy. Theo thống kê, hiện có khoảng gần 600 xe biển ngoại giao hết thời hạn đăng ky đã không đến làm thủ tục gia hạn hay xử lý tái xuất, chuyển nhượng, tiêu huỷ theo quy định và trở thành những xe “vi phạm” và cần được xử lý.
Không xử lý được
Trước vấn nạn trên, Cục Lễ tân, Bộ Ngoại giao đã ra thông báo, trước ngày 19/12/2012, tất cả các xe ôtô biển ngoại giao (NG-NN) đã hết hạn đăng ký nếu không làm thủ tục gia hạn, tái xuất, chuyển nhượng, trả biển số xe thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đối với các trường hợp vi phạm, các cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định mà không cần thông báo trước.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Hải quan Hà Nội, việc truy thu thuế đối với các xe này đang gặp khó khăn. Theo quy định, thời điểm tính thuế là thời điểm thay đổi mục đích sử dụng, nhưng thực tế không xác định được thời điểm chuyển nhượng đó vì cá nhân được hưởng ưu đãi về thuế đã tự ý chuyển nhượng xe cho các đối tượng không được hưởng ưu đãi về thuế mà không khai báo, kê khai và nộp thuế theo quy định của pháp luật. Do đó, tỷ giá tính thuế, chính sách thuế áp dụng tại thời điểm chuyển nhượng cũng không thực hiện được.
Nếu thời điểm chuyển nhượng xác định là thời điểm kết thúc nhiệm kỳ công tác thì số tiền thuế vào thời điểm đó lớn hơn nhiều so với giá trị xe hiện tại. Điều này không những gây vướng mắc cho cơ quan Hải quan khi thực hiện cấp giấy phép chuyển nhượng và truy thu thuế mà còn làm cho người đang sử dụng khó khăn khi muốn thực hiện nộp thuế truy thu để làm thủ tục sang tên, đổi chủ.
Do đó, theo kiến nghị của Cục Hải quan Hà Nội, ngoài việc cần sớm có văn bản thay thế Thông tư 03/2007/TTLT-BCT-BTC-BNG hướng dẫn xử lý đối với các xe sử dụng sai mục đích hiện đang lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam, trước mắt nên cho phép truy thu thuế chuyển đổi mục đích sử dụng vào thời điểm hiện tại (thời điểm cấp giấy phép chuyển nhượng) trên cơ sở xác nhận và đề nghị của cơ quan quản lý đối với cá nhân được hưởng ưu đãi thuế hiện vẫn đứng tên chủ sở hữu xe.
Sẽ giải quyết dứt điểm
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã yêu cầu các Bộ Tài chính, Công an, Ngoại giao phối hợp, xây dựng trình Chính phủ xem xét, sớm ban hành một số quy định mới nhằm tăng cường quản lý, ngăn chặn hiện tượng lợi dụng trục lợi, vi phạm trong chuyển nhượng xe ô tô, xe 2, 3 bánh mang biển số ngoại giao. Theo đó, phải xây dựng quy trình quản lý khép kín, đồng bộvề thông tin đối tượng được hưởng ưuđãi, miễn trừ, cấp phép nhập khẩu, thủ tục tái xuất, chuyển nhượng, đăng ký, cấp biển số đối với phương tiện…
Khắc phục các bất cập như quy định về thời gian công tác còn lại tại Việt Nam để được tạm nhập khẩu, chuyển nhượng xe, thời gian sử dụng xe để được phép chuyển nhượng, mức thuế suất khi chuyển nhượng… Bộ Tài chính cũng đã hoàn thiện phương án xử lý đối với xe đeo biển ngoại giao đang lưu hành tại Việt Nam và đang trưng cầu ý kiến. Đa số ý kiến đều đồng tình với phương án truy thu thuế đối với xe chuyển nhượng sai quy định căn cứ theo giá trị. Mức cao nhất là 90%, còn mức thấp nhất là 5%. Bên cạnh thuế nhập khẩu, xe ngoại giao sử dụng sai mục đích còn bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt và GTGT.
Hi vọng, với sự vào cuộc của cả hệ thống, vấn đề xử lý thuế đối với xe mang biển ngoại giao có chủ đã “hồi hương” nhưng vẫn hoạt động tại VN sẽ được xử lý triệt để.
Theo DĐDN