"Thâu tóm" hãng phim truyện Việt Nam, Vivaso đã hứa những gì?

"Thâu tóm" hãng phim truyện Việt Nam, Vivaso đã hứa những gì?

Nguyễn Thị Hà

Nguyễn Thị Hà

Thứ 5, 21/09/2017 16:27

Những câu chuyện liên quan đến thu xếp việc làm cho người lao động, đảm bảo chế độ lương thưởng đầy đủ, dùng quỹ đất và vốn phục vụ điện ảnh,… đều được nhà đầu tư cam kết thực hiện trước khi trở thành cổ đông chiến lược tại hãng Phim truyện Việt Nam.

Tháng 4/2016, công ty TNHH MTV hãng Phim truyện Việt Nam tiến hành cổ phần hóa, kêu gọi nhà đầu tư chiến lược và bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng. Thương vụ cổ phần hóa của doanh nghiệp chỉ có vốn điều lệ 50 tỷ đồng – số vốn khiêm tốn trong bối cảnh hàng loạt “ông lớn” nghìn tỷ lần lượt lên sàn lại thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận.

Không chỉ tại thời điểm đó, cho đến nay, sau khi mọi sự gần như đã an bài, nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty vận tải thủy (Vivaso) đã tiếp quản, 3 tháng sau cổ phần hóa, câu chuyện lại được đem ra bàn luận.

Hàng loạt nghệ sĩ hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) đã viết đơn kêu cứu gửi đến hội Điện ảnh Việt Nam.

Bất động sản - 'Thâu tóm' hãng phim truyện Việt Nam, Vivaso đã hứa những gì?

Cuộc đối thoại giữa nghệ sỹ và ban lãnh đạo VFS sau cổ phần hóa ngày 19/9 diễn ra căng thẳng nhưng không giải quyết được bức xúc.

Lá đơn chất chứa hàng loạt bức xúc liên quan đến việc ban lãnh đạo mới công ty chậm trả lương, tự ý xáo trộn cơ sở vật chất, không đảm bảo việc làm cho anh em, không quan tâm đến việc làm phim.

Trong phương án lựa chọn nhà đầu tư chiến lược được VFS đưa ra trước khi tiến hành cổ phần hóa, được sự đồng ý của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tiêu chí lựa chọn được đưa ra rõ ràng và cụ thể.

Nhà đầu tư muốn trở thành ông chủ mới của hãng Phim truyện Việt Nam phải hoạt động ít nhất 5 năm và từng là cổ đông chiến lược của doanh nghiệp cổ phần hóa trực thuộc bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Về tài chính, vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 1.000 tỷ đồng, có lãi 3 năm gần nhất, không có nợ xấu và đủ tiềm lực tài chính để mua cổ phần chào bán (65% của vốn điều lệ 50 tỷ đồng – tương đương 32,5 tỷ đồng).

Quan trọng hơn, nhà đầu tư phải có khả năng hỗ trợ tài chính cho công ty trong tương lai khi cần thiết – điều này đặc biệt có ý nghĩa khi VFS trước thời điểm cổ phần hóa thua lỗ liên tục.

Bên cạnh đó, câu chuyện sau khi nhà đầu tư chiến lược phải đi đúng con đường mà VFS đã đi cũng được đặt lên bàn cân khi “chọn mặt gửi vàng”.

VFS yêu cầu nhà đầu tư phải có cam kết bằng văn bản không chuyển nhượng vốn trong 5 năm kể từ ngày cổ phần hóa, không bán cho nhà đầu tư nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào, cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với công ty.

Ngoài ra, VFS cũng yêu cầu văn bản cam kết hỗ trợ DN CPH bố trí việc làm đúng năng lực, chuyên môn công tác của người lao động và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách (BHYT, BHXH, BHTN…) cho người lao động sau khi chuyển sang CTCP.

Yêu cầu nhà đầu tư cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền về việc dùng một phần vốn tối thiểu bằng 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu và sử dụng hợp lý quỹ đất mà công ty hiện đang quản lý cho lĩnh vực sản xuất phim và văn hóa điện ảnh.

Nói về quỹ đất của VFS, đây thực sự là một "miếng bánh ngon", hấp dẫn đối với bất kỳ doanh nghiệp nào khi có ý định tham gia sau cổ phần hóa.

Bất động sản - 'Thâu tóm' hãng phim truyện Việt Nam, Vivaso đã hứa những gì? (Hình 2).

Sức hấp dẫn từ "đất vàng" trong thương vụ cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam.

VFS được quyền quản lý và sử dụng 4 khu đất tại Hà Nội và TP.HCM có tổng diện tích gần 14.000m2. Trong đó 2 khu đất “vàng” là số 04 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội có diện tích 5.448,5m2  và khu đất số 6, Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM có diện tích là 1.208,7m2.

Ngoài ra, VFS còn được sử dụng khu đất gần 6.400m2 tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội và hơn 1.200m2 tại đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội.

Sau đó, Vivaso là nhà đầu tư chiến lược duy nhất ngỏ lời sau khi "đăng tin tìm cổ đông chiến lược 3 kỳ trên một tờ báo duy nhất là Kinh tế và Đô thị Hà Nội với khổ chữ bé đến mức gần như không thể đọc nổi" – theo như lời các nghệ sĩ của hãng Phim truyện Việt Nam đưa ra.

Lý do Vivaso muốn mua hãng Phim truyện Việt Nam là "Đầu tiên ngoài tình yêu với điện ảnh thì đó là hy vọng qua điện ảnh cũng là một kênh truyền thông sẽ quảng bá hình ảnh công ty chúng tôi, đặc biệt khi công ty đang tiến tới là một công ty đa ngành nghề” - ông Nguyễn Danh Thắng – Phó Tổng Giám đốc Vivaso, hiện là Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư và phát triển hãng Phim truyện Việt Nam cho biết.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.